Từ sáng 3/11 (giờ Mỹ), nhiều kênh YouTube đã phát trực tiếp video cập nhật kết quả bầu cử tổng thống dù nhiều bang chưa đóng cửa bỏ phiếu. Các video hiện bản đồ tại từng bang, tuy nhiên đó không phải kết quả chính thức.
Có đến 8 video giả mạo kết quả với tiêu đề “LIVE 2020 Presidential Election Results” được phát trực tiếp từ 3 tài khoản khác nhau. Chúng thu hút hàng chục nghìn lượt theo dõi trực tiếp, thậm chí chạy quảng cáo để kiếm tiền.
Các video livestream giả kết quả bầu tổng thống thu hút hàng chục nghìn lượt xem, cùng phát một biểu đồ. Ảnh: @defnoodles/Twitter . |
Theo Insider , một tài khoản phát livestream kết quả giả mạo có đến 1,2 triệu lượt đăng ký, và 4 tài khoản có dấu tick xác nhận của YouTube. Tài khoản tên Seven-Hiphop chuyên đăng video ca nhạc cũng phát trực tiếp kết quả bầu cử giả với 26.000 lượt xem.
Có lúc 4 kết quả cao nhất khi tìm kiếm trên YouTube với từ khóa “presidential election results” (kết quả bầu cử tổng thống) đều là giả. Tìm kiếm với từ khóa “election result” (kết quả bầu cử) cũng xuất hiện 3 video tương tự.
Những kết quả này có thể tạo dễ dàng thông qua website cho phép mọi người thay đổi màu đại diện của đảng chiến thắng tại từng bang theo ý thích.
Trả lời Bloomberg , YouTube xác nhận đã xóa những video trên do vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng.
“Chúng tôi có chính sách nghiêm cấm nội dung spam, lừa đảo hoặc sai sự thật”, phát ngôn viên YouTube cho biết nền tảng này liên tục xem xét những nội dung liên quan đến bỏ phiếu trong giai đoạn diễn ra và sau bầu cử.
Biểu đồ trong các video giả mạo được lấy từ website cho phép mọi người thay đổi kết quả theo ý thích. Ảnh: Business Insider . |
Theo YouTube, nền tảng này đã hướng các kênh tin tức chính thống cho người dùng. Tuy nhiên, các video giả kết quả bầu cử được xếp vào mục âm nhạc, chứng khoán để qua mặt hệ thống kiểm duyệt.
Hiện khi tìm kiếm nội dung liên quan đến bầu cử, YouTube sẽ hiện thông báo rằng kết quả có thể chưa chính thức, kèm đường dẫn đến trang cập nhật kết quả của Google.
Một số mạng xã hội cũng áp dụng biện pháp bảo đảm kết quả bầu cử được chia sẻ là thật. Ví dụ, Twitter đã gắn thẻ những bài viết công bố kết quả chưa chính thức hoặc được dự đoán bởi ít nhất 2 hãng thông tấn quốc gia.