Hiệp hội Thận học Quốc tế cho biết bệnh thận mạn đang là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, là nguyên nhân gây tử vong tăng nhanh thứ ba trên toàn cầu và là bệnh không lây nhiễm duy nhất có tỷ lệ tử vong điều chỉnh theo độ tuổi tăng liên tục.
Đến năm 2040, bệnh thận mạn được dự đoán là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 5 trên toàn cầu.
Tại Việt Nam hiện có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số. Điều đáng lo ngại là tình trạng người bệnh suy thận mạn tại Việt Nam đang ngày càng trẻ hóa.
Nếu như trước đây, bệnh suy thận chỉ xuất hiện ở nhóm người 60 tuổi, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18-30 tuổi mắc bệnh thận đang ngày càng gia tăng, chiếm từ 20-30%.
Lý giải về tình trạng đáng báo động này, các bác sỹ cho biết một số nghiên cứu đã ghi nhận việc ăn nhiều protein, nhiều dầu mỡ, thức khuya có mối liên quan đến suy giảm chức năng thận.
Lối sống không lành mạnh như ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn, ăn uống thừa năng lượng, lạm dụng chất kích thích, hút thuốc lá, ít vận động… của người trẻ là nguyên nhân góp phần làm gia tăng tình trạng trẻ hóa bệnh lý suy thận.
Ngoài ra, thói quen tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng sinh, thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc, thực phẩm chức năng bừa bãi cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người suy thận ngày càng trẻ hóa.
Bệnh thận có diễn tiến âm thầm nên người bệnh khó phát hiện bệnh sớm, nhiều người chỉ phát hiện ra bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, tức giai đoạn cuối của suy thận mạn, bắt buộc phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận. Vì vậy, bạn cần biết các dấu hiệu cảnh báo sớm sau đây để điều trị kịp thời.
11 dấu hiệu cảnh báo Bất thường khi đi tiểu
Người bị rối loạn chức năng thận có thể sẽ phát hiện những thay đổi trong việc tiểu tiện như đi tiểu nhiều lần hơn, đặc biệt là tiểu nhiều lần về đêm.
Bạn cảm thấy căng tức hoặc khó khăn khi đi tiểu; lượng nước tiểu nhiều hoặc ít hơn thông thường.
Màu sắc của nước tiểu có thể nhạt hoặc sậm màu hơn hẳn. Trong nước tiểu có bọt; đôi khi có lẫn máu trong nước tiểu.
Mệt mỏi, giảm trí nhớ, chóng mặt
Chức năng thận suy giảm có thể dẫn đến sự tích tụ độc tố và tạp chất trong máu. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và khó tập trung.
Một biến chứng khác của bệnh thận là thiếu máu, có thể gây suy nhược, mệt mỏi, giảm trí nhớ.
Khó ngủ
Khi thận không lọc đúng cách, chất độc sẽ tồn tại trong máu thay vì rời khỏi cơ thể qua nước tiểu. Điều này có thể khiến bạn khó ngủ.
Ngoài ra còn có mối liên hệ giữa béo phì và bệnh thận. Tỷ lệ những người mắc bệnh thận mạn mắc chứng ngưng thở khi ngủ phổ biến hơn những người khác.
Bọng mắt sưng to
Protein trong nước tiểu là dấu hiệu sớm cho thấy bộ lọc của thận đã bị tổn thương khiến protein rò rỉ vào nước tiểu. Bọng mắt của bạn phồng to có thể là do thận của bạn đang rò rỉ một lượng lớn protein qua nước tiểu thay vì giữ nó trong cơ thể.
Phù mặt, tay chân
Chức năng thận giảm khiến không nó không thể bài tiết hết các chất thải. Chất lỏng dư thừa sẽ tích tụ trong cơ thể khiến bạn bị phù.
Sự tích tụ có thể biểu hiện rõ ở mặt. Người bệnh có thể phù mặt như béo tròn lên, hoặc sưng phù ở tay, chân, đặc biệt là cổ chân và bàn chân.
Đau lưng
Một số bệnh nhân bệnh thận có thể bị đau ở lưng hay ở cạnh sườn sát với thận. Đau lưng thường xuất hiện trong trường hợp bệnh nhân bị sỏi thận hoặc thận đa nang làm cho các nang ứ nước to lên.
Thở nông
Việc phù và thiếu máu do rối loạn chức năng thận sẽ khiến bạn thở nông hơn bình thường, cảm giác khó hít thở sâu. Đây là dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh thận bạn cần lưu tâm.
Ngứa ngáy
Thận có chức năng loại bỏ các chất cặn bã ra khỏi máu. Sự tích tụ của các chất thải trong máu khi bị suy thận có thể gây ngứa ngáy ở da.
Ăn không ngon miệng, hơi thở có mùi amoniac
Sự tích tụ của các chất thải trong máu dẫn tới tăng urê trong máu. Bạn có thể sẽ cảm thấy có vị khác lạ trong miệng, hơi thở có mùi. Ăn không thấy ngon miệng và mất cảm giác thèm ăn.
Bị chuột rút
Mất cân bằng điện giải có thể do chức năng thận bị suy giảm. Nồng độ canxi thấp và phốtpho được kiểm soát kém có thể góp phần gây ra hiện tượng chuột rút cơ bắp.
Ớn lạnh
Tình trạng thiếu máu do suy thận có thể khiến bạn cảm thấy lúc nào cũng lạnh, thậm chí ngay cả khi thời tiết đang nóng nực.
Khi phát hiện một trong các dấu hiệu trên, bạn cần đến các cơ sở y tế để khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để biết thận của mình có bị tổn thương hay không, từ đó có hướng điều trị kịp thời trước khi quá muộn./.