Xăng dầu tăng giá, doanh nghiệp vận tải chật vật bù lỗ cước phí

Sau gần 1 tháng kể từ ngày liên Bộ Tài chính – Công thương điều chỉnh tăng giá xăng dầu lên 10%, lĩnh vực vận tải đã chịu những tác động rõ nét. Hiện tượng một số doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Tĩnh ăn theo giá xăng thì một số khác đã tính toán cắt giảm chi phí hợp lý để giữ nguyên cước phí.

Công ty Vận tải ô tô Hà Tĩnh chấp nhận cắt giảm một số chi phí khác nhằm giữ giá cước

Công ty Vận tải ô tô Hà Tĩnh chấp nhận cắt giảm một số chi phí khác nhằm giữ giá cước

Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Giám đốc Công ty Vận tải ô tô Hà Tĩnh cho biết: Mặc dù giá xăng dầu tăng gần 1 tháng nhưng chúng tôi vẫn chưa tăng cước phí cho các tuyến vận tải hành khách trong và ngoài tỉnh. Với 40 đầu xe buyt chạy tuyến Hà Tĩnh – Vinh và Hà Tĩnh - Vũng Áng mỗi ngày chúng tôi phải bù lỗ 5 triệu đồng. Để có khoản tiền bù lỗ này, chúng tôi phải chấp nhận cắt giảm một số chi phí khác trong khi vẫn phải đảm bảo các chế độ lương, thưởng cho 130 lao động của công ty. Hiện tại, cước phí tuyến Hà Tĩnh – Vinh, Hà Tĩnh - Vũng Áng vẫn giữ mức giá 25.000 đồng/người. “Doanh nghiệp chúng tôi đã rất cố gắng trong khi các đơn vị vận tải xe buýt ở Nghệ An đã tăng giá. Song đến một lúc nào đó không thể tiết giảm nổi nữa thì cũng phải đệ trình với các cơ quan quản lý cho phép điều chỉnh giá” - anh Tuấn chia sẻ.

Là đơn vị vận tải mang tính đặc thù, Công ty TNHH một thành viên vận chuyển cấp cứu 115 cũng phải chịu nhiều tác động do tăng giá xăng dầu. Với 5 đầu xe, bình quân mỗi ngày đơn vị thực hiện 5 chuyến vận chuyển cấp cứu trong tỉnh và đường dài (Hà Nội). Chi phí cho 1 chuyến vận chuyển cấp cứu Hà Tĩnh – Hà Nội là 4,3 triệu đồng trong đó chi phí xăng dầu hết 2,5 triệu đồng. Theo giá xăng mới, chi phí xăng, dầu hết 2,7 triệu đồng/chuyến.

Bác sỹ Nguyễn Quang Huy – Giám đốc 115 Hà Tĩnh cho biết: “Do chi phí xăng dầu chiếm đến 40% – 50% giá thành vận tải nên khi giá xăng dầu tăng 10% như hiện nay thì giá cước vận tải cũng phải tăng theo mức hợp lý. Tuy nhiên, là doanh nghiệp vận tải đặc thù, đối tượng khác hàng đặc biệt nên việc tăng giá vận chuyển sẽ có tác động không nhỏ đến gia đình bệnh nhân. Vì vậy, hiện nay chúng tôi vẫn phải bù lỗ 200 nghìn đồng/chuyến. Để có kinh phí bù lỗ, đơn vị đã phải tiết giảm chi phí khác”.

Vận tải là 1 trong 2 nhóm tăng giá mạnh nhất trong tháng 3 do giá xăng dầu tăng vọt.

Vận tải là 1 trong 2 nhóm tăng giá mạnh nhất trong tháng 3 do giá xăng dầu tăng vọt.

Trong khi một số đơn vị vận tải mang tính đặc thù đang phải tiết giảm chi phí, chấp nhận bù lỗ thì các đơn vị vận tải khác đã nhanh chóng tăng giá quá mức gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích khác hàng. Chỉ sau vài ngày tăng giá xăng dầu, các hãng taxi, vận tải hành khách trên địa bàn đều tăng cước phí lên 20 - 30%. Cụ thể, giá mở cửa cho km đầu tiên của các hãng taxi Mai Linh, Rồng Việt, Hà Tĩnh… đều tăng 2.000 đồng/km (từ 10.000 đồng lên 12.000 đồng).

Cùng với các hãng taxi, các đơn vị vận tải hành khách tuyến nội, ngoại tỉnh cũng đồng loạt tăng giá. Các tuyến đường dài Hà Tĩnh – Hà Nội đều tăng 15 – 20%. Đặc biệt, tuyến Hà Tĩnh – Hương Khê tăng 25% (từ 40.000 lên 50.000 đồng/người); Hà Tĩnh – Trung tâm tăng 30% (từ 50.000 lên 65.000).

Việc tăng giá cước đã ảnh hưởng lớn đến nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt đối với các học sinh, sinh viên. Chị Thu Hòa công tác ở Hương Sơn đang theo học lớp đại học tại chức mỗi tuần 2 ngày (thứ 7, chủ nhật) tại trường Đại học Hà Tĩnh cho biết: “Do vừa học vừa đi làm nên tuần nào tôi cũng phải đi về. Chi phí đi, về trong 1 tháng mất 500.000 là số tiền không nhỏ đối với đồng lương công chức eo hẹp như chúng tôi”.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, việc nhà nước điều chỉnh giá xăng dầu theo cơ chế thị trường là hợp lý, vì vậy, các doanh nghiệp vận tải khi điều chỉnh giá cần cân nhắc, tính toán kỹ các chi phí. Mức cước mới phải đảm bảo cả lợi ích của doanh nghiệp và khách hàng, không thể đẩy toàn bộ tác động của tăng giá xăng lên một phía.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast