Núi Hồng - Sông La

190 năm tươi thắm dải Lam Hồng

Năm 1831, tỉnh Hà Tĩnh được thành lập - thêm một mốc son trong lịch sử phát triển của vùng đất Lam Hồng, nơi dãy Ngàn Hống hàng nghìn năm tuổi trầm mặc bên dòng Lam Giang xanh vĩnh hằng. 190 năm kể từ ngày nhà Nguyễn lập tỉnh, qua bao thăng trầm dâu bể, Hà Tĩnh hôm nay đang vươn mình lớn dậy, bừng sáng một dải non sông.

190 năm tươi thắm dải Lam Hồng

190 năm tươi thắm dải Lam Hồng

Tháng mười năm Tân Mão, Minh Mệnh thứ 12 (1831), nhà vua chuẩn cho bỏ trấn, chia đặt các tỉnh; lấy 2 phủ Hà Hoa, Đức Thọ gồm 6 huyện: Thạch Hà, Kỳ Hoa, Hương Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn lập thành tỉnh mới Hà Tĩnh. Đây là dấu mốc định danh mới của Hà Tĩnh để vùng “địa linh” thêm những cơ hội đổi thay, vừa tiếp nhận nguồn tài nguyên quý giá, những vỉa tầng văn hóa hàng nghìn năm cha ông đã dày công tạo dựng, vừa tạo ra những hệ giá trị mới, những cơ sở vật chất hạ tầng làm đổi thay gương mặt của một tỉnh nghèo ở Bắc miền Trung.

190 năm tươi thắm dải Lam Hồng

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Trung ương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh dâng hương và tham quan Khu di tích Nguyễn Du (tháng 12/2021)

190 năm tươi thắm dải Lam Hồng

Thời điểm lập tỉnh, tỉnh lỵ Hà Tĩnh cũng như các huyện đều nghèo, chủ yếu là làng quê nông thôn với những kiến trúc cũ kỹ. Ngay cả thành Hà Tĩnh cũng bằng tranh tre. Đến năm 1881, thành Hà Tĩnh mới được xây xong, bằng đá ong. Hầu hết các công trình kiến trúc của tỉnh thành và huyện thị lúc đó chỉ tập trung vào trụ sở hành chính vừa là nơi làm việc của bộ máy chính trị, vừa có tính chất phòng thủ. Các công trình văn hóa như đền, chùa, miếu, am khá phong phú, song quy mô, diện tích nhỏ bé. Trong cuốn “An - Tĩnh cổ lục” (công bố lần đầu năm 1936, tái bản 2014), nhà sử học người Pháp

Hippolyte Le Breton đã đăng nhiều bức ảnh về các di tích lịch sử, văn hóa Hà Tĩnh, Nghệ An, trong đó có bức ảnh chụp thành Hà Tĩnh từ trên không giúp chúng ta hình dung được quang cảnh của Hà Tĩnh cách đây 190 năm.

190 năm tươi thắm dải Lam Hồng

Di tích lịch sử cấp quốc gia đền thờ Đình Nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng ở làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh (Ảnh: Thiên Vỹ)

Tuy là vùng đất nghèo nhưng các thế hệ người Hà Tĩnh đã nối tiếp truyền thống yêu nước, hiếu học, văn chương và khoa bảng. Phong trào Cần Vương chống Pháp, phong trào yêu nước và cách mạng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX tiếp tục ghi danh những tên tuổi tiêu biểu như: Phan Đình Phùng, Nguyễn Hàng Chi, Ngô Đức Kế, Võ Liêm Sơn, Trần Phú, Hà Huy Tập, Trần Hữu Thiều… Là vùng đất văn hóa với nguồn trữ lượng dồi dào, vỉa tầng phong phú, các di sản văn hóa Hà Tĩnh tiếp tục được gìn giữ, bảo tồn, làm mới, làm đẹp thêm. Danh nhân văn hóa của Hà Tĩnh thế kỷ XX nối nhau làm giàu có trữ lượng ấy, góp phần làm rạng rỡ văn hóa Việt Nam như: Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đình Tứ, Hà Huy Giáp, Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Xuân Diệu, Huy Cận…

190 năm tươi thắm dải Lam Hồng

Khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú - địa chỉ đỏ thu hút du khách, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ (Ảnh: Thanh Hải)

Chế độ thực dân, phong kiến cùng với ngoại xâm đè nặng lên đất nước nửa đầu thế kỷ XX đã khiến Hà Tĩnh xác xơ, nghèo đói, đặc biệt là nạn đói năm 1945 như bóng đen bao phủ lên các làng quê. Nhưng “dòng thác” cách mạng đã cuốn đi những ngày tối tăm, gian khó. Sau Cách mạng tháng Tám, Hà Tĩnh lao vào cuộc cách mạng diệt “giặc đói”, “giặc dốt”, đem lại cơm no, áo ấm cho toàn dân, trở thành điển hình của cả nước trong phong trào “Bình dân học vụ”. Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Hà Tĩnh lại dốc sức người, sức của, cùng cả nước làm nên một Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tên tuổi Anh hùng Phan Đình Giót mãi lưu danh với đời sau.

190 năm tươi thắm dải Lam Hồng

Ngã ba Đồng Lộc trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. (Ảnh: Thanh Hải)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, hy sinh, Hà Tĩnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “hậu phương của tiền tuyến miền Nam”, “tiền tuyến của hậu phương miền Bắc”, đảm bảo thông đường, thông xe vào Nam dưới mưa bom bão đạn. Những tên đất, tên người ở Hà Tĩnh đã đi vào trang sử chói lọi của dân tộc như: Bến Thủy, Đồng Lộc, Khe Giao, Linh Cảm, Địa Lợi, Đèo Ngang, Làng K130… Ngã ba Đồng Lộc trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

190 năm tươi thắm dải Lam Hồng

Sau 190 năm lập tỉnh, từ nền móng vững chắc của lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm, các thế hệ người Hà Tĩnh đã quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu. Hà Tĩnh hôm nay đã vươn dậy sức vóc trẻ trung với những gam màu rực rỡ, tươi mới, đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới của đất nước cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.

