Huy động mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai

Không lâu sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 70 về việc thành lập Ủy ban T.Ư Hộ đê - tiền thân của BCĐ PCLB T.Ư ngày nay. Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống phòng, chống thiên tai là dịp để cùng nhau rút kinh nghiệm, lên phương án ứng phó với vấn đề trọng tâm, cấp bách, vừa có tính thường xuyên vừa có tính chiến lược này.

Nhân Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai Việt Nam (22/5)

Với địa hình phức tạp, phía Tây núi non hiểm trở, hệ thống sông suối dày đặc, bờ biển dài 137 km cùng 4 cửa lạch lớn thông ra biển, hàng năm, Hà Tĩnh phải hứng chịu nhiều thiên tai ác liệt như: bão tố và nước dâng trong bão uy hiếp vùng dân cư ven biển; lũ quét, sạt lở núi ở các huyện miền núi; lũ lụt uy hiếp vùng ngoài đê La Giang và ngập úng vùng nội đồng Đức Thọ, Can Lộc, vùng hạ du các hồ chứa: Kẻ Gỗ, Sông Rác.

Dọc theo bờ biển từ Cửa Hội vào Đèo Ngang có 31 xã bãi ngang, trên 3.000 tàu thuyền với hơn 35.000 hộ sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt và chế biến hải sản ven biển là những đối tượng thường chịu nhiều rủi ro khi bão tố xẩy ra. Mặc dù Hà Tĩnh có 32 tuyến đê với chiều dài 316 km rải khắp địa bàn nhưng nhìn chung, hệ thống đê điều mặt cắt còn nhỏ, cao trình thấp, khả năng chống đỡ với thiên tai, bão lũ còn nhiều bất cập. Hà Tĩnh cũng có 345 hồ chứa lớn, nhỏ với tổng dung tích 762 triệu m3 và 48 đập dâng nhưng do đầu tư xây dựng từ những năm 1980 về trước nên đang xuống cấp nghiêm trọng, nhất là các hồ chứa nước lớn chưa có tràn sự cố.

Hai trận lũ lịch sử năm 2010 gây hậu quả nặng nề về người và tài sản của nhân dân Hà Tĩnh
Hai trận lũ lịch sử năm 2010 gây hậu quả nặng nề về người và tài sản của nhân dân Hà Tĩnh

Thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn đối với nước ta, trong đó các tỉnh miền Trung - khu vực chịu tác động trực tiếp và khốc liệt nhất. Những năm gần đây, Hà Tĩnh liên tiếp phải hứng chịu những trận bão, lũ, hạn hán, xâm mặn chưa từng có trong lịch sử. Đặc biệt, trong năm 2010 vừa qua, tỉnh ta phải gánh chịu hậu quả nặng nề của cơn bão số 3 và 2 trận lụt lịch sử làm 55 người chết, 191 người bị thương, 452 ngôi nhà bị sập đổ - cuốn trôi, 6.533 nhà tốc mái – xiêu vẹo, 151.683 nhà bị ngập, 26 ngàn ha cây trồng bị hư hỏng; tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ước 6.800 tỷ đồng…

Thời tiết đã xuất hiện những hình thái khí hậu cực đoan cả quy mô và tính chất, cả số lượng và cấp độ gây ra những tổn thất nặng nề về nhiều mặt đối với sản xuất và đời sống mà trực tiếp là nông dân, vốn chiếm hơn 80 % dân số Hà Tĩnh. Thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, tỉnh ta đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động với mục tiêu: “Huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản và cơ sở hạ tầng; bảo vệ sản xuất, xoá đói giảm nghèo; bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững KT-XH của tỉnh đến năm 2020”.

Về mục tiêu cụ thể, Hà Tĩnh sẽ tập trung củng cố, tăng cường nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, hệ thống thông tin liên lạc, nắm chắc diễn biến thời tiết, đảm bảo thông tin kịp thời trong mọi tình huống đáp ứng yêu cầu trong việc cảnh báo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; triển khai quy hoạch phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH và khu dân cư đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn phòng, chống bão lũ, thiên tai của từng vùng; gắn kết quy hoạch phát triển KT-XH và các quy hoạch ngành với quy hoạch, kế hoạch phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai để phát triển bền vững.

Di dời dân nằm trong vùng đặc biệt nguy hiểm ở cửa sông, ven biển, vùng có nguy cơ cao xẩy ra lũ quét, sạt lở đất là một trong những mục tiêu mà Hà Tĩnh tập trung thực hiện
Di dời dân nằm trong vùng đặc biệt nguy hiểm ở cửa sông, ven biển, vùng có nguy cơ cao xẩy ra lũ quét, sạt lở đất là một trong những mục tiêu mà Hà Tĩnh tập trung thực hiện

Hà Tĩnh cũng tập trung triển khai quy hoạch và tổ chức di dời, sắp xếp, ổn định đời sống nhân dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; trước mắt, phấn đấu cơ bản hoàn thành di dời một số hộ dân nằm trong vùng đặc biệt nguy hiểm ở cửa sông, ven biển, vùng có nguy cơ cao xẩy ra lũ quét, sạt lở đất. Xây dựng lực lượng cứu hộ - cứu nạn đảm bảo yêu cầu cả về trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng tại chỗ; lập phương án, kế hoạch sử dụng, huy động lực lượng phương tiện ứng cứu từng vùng sát với thực tế. Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là tuyến đê La Giang, các hệ thống hồ chứa lớn như: Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên, Sông Rác - Kim Sơn...

Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, cùng với xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách, hàng năm, cần kiện toàn bộ máy BCH PCLB - TKCN ở các cấp, ngành; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mùa vụ thích hợp; đầu tư tu bổ, nâng cấp và xây dựng mới các công trình đê điều, thủy lợi trong thiết kế cần tính đến các yếu tố bất thường của biến đổi khí hậu; xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, khu dân cư vùng nông thôn, đô thị phải tuân thủ quy hoạch, không vi phạm hành lang thoát lũ các tuyến sông; từng bước hoàn thành chương trình kiên cố bằng bê tông các tuyến đường giao thông nông thôn vùng ngập lụt; rà soát, chấn chỉnh lại việc cấp phép khai thác vật liệu cát, sỏi trên các dòng sông không làm ảnh hưởng đến sạt lở bờ sông, bờ biển và công trình đê điều; triển khai quy hoạch phòng, chống lũ của các tuyến sông và quy hoạch điều chỉnh đê điều trên địa bàn; xây dựng bản đồ phân vùng ngập lụt, vùng nguy cơ xẩy ra lũ quét và sạt lở bờ sông, bờ biển để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo; xây dựng năng lực tự phòng ngừa thiên tai đặc biệt là phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng (mô hình như xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê); tăng cường công tác phổ biến kiến thức pháp luật về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai...

Thực tiễn công tác PCLB – GNTT những năm qua ở Hà Tĩnh đã khẳng định, không thể loại trừ thiên tai mà chỉ có khả năng hạn chế và tìm kiếm các biện pháp thích ứng để giảm thiểu thiệt hại. Qua đó để lợi dụng, né tránh, tiến tới khắc phục và từng bước chinh phục nó nhằm bảo vệ và phát triển sản xuất, đời sống. Nhân Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai Việt Nam năm 2011, đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể ở Hà Tĩnh kêu gọi toàn thể nhân dân chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện, vật tư, nhân lực để sẵn sàng cho công tác PCLB năm 2011 với quyết tâm cao nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản cho chính mình và cho cộng đồng.

Chi cục trưởng Chi cục QLĐĐ&PCLB Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast