Bệnh nhân ở Hà Tĩnh được điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường ngay tại trạm y tế

(Baohatinh.vn) - Trước những hậu quả nặng nề do bệnh tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ĐTĐ) gây ra, thời gian qua, ngành Y tế Hà Tĩnh đã tập trung cao cho công tác quản lý và điều trị, nhất là theo nguyên lý y học gia đình.

Từ tầm soát, sàng lọc…

Theo bác sỹ Nguyễn Chí Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là tỷ lệ người bị THA và ĐTĐ lớn nhưng tỷ lệ người phát hiện mình bị bệnh lại rất ít. Chính vì vậy, việc tầm soát, sàng lọc quan trọng nhất là giúp người dân phát hiện ra bệnh, từ đó có các giải pháp điều trị, phòng ngừa và hạn chế tác hại, biến chứng của bệnh.

Bệnh nhân ở Hà Tĩnh được điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường ngay tại trạm y tế

Người dân được các bác sỹ tại trạm y tế đến đo huyết áp định kỳ ngay tại nhà

Được biết, việc tầm soát và sàng lọc THA đang được ngành y tế Hà Tĩnh tập trung triển khai. Chỉ riêng trong năm 2018, đã có gần 30.000 bệnh nhân THA, trên 6.000 bệnh nhân ĐTĐ được phát hiện, theo dõi, quản lý thông qua hệ thống phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử.

Để có thể triển khai thông suốt, hiệu quả công tác tầm soát THA, ĐTĐ, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, nhất là ở các trạm y tế là yếu tố quyết định. “Bình quân mỗi năm, sở tổ chức từ 13-14 lớp đào tạo, tập huấn cho khoảng 600 - 800 cán bộ y tế về quy trình, kỹ năng thực hiện các bước khám, sàng lọc. Đặc biệt, tỉnh, huyện cử đội ngũ cán bộ trực tiếp xuống tận cơ sở, cầm tay, chỉ việc và hỗ trợ cho cán bộ y tế các trạm trong thời gian đầu triển khai” - bác sỹ Nguyễn Chí Thanh cho biết.

Theo ngành y tế, đến nay, 100% trưởng trạm y tế đã được đào tạo chương trình chẩn đoán, điều trị và quản lý THA, ĐTĐ theo nguyên lý y học gia đình.

… đến quản lý và điều trị

Cùng với việc tầm soát và sàng lọc, Hà Tĩnh còn dày công cho việc quản lý và điều trị THA, ĐTĐ ngay tại cơ sở. Theo bác sỹ Trần Hậu Cư - Trưởng Trạm Y tế phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) - một trong 4 trạm y tế được triển khai thí điểm mô hình quản lý và điều trị bệnh THA từ năm 2017 thì: Việc điều trị THA ngay tại trạm đã tạo bước chuyển về cả lượng và chất cho trạm. Cái được lớn nhất là đưa việc thanh toán BHYT về tại trạm.

Bệnh nhân ở Hà Tĩnh được điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường ngay tại trạm y tế

Các trạm y tế sẽ là nơi quản lý, điều trị người bệnh bị tăng huyết áp, đái tháo đường (Ảnh: Trạm Y tế xã Tượng Sơn, Thạch Hà)

Điều này giúp cho hơn 250 người khám sàng lọc phát hiện THA được quản lý và điều trị ngay tại trạm y tế, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và góp phần giảm tải cho tuyến trên. Hiện nay, hầu hết huyết áp của người bệnh đã được kiểm soát và đưa về huyết áp mục tiêu.

Bác Lê Văn Bảng (phường Thạch Quý) cho biết: “Trước đây đi khám, đi kiểm tra huyết áp cứ phải lên bệnh viện và phải chờ mất rất nhiều thời gian. Hơn 1 năm nay, cứ hàng tháng hoặc lúc nào thấy mệt là ra trạm để mấy cô chú đo huyết áp cho. Nếu thấy tăng thì họ kê thuốc nên đỡ mất công”.

Ngoài Thạch Quý, 3 trạm y tế gồm: Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh), Hương Vĩnh (Hương Khê), Trung Lễ (Đức Thọ) cũng được thí điểm triển khai việc quản lý, điều trị THA và đã mang lại hiệu quả to lớn.

Trên cơ sở hiệu quả của các mô hình thí điểm, đầu năm 2019, Hà Tĩnh triển khai thực hiện điều trị, quản lý THA và ĐTĐ theo nguyên lý y học gia đình tại 110 trạm y tế. Đây là những trạm y tế đáp ứng được các tiêu chuẩn như: Phải có bác sỹ, có đủ điều kiện cơ sở vật chất cũng như trình độ chuyên môn trong quản lý, điều trị THA, ĐTĐ. Tại 110 trạm y tế này, người bệnh THA, ĐTĐ sẽ được quản lý, cấp thuốc ngay tại trạm y tế.

Bệnh nhân ở Hà Tĩnh được điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường ngay tại trạm y tế

Bà con được các y, bác sỹ tư vấn cách điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường ngay tại trạm y tế

Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến hết quý I/2019, có 34/110 trạm y tế thuộc 7 huyện đã triển khai hoạt động quản lý điều trị THA. Tổng số bệnh nhân được điều trị THA thường xuyên tại 34 trạm y tế là trên 1.546 người. Có 5/110 trạm y tế đã triển khai hoạt động quản lý, điều trị ĐTĐ. Các trạm y tế đã cấp thuốc từ nguồn bảo hiểm cho bệnh nhân 1 tháng/lần.

Trong năm 2019, Hà Tĩnh sẽ hoàn thành việc triển khai thực hiện điều trị, quản lý THA và ĐTĐ theo nguyên lý y học gia đình tại tất cả các trạm y tế. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả từ việc quản lý, điều trị tại 110 trạm, ngành y tế sẽ tiếp tục đưa ra các giải pháp cho các trạm y tế còn lại.

Bác sỹ Nguyễn Chí Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh khẳng định: Các bệnh không lây nhiễm, nhất là THA, ĐTĐ là những bệnh mãn tính, việc điều trị phải thường xuyên, lâu dài, thậm chí là suốt đời và rất tốn kém. Vì vậy, việc quản lý, điều trị các loại bệnh này ngay tại trạm y tế sẽ góp phần giúp người dân giảm thiểu thời gian, công sức đi lại, giảm chi phí và góp phần giảm tải cho tuyến trên.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast