Dồn sức khôi phục sản xuất sau lũ

Chưa bao giờ sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Lũ chồng lên lũ khiến nhiều vùng quê xơ xác, tiêu điều, sản xuất nông nghiệp bị tàn phá nặng nề. Trước mắt người nông dân, cảnh tượng về thiếu giống, thiếu đói dần hiện hữu...

Trở lại vùng ngập lụt Cẩm Xuyên - nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc xả tràn Kẻ Gỗ và Sông Rác - sau mấy ngày nước rút, người dân nơi đây đang dồn sức khắc phục hậu quả lũ lụt để sớm ổn định cuộc sống. Trên đường đến các xã Cẩm Thành, Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ, chúng tôi bắt gặp những tấn lúa chưa hết đen sệt của màu nước lũ đang được người dân trải phơi khắp nơi trên mặt đường nhựa; thứ đã lên mộng dài, thứ đen nhẻm, tất cả đều xộc lên mùi ẩm mốc.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân khối 14, thị trấn Hương Sơn chăm sóc ngô vụ đông
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân khối 14, thị trấn Hương Sơn chăm sóc ngô vụ đông

Bác Nguyễn Thị Luận ở xã Cẩm Thành nhớ lại: “Sau đợt lũ đầu tháng 10, gia đình tôi đã chủ động hơn nhưng nước lên nhanh quá nên chỉ chạy được người, 11 con lợn, 1 tấn lúa vừa thu hoạch và mấy chục con gà đành chịu trôi theo dòng nước lũ”.

Dừng chân trước căn nhà xiêu vẹo, tuyềnh toàng của gia đình bác Huân ở thôn 3, xã Cẩm Mỹ, chúng tôi không khỏi đắng lòng. Nước đã rút hẳn nhưng trên khuôn mặt của vợ chồng người nông dân nghèo này vẫn chưa hết nỗi kinh hoàng. Ông Huân bần thần nói: “Khổ quá chị ơi, cứ tưởng lúa gặt về trong nhà là an toàn rồi, ai ngờ trận nước lớn lại cướp đi tất cả. Có bao nhiêu lúa đều bị ngâm nước cả, thứ lúa ấy người ăn sao được nữa. Tới đây, gia đình tôi biết bấu víu vào đâu. Không chỉ lúa, 100% rau màu vụ Đông và cá nước ngọt của bà con trong xã cũng bị dìm trong nước, không thể khôi phục được".

Đến bây giờ, lớp bùn non sền sệt sau lũ ở một số xã thuộc huyện Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc vẫn chưa sạch hết. Bên cạnh mấy ngôi nhà xiêu vẹo, những con người mệt mỏi, uể oải quét dọn, lau chùi vài thứ đồ đạc nằm lẫn lộn trong lớp bùn đất nhão nhoét. Cơ nghiệp của người nông dân còn lại chỉ là những đống hoang tàn, ngổn ngang. Thiếu đói, thiếu giống sản xuất vụ đông xuân đang có nguy cơ xảy ra.

Trước tình hình đó, Sở NN&PTNT đã kịp thời bổ cứu các phương án chỉ đạo khắc phục hậu quả sau mưa lũ và khôi phục sản xuất vụ đông. Theo đó, ngay sau khi nước rút, Sở đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống các vùng lũ chỉ đạo, hướng dẫn bà con tập trung khôi phục sản xuất, làm vệ sinh môi trường, hồ nuôi, phòng trừ dịch bệnh trên vật nuôi.

Nông dân các xã vùng lũ trong tỉnh làm đất khôi phuc sản xuất vụ đông
Nông dân các xã vùng lũ trong tỉnh làm đất khôi phuc sản xuất vụ đông

Ông Nguyễn Văn Việt - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Điều quan trọng nhất hiện nay là phải giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước cho người, vật nuôi và cứu đói cho bà con vùng lũ. Do đó, cùng với những chiến lược dài hơi, Sở đã chỉ đạo các địa phương tuỳ vào điều kiện của mình mà khẩn trương gieo trỉa lại các giống cây ngắn ngày, trong đó tập trung vào các giống ngô như: VN2, VN6, MX4... Đối với những vùng không thuận lợi để trồng ngô thì chuyển sang khoai lang và rau màu các loại; đây vừa là nguồn thực phẩm giúp bà con nông dân vượt qua được khó khăn do thiếu hụt lương thực, đồng thời là nguồn thức ăn phục vụ cho chăn nuôi. Bên cạnh đó, chú trọng tiêu đôc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại, hồ nuôi kết hợp với công tác tiêm phòng, tránh để trâu bò mắc bệnh sau lũ”.

Để chủ động nguồn giống ngô, khoai lang, tỉnh khuyến khích các địa phương bố trí giống đông muộn, xuân sớm trên những diện tích hợp lý; đặc biệt, mở rộng diện tích trồng rau, đậu thực phẩm và nhóm giống ăn lá, quả, gia vị nhằm đảm bảo phục vụ đời sống tại chỗ và tạo ra nguồn hàng hoá, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Trước mắt, tỉnh hỗ trợ tối đa các loại giống rau, ngô đông; 50% giống lúa đông xuân và nhiều chính sách phù hợp đối với thuỷ sản cho bà con vùng lũ, nhằm đẩy nhanh khôi phục sản xuất vụ Đông và chuẩn bị vững chắc cho mùa giáp hạt tới.

Những mất mát mà sản xuất nông nghiệp phải gánh chịu không thể khôi phục trong một sớm một chiều, nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của ngành cùng với quyết tâm của địa phương và bà con nông dân, tin rằng nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm sẽ được đẩy lùi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast