Chuyện buồn trong thắp hương, khấn giúp và rải tiền lẻ...

(Baohatinh.vn) - Hương khói thể nào để đảm bảo văn minh, không hại đến sức khỏe và khấn lễ thế nào để đảm bảo linh thiêng khi đi chùa, đền? Có nên bỏ tiền lẻ lên bàn thờ và tượng thờ?... Đó là những chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng với những lễ hội và di tích có đông người viếng thăm thì rất cần được quan tâm.

Biến tướng cầu tài lộc - sự “đứt gãy” của văn hóa lễ hội (Bài 2):

>> Biến tướng cầu tài lộc - sự “đứt gãy” của văn hóa lễ hội

Cảnh du khách chen lấn dâng lễ tại chùa Hương Tích.

Cảnh du khách chen lấn dâng lễ tại chùa Hương Tích.

Bà Nguyễn Thị Hảo 83 tuổi (tổ dân phố 6, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) từng có hàng chục năm đi lễ đền chùa. Theo bà: “Phật, Thánh đều tại tâm. Có tâm thì cây hương bát nước, lễ bạc lòng thành các vị thần Phật cũng chứng. Quan trọng nhất là phải tu nhân tích đức, làm lành lánh tội, tích thiện phùng thiện chứ ăn ở thất đức thì đi chùa, đền bao nhiêu, hương khói lễ lạt nhiều cũng vô ích”.

Chúng tôi đã có dịp đến nhiều địa chỉ văn hóa tâm linh trong cả nước như chùa Phật Tích, chùa Thầy (Bắc Ninh), chùa Tam Thanh (Lạng Sơn), chùa Bái Đính (Ninh Bình)… Ở những nơi này, người bán hàng chỉ bán cho mỗi người một cái lễ gồm thẻ hương nhỏ 3 cây và ít bông hoa với giá rất rẻ, hoặc du khách chỉ mua vé vào tham quan, bỏ tiền hương vào hòm công đức và cắm ít cây hương vào lư hương lớn ngoài sân rồi bái lạy và vào chùa vái Phật. Phía bên ngoài cũng không có bất kỳ lư hương nào khác. Đó cũng chính là những hình ảnh mà chúng tôi thường gặp khi vào các chùa lớn nhỏ ở nước Lào, đất nước mà hầu hết người dân theo đạo Phật.

Những ngày đầu xuân, có dịp hành lễ ở các đền chùa, di tích lịch sử văn hóa trong tỉnh, chúng tôi thấy cảnh hương khói vẫn nghi ngút ở nhiều nơi như khu mộ 10 nữ liệt sỹ TNXP Ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương (Can Lộc), đền Bà Hải (Kỳ Anh), đền Củi (Nghi Xuân), đền Võ Miếu (TP Hà Tĩnh). Mặc dù có biển báo nhắc nhở, song nhiều người vẫn bất chấp, đốt cả bó hương lớn, cắm rất nhiều và tìm mọi chỗ để cắm hương. Hương rơi vãi hóa lửa, tỏa khói nghi ngút. Một số nơi cấm đưa vào chính điện thì bên ngoài lại nghi ngút, nhất là những ngày cao điểm. Dường như, với rất nhiều người, phải đốt nhiều hương, cắm nhiều nơi thì mới được gọi là thành kính”.

Tay châm hương, mắt nhìn điện thoại

Tay châm hương, mắt nhìn điện thoại

Có một chuyện tế nhị khác, đó là việc nhờ thầy khấn lễ. Thường thì sớ được đề tên tuổi, địa chỉ gia đình tín chủ, sao hạn cần giải và lời cầu an, cầu phúc, cầu tự. Ở những chùa lớn có các nhà sư và tăng ni làm lễ thì việc hành lễ rất trang nghiêm, thành kính. Song, không hiếm chuyện những thầy lễ không chính danh, nhân thân không rõ ràng tự khoác áo nâu, áo lam, vào một số đền, chùa khấn hộ cho các tín chủ. Đặc biệt, cũng có những “thầy” viết sai chính tả, đọc sai cả tên họ, địa chỉ, đem cả chuông mõ vào gõ ở những nơi không hợp tự (thờ Phật và thờ Thánh một chỗ). Lại có người đem cả đồng xu âm dương vào xin quẻ tại đền, chùa. Nhiều người hành lễ có cảm nhận, hình như ở nhiều đền, chùa, miếu, ai cũng có thể thành… thầy lễ. Điều này rất khác với đền Bà Hải ở Kỳ Anh, các thầy phải được cấp biển hiệu và qua thi tuyển.

Một thực trạng báo chí phản ánh khá nhiều và chúng tôi cũng nhận thấy rất phản cảm - đó là tình trạng rải tiền, đặt tiền trên các ban, bệ thờ, tượng thờ, thậm chí là nhét vào các ngón tay, miệng tượng Phật. Có người nói đó là hiện tượng “hối lộ” thần linh. Qua tìm hiểu những bậc cao niên, việc nhét tiền vào miệng, vào tay tượng là điều tệ hại vì xúc phạm thần Phật. Điều này phản ánh sự ấu trĩ, non kém về nhận thức.

Việc bỏ tiền trên bàn thờ cũng không nên. “Ngày xưa không có chuyện cúng lễ bằng tiền thật mà chỉ có hương đăng, hoa quả, ít tiền vàng giấy áo (với những nơi không phải là chùa), xôi oản, chè, bánh trái… Khoảng chục năm nay mới sinh ra chuyện này. Thật không hợp với truyền thống” - bà Nguyễn Thị Hảo nhận xét.

Việc này, các ban quản lý di tích, ban trị sự các chùa không thể không biết!

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast