Việt Nam - Lào: Tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư

Trên con đường phát triển và hội nhập, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của hai dân tộc là những chất keo dính mới củng cố và thúc đẩy hơn nữa quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh thành công trên đất Lào

Hưng Thịnh là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Hà Tĩnh đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất lưới thép mạ kẽm và dây thép gai tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng. Sau 10 năm kinh doanh trên đất Lào, doanh nghiệp Hưng Thịnh đã có những thành công nhất định, từng bước khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm và giải quyết việc làm cho nhiều lao động Việt Nam và Lào. Hiện nay Doanh nghiệp đang tiếp tục nâng cấp mở rộng quy mô sản xuất và tiếp tục tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Để có những thành công trên lĩnh vực kinh doanh như ngày hôm nay, điều ông Phan Danh Tý – Giám đốc Công ty Lưới, thép gai Hưng Thịnh tâm đắc, ghi nhận đó là sự giúp đỡ hết sức chân tình của chính quyền và nhân dân Lào. “Dường như mối thâm tình sẵn có giữa Việt Nam – Lào được tích tụ từ hàng chục năm qua chỉ chờ có dịp để người dân Lào thể hiện. Có những thời điểm, công việc kinh doanh không được thuận lợi nhưng những người bạn Lào đã động viên và giúp tìm kiếm thị trường đã tiếp thêm sinh lực để Hưng Thịnh vượt qua khó khăn” – ông Tý cho biết.

Thủ tướng nước CHDCND Thong xỉnh Thăm ma vông thăm các công trình dự án nằm trong KKT Vũng Áng (tháng 3/2011)

Thủ tướng nước CHDCND Thong xỉnh Thăm ma vông thăm các công trình dự án nằm trong KKT Vũng Áng (tháng 3/2011)

Cùng với doanh nghiệp tư nhân Hưng Thịnh, từ năm 2005 đến nay đã có một số doanh nghiệp, tổng công ty của Hà Tĩnh đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả tại nước bạn Lào như: Công ty liên doanh Việt Lào (Vilaco) thuộc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco), Công ty TNHH một thành viên Cao su Hà Tĩnh.

Năm 2008 Công ty Vilaco tiến hành đầu tư xây dựng Nhà máy nghiền bột thạch cao giai đoạn I với công suất 30.000 tấn/năm, giá trị đầu tư 3 triệu USD và đến tháng 8 năm 2009 đã khánh thành và đưa vào hoạt động. Hiện nay đã có sản phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Năm 2011, sản lượng thạch cao thô khai thác đạt 350.000 tấn. Hiện nay, công ty đang đầu tư nâng cấp Nhà máy sản xuất tấm trần thạch cao lên 500.000m2/năm.

Trong những năm qua Công ty Vilaco đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 90 lao động địa phương của tỉnh Khămmuộn. Năm 2011 đã nộp thuế và ngân sách cho Nhà nước Lào 1 triệu USD; hỗ trợ 200 triệu kíp để xây dựng hệ thống nước sạch và nhà vệ sinh cho cho bản Húa Na, huyện Xế Băng Phay; hỗ trợ tỉnh Khămmuộn 100 triệu kíp khắc phục lũ lụt; hỗ trợ 05 suất học bổng trị giá mỗi suất học bổng 10 triệu kíp cho huyện Xế Băng Phay.

Công ty TNHH một thành viên Cao su Hà Tĩnh được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam giao làm chủ đầu tư thực hiện trồng cây cao su và xây dựng khoảng 65 nhà ở công nhân. Đối với dự án trồng cây cao su, Công ty làm việc với TW đoàn hai nước và đã tiến hành thành lập Nông trường và các đội sản xuất để triển khai từ giữa năm 2010. Đến nay Công ty đã đầu tư trồng mới được 248ha, kế hoạch năm 2012 Công ty tiếp tục đầu tư trồng hết diện tích còn lại là 452ha để hoàn thành nhiệm vụ trồng 700ha cao su tại dự án Làng thanh niên lập nghiệp giai đoạn I. Trong những năm qua Công ty đã thành lập nhiều đoàn công tác gặp gỡ làm việc với các địa phương để khảo sát đất trồng cây cao su tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Bolykhămxay.

Nỗ lực xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư

Sự phát triển và hội nhập của Việt Nam sẽ là cơ hội, là chất xúc tác cho sự phát triển của Lào và ngược lại, sự thịnh vượng, ổn định của Lào sẽ là điều kiện cho Việt Nam phát triển và hội nhập mạnh mẽ hơn. Trên quan điểm đó, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và lãnh đạo hai tỉnh Bolykhămxay và Khămmuộn đã có nhiều cuộc làm việc với các Bộ ngành Trung ương của 2 nước để ký kết các văn bản thoả thuận hợp tác về xúc tiến phát triển kinh tế. Đây là tiền đề để các Doanh nghiệp của Hà Tĩnh và các Doanh nghiệp của Lào sang đầu tư sản xuất tại Lào và tại Hà Tĩnh.

Đặc biệt, tháng 3/2012, Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Hà Tĩnh do đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh đã sang thăm và làm việc với đồng chí Xổm Xả Vạt Lênh Xả Vắt, Phó Thủ tướng Thường trực - Chủ tịch Phân ban Hợp tác Lào - Việt Nam và đại diện một số Bộ ngành liên quan đề xuất Chính phủ Lào về một số nội dung liên quan đến hợp tác phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch… giữa Hà Tĩnh với các tỉnh Lào. Đoàn cũng đã làm việc với hai tỉnh Bolykhămxay và Khămmuộn Lào và đã ký kết các Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển toàn diện trên các lĩnh vực.

Nhiều loại hàng của nước bạn Lào đã được xuất quá cảnh tại cảng Vũng Áng

Nhiều loại hàng của nước bạn Lào đã được xuất quá cảnh tại cảng Vũng Áng

Sau khi có Quyết định số 162/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động của Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó toàn bộ Khu kinh tế rộng 56.684ha này được xác định là khu phi thuế quan với những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt về đầu tư, thuế, tín dụng, đất đai và một số cơ chế, chính sách khác. Ngày 20/5/2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định ban hành Quy chế quản lý và phối hợp hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Trên cơ sở đó, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai công tác quy hoạch, xây dựng nhằm đẩy mạnh hoạt động về giao lưu thương mại giữa hai tỉnh, hai nước và của các tỉnh có sử dụng đường 8, đường 12 của 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan.

Cùng với KKT Cầu Treo, tại KKT Vũng Áng đã thành lập Công ty Cổ phần cảng Vũng Áng Việt - Lào. Đây là dự án quan trọng được lãnh đạo cao cấp hai nước ưu tiên, tập trung chỉ đạo góp phần phục vụ vận tải hàng quá cảnh của Lào và phục vụ phát triển hành lang kinh tế Đông Tây. Và gần đây, tỉnh Hà Tĩnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Phonesack Việt Nam (chủ sở hữu là Phonesack Group-Lào) thực hiện Dự án đầu tư Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Phonesack Việt Nam tại khu kinh tế Vũng Áng.

Với những thành quả to lớn đạt được, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước nói chung và Hà Tĩnh với các tỉnh của Lào nói riêng đang trở thành yếu tố quyết định trong việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, tạo tiền đề cho việc tăng cường và mở rộng hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam lên tầm cao mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast