Dịch vụ ẩm thực đã quay trở lại sôi động, phục hồi an toàn sau dịch Covid-19.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dịch vụ ăn uống với thành phần kinh tế chủ yếu là tư nhân, mô hình kinh doanh nhỏ sẽ linh hoạt, thích ứng hơn trong việc vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Ông Trần Hậu Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế TP Hà Tĩnh cho biết: “Định hướng phát triển của thành phố là thương mại - dịch vụ và du lịch kết nối, tăng cao giá trị gia tăng. Trong đó, ưu tiên phát triển dịch vụ ẩm thực sẽ tạo ra bức tranh đa dạng, phong phú trong kinh doanh dịch vụ của địa phương.
Trong điều kiện phục hồi nền kinh tế, lĩnh vực này góp phần tăng thu nhập trở lại cho bộ phận lớn lao động, tạo việc làm, đồng thời giúp tiêu thụ nông sản, kích cầu tiêu dùng và quảng bá hình ảnh, du lịch thành phố”.
Thực khách không chỉ được thưởng thức đặc sản Hà Tĩnh mà còn trải nghiệm du lịch địa phương.
Nhà hàng hải sản Chương 2 (vùng Đồng Ghè, xã Thạch Hạ) vào mỗi chiều khách hàng lại nườm nượp ghé đến. Kể từ khi mở cửa trở lại sau thời gian cách ly xã hội, thực khách đến với nhà hàng đã đạt 90 - 100% so với trước.
Ông Nguyễn Tiến Chương - chủ nhà hàng cho biết: “Mỗi ngày, có khoảng 200 - 300 lượt khách, ngoài khách địa phương thì nhà hàng cũng đón nhiều đoàn khách từ TP Vinh, Hà Nội… Tiêu chí đầu tiên của chúng tôi là nguồn nguyên liệu tươi ngon được đánh bắt, nuôi trồng tại địa phương; bảo quản, chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa tạo thương hiệu cho nhà hàng, nhưng cũng là để “giữ chân” thực khách”.
Trong tương lai không xa, con đường này sẽ trở thành “con đường ẩm thực”.
Khu vực Đồng Ghè đang trong quá trình xây dựng “con đường ẩm thực” của TP Hà Tĩnh. Tới đây, toàn bộ nhà hàng kinh doanh hải sản trên địa bàn sẽ được quy hoạch theo vùng tập trung, kết nối dịch vụ - du lịch. UBND thành phố cũng sẽ hỗ trợ tập huấn về kỹ năng nhà hàng, chế biến món ăn cho các chủ nhà hàng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, sự chuyên nghiệp của người cung cấp dịch vụ.
Với ông Nguyễn Đức Thông (xóm Hạ, Thạch Hạ) - đầu mối cung cấp hải sản cho các “nhà hàng bờ đê”, từ khi mở cửa trở lại sau cách ly xã hội, nhịp độ kinh doanh đã vào guồng.
“Vào những tháng cao điểm của mùa du lịch như bây giờ, nhu cầu tiêu thụ của khách hàng tăng cao. Nhờ vậy, những người nuôi trồng như chúng tôi cũng sớm ổn định sản xuất và đảm bảo được doanh thu khá tốt sau dịch” - ông Thông cho hay.
Lotteria - một trong những hình thức kinh doanh chuyển nhượng quyền thương hiệu khá “hot” tại Hà Tĩnh.
Bức tranh dịch vụ ăn uống của thành phố còn sôi động bởi sự góp mặt của hình thức kinh doanh chuyển nhượng quyền thương hiệu - một trong những mô hình “hot” tại Hà Tĩnh hiện nay. Đó là những thương hiệu: Lotteria, Jollibee, BBQ…
Điểm nổi bật nhất chính là sự bắt mắt về hình thức, phục vụ chuyên nghiệp và thương hiệu nổi tiếng. “Luồng gió mới” này đang từng ngày thay đổi thói quen tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ tuổi của thành phố, đồng thời “kích cầu” mạnh mẽ sự phát triển khu vực dịch vụ.
Nguyễn Bảo Khanh - một khách hàng tại Lotteria, đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh cho biết: “Chỗ ngồi mát mẻ, lịch sự, cùng với loại thức ăn “fast food” rất phù hợp với giới trẻ, vì thế mà bọn em thường đến đây để gặp mặt bạn bè, ăn uống”.
Theo quan sát, cửa hàng này dù đã khai trương từ khoảng 3 tháng trước nhưng “sức nóng” của nó vẫn không hề “hạ nhiệt”. Mỗi ngày có hàng trăm lượt khách hàng ghé thăm và trải nghiệm sản phẩm.
“Đánh” vào tâm lý tiêu dùng của người trẻ tuổi, nhiều nhà hàng ăn uống “bội thu” nhờ hình thức kinh doanh mới
Trong khi đó, các nhà hàng, quán ăn truyền thống lại vận dụng tối đa hình thức “bán hàng oder” trong thời gian cách ly xã hội đã giúp những ông chủ “nhỏ” không chỉ “trụ vững” trong đại dịch mà còn tăng cao thu nhập và đơn hàng. Thời điểm này, “bán hàng oder” đã trở thành trào lưu, với lượng khách hàng đông đảo.
Tận dụng thế mạnh của mạng xã hội, các chủ cơ sở ăn uống quảng cáo, bán hàng “oder”
Theo số liệu thống kê, tổng doanh thu dịch vụ ăn uống hằng năm trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, chiếm 20 - 25% tổng doanh thu toàn ngành dịch vụ - thương mại.
Trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù nguồn thu có giảm so với cùng kỳ (ở mức gần 500 tỷ đồng), song ngành này đã lấy lại “sức” khá nhanh và đạt tăng trưởng cao. Tháng 5 và tháng 6, doanh thu đạt ở mức 300 tỷ đồng, chiếm 60% tổng doanh thu của 6 tháng đầu năm nay.