>> Kinh doanh xăng dầu: Còn nhiều "bom nổ chậm"!
Để đưa ngành kinh doanh có điều kiện này tiếp tục đi vào khuôn khổ, các đơn vị chức năng đã cụ thể hóa bằng những hoạt động đi từ “lõi” đến “vỏ”, phần nào lập lại trật tự kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Chống gian lận
Thời gian qua, “vấn nạn” trong hoạt động kinh doanh xăng dầu như các hiện tượng gian lận đo lường để “móc túi” người tiêu dùng, xăng rởm, xăng gây cháy nổ… đã gây bức xúc trong dư luận và hoang mang đối với người tiêu dùng. Trước thực trạng đó, công tác quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng được Sở KH&CN xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, thời gian qua, Sở đã chỉ đạo Thanh tra, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tăng cường công tác thanh, kiểm tra trên địa bàn; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai dán tem niêm phong tại một số điểm nhạy cảm trên cột đo nhằm hạn chế tác động đến cột đo.
Qua các đợt thanh tra, kiểm tra, nhìn chung, các cơ sở kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn đã chấp hành tốt việc kiểm định các cột đo xăng dầu. Tuy nhiên, khoảng thời gian trước đây, các cơ sở chưa thực hiện kiểm soát cột đo khi lắp đặt, do điều kiện kinh phí hạn hẹp nên không ít cửa hàng đã đầu tư các loại cột đo cũ, chất lượng kém để sử dụng. Đến nay, các cột đo đó đã xuống cấp lại hoạt động với tần suất lớn nên rất dễ dẫn đến sai hỏng, mặc dù sử dụng cột đo sai hỏng không phải là gian lận nhưng lại gây thiệt hại cho khách hàng. Qua các cuộc thanh tra đột xuất, đã phát hiện và xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm.
Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng thực hiện kiểm tra, rà soát IC chương trình cột đo xăng, dầu trên địa bàn tỉnh. |
Đơn cử như Cửa hàng xăng dầu Phố Châu tự ý tháo dỡ niêm phong kẹp chì đối với cột đo xăng RON 92, hay Cửa hàng xăng dầu số 9 - Công ty TNHH Thương mại Thắng Lợi sử dụng 3 cột đo dầu có sai số vượt quá giới hạn cho phép. Cùng với đó, chạy lại phần mềm cho 71 cột đo và thay mới 8 IC chương trình. Với công tác xử lý sai phạm đảm bảo tính nghiêm minh nên trong thời gian qua, vi phạm về đo lường xăng dầu trên địa bàn có thể nói đã được giảm thiểu một cách đáng kể.
Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Bùi Phong An cho rằng, trong quá trình thanh, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu, thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật được thực hiện và kiểm tra đầy đủ. Đến thời điểm hiện nay, Chi cục đã hoàn thành việc rà soát và chưa phát hiện có bất kỳ dấu hiệu vi phạm nào tại các cửa hàng và đã tiến hành thực hiện các biện pháp kỹ thuật (dán tem niêm phong tại các điểm có thể can thiệp để làm sai số) trên cột đo nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu. Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu cũng đã ký cam kết về đo lường, chất lượng.
Siết chặt công tác quản lý
Có thể thấy, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu đã được nâng lên trong thời gian qua, đặc biệt là sau khi UBND tỉnh ban hành Thông báo 471/TB-UBND về phương án xử lý các cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Từ đó, chấm dứt được tình trạng xây dựng cửa hàng xăng dầu khi chưa được phép của UBND tỉnh, xây dựng trái quy hoạch; hoạt động kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật; nhiều cửa hàng đã ngừng kinh doanh theo các quyết định.
Diễn tập phương án PCCC&CHCN tại Cửa hàng xăng dầu Cầu Phủ (TP. Hà Tĩnh) |
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương vào cuộc khá quyết liệt trong việc xử lý tồn tại mà trước đây chưa khắc phục được. Như trên địa bàn huyện Kỳ Anh, trước đây có 9 cửa hàng thuộc diện không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, không đủ điều kiện kinh doanh, phải thực hiện di dời, chuyển đổi mục đích kinh doanh nhưng chỉ có 8 cửa hàng chấp hành, còn 1 cửa hàng vẫn tiếp tục hoạt động, mặc dù cơ quan chức năng đã phối hợp lập biên bản, xử phạt hành chính nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động.
Mặc dù chính quyền một số địa phương, ngành chức năng tiến hành nhiều biện pháp nhưng như đã phản ánh, nhiều cửa hàng vẫn chây ỳ trong việc chấp hành Thông báo 471 của UBND tỉnh trong khi việc thực hiện các phương án cưỡng chế còn gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, thiếu chuyên môn và các văn bản quy định cụ thể. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, chưa kiên quyết xử lý dứt điểm, vẫn để các cửa hàng lén lút hoạt động.
Do đó, theo Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Đình Lộc, các địa phương cần phối hợp với ngành thực hiện nghiêm lĩnh vực quản lý xăng dầu, phối hợp xử lý dứt điểm đối với các cửa hàng xăng dầu không đảm bảo điều kiện nhưng vẫn đang lén lút hoạt động; xây dựng phương án cưỡng chế an toàn, hiệu quả, thu hồi các giấy tờ, chứng nhận liên quan đối với các cửa hàng xăng dầu đã ngừng hoạt động; tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu, phát huy trách nhiệm của người dân trong việc phát hiện và tố giác gian lận.