190 năm tươi thắm dải Lam Hồng

Nằm trên dãy núi Hồng Lĩnh, “Hoan Châu đệ nhất danh lam” Hương Tích tự (Can Lộc) được xây dựng từ thế kỷ XIII, thời nhà Trần.

Suốt một dải Lam Hồng từ Bến Thủy đến Đèo Ngang, đâu đâu cũng bắt gặp bức tranh non nước ngời sáng, tươi đẹp. Cầu Bến Thủy 1, Bến Thủy 2 đường bệ vắt qua dòng Lam, dẫn lối những cung đường như lụa dọc quốc lộ 1 về Hồng Lĩnh, Can Lộc, TP Hà Tĩnh và ven biển Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. Ngã ba Bãi Vọt xưa cây vọt đan dày nay sầm uất giữa lòng thị xã phía Bắc, thành ngã tư ra Bắc vào Nam, về với Kinh đô Ngàn Hống, chùa Hang, Đại Hùng, Thiên Tượng, ngược lên Đức Thọ, Hương Sơn qua cầu Linh Cảm. Nơi đó, vùng đất “văn thanh cảnh lịch” La Sơn, Đỗ Gia xưa không chỉ non nước hữu tình mà còn là nơi an nghỉ đời đời của những người con ưu tú: Hải Thượng Lãn Ông, Phan Đình Phùng, Trần Phú…

190 năm tươi thắm dải Lam Hồng

Chùa Hang cõi linh thiêng giữa mây núi Hồng Lĩnh

Nằm dọc quốc lộ, vùng Ngạn Sơn, Trảo Nha xưa nay là thị trấn Nghèn đang đổi thay từng ngày trong dòng thác đổi mới của đất nước, quê hương. Dấu tích nền Trang Vương và am Phật Bà xưa càng thêm nổi bật trong quần thể Khu du lịch chùa Hương Tích đã được đầu tư mở rộng bởi các dự án lớn. Ngã ba Đồng Lộc - khu di tích quốc gia đặc biệt trong hệ thống đường Trường Sơn trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch cả nước thu hút hàng triệu du khách tìm về. “Trường Lưu bát cảnh” với các di sản cha ông được nâng tầm khu vực châu Á - Thái Bình Dương minh chứng sự trường tồn, bất biến của các giá trị văn hóa.

190 năm tươi thắm dải Lam Hồng

Hình thành và phát triển từ tỉnh lỵ Hà Tĩnh và các vùng đất thuộc châu Thạch Hà hơn nghìn năm tuổi, TP Hà Tĩnh - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả tỉnh đang vươn mình trong thế đứng của một đô thị trẻ giàu bản sắc văn hóa. Từ một thị xã phố làng với 2,5 km2 và hơn 4.400 dân sau Cách mạng tháng Tám, nay Thành Sen đã vươn mình với vóc dáng hiện đại. Với diện tích gần 5.655 ha gồm 15 xã, phường và dân số thường trú 100.313 người, bao phủ bởi hệ thống sông ngòi và nguồn nước ngọt Kẻ Gỗ dồi dào, khí hậu ôn hòa, con người thân thiện, TP Hà Tĩnh đang mở ra nhiều tiềm năng to lớn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Với lợi thế 137 km bờ biển, hệ thống bãi tắm đẹp, trong lành, hải sản tươi ngon, phong phú, Hà Tĩnh đã khai thác và phát triển tiềm năng du lịch nhằm thay đổi cơ cấu thương mại - du lịch - dịch vụ, bên cạnh “xương sống” nông nghiệp - công nghiệp. Những địa danh Xuân Thành, Cửa Sót, Thiên Cầm, Kỳ Xuân, Kỳ Ninh… trở thành điểm nhấn trên bản đồ du lịch Hà Tĩnh và cả nước.

190 năm tươi thắm dải Lam Hồng

Khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Yên Mỹ, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên.

Bức tranh non nước Hà Tĩnh hôm nay đẹp ngỡ ngàng không chỉ bởi những gì thiên nhiên mang lại mà chính là từ bàn tay, khối óc của con người kiến tạo nên. Để một vùng sa mạc hoang vu bao đời bên bờ biển Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Nam và Vũng Áng, Eo Bạch, Sơn Dương (TX Kỳ Anh) trở thành khu kinh tế trọng điểm quốc gia, với tàu hàng trăm nghìn tấn ra vào, đón làn sóng đầu tư của nước ngoài, đưa chỉ số FDI của Hà Tĩnh vào thứ hạng cao cả nước. Để đêm đêm sao trời hòa lẫn ánh đèn đêm câu mực và ánh sáng từ những con tàu lung linh soi bóng một vùng biển cực Nam Hà Tĩnh. Để từ trên đỉnh Hoành Sơn, phóng tầm mắt cả một vùng Đèo Ngang, nhớ về câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan, ai cũng có thể nhận ra nỗi niềm non nước của thi nhân đã lùi sâu vào dĩ vãng, thay vào đó là cảm xúc vui sướng trào dâng như câu hát: Một dải Lam Hồng núi sông trùng điệp, rừng vàng với biển bạc dào dạt trời thơ…

Ảnh: PV, CTV

THiết kế: Thanh Hà

Chủ đề MỪNG ĐẢNG - MỪNG XUÂN

Chủ đề LỄ HỘI XUÂN QUÝ MÃO 2023

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.