Nhiều thách thức cho các nhà mạng Việt Nam khi triển khai 5G - Ảnh: ĐỨC THIỆN
Ngày 25-3, tại hội thảo và triển lãm World Mobile Broadband & ICT 2021 với chủ đề “Phát triển 5G & hạ tầng băng thông rộng góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam”, ông Michael Jiang, giám đốc công nghệ (CTO) của Công ty TNHH Công nghệ Huawei Việt Nam, đã chia sẻ về những thách thức và các giải pháp để triển khai 5G ở Việt Nam.
Theo đó, các nhà mạng Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới sẽ phải đối mặt với 4 thách thức chính trong việc triển khai 5G.
Thứ nhất là về cơ sở hạ tầng khi triển khai xây dựng mạng 5G. Hầu hết trạm di động hiện nay đều đã được lắp đặt rất nhiều thiết bị 2G, 3G, 4G nên không đủ không gian để lắp đặt 5G và các hạ tầng, như nguồn điện, ăng-ten cần phải nâng cấp để đáp ứng yêu cầu cho mạng 5G. Do đó sẽ dễ phát sinh chi phí lớn.
Thứ hai là thời gian triển khai cung cấp dịch vụ. Thị trường viễn thông là thị trường đóng. Nếu một số nhà mạng cùng chia sẻ một thị trường thì những nhà mạng nào cung cấp dịch vụ sớm sẽ chiếm được thị phần lớn hơn. Các nhà mạng ra sau sẽ bị thiệt thòi hơn và đánh mất thị phần.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến thời gian triển khai cung cấp dịch vụ. Do đó, các nhà mạng nên lựa chọn chiến lược phù hợp để rút ngắn thời gian đưa dịch vụ ra thị trường.
Thứ ba là khả năng tối ưu hóa chi phí bởi chi phí thiết bị mạng 5G cao và yêu cầu triển khai số lượng trạm lớn, do đó chi phí đầu tư, bao gồm chi phí thiết bị và vận hành mạng, sẽ rất lớn. Vì vậy các nhà mạng cần phải tối ưu chi phí đó để tăng hiệu quả đầu tư.
Thách thức quan trọng còn lại là trải nghiệm người dùng bởi khi chuyển sang mạng 5G, người dùng mong tốc độ cao nhưng lại vẫn muốn chi phí thấp. Việc này tạo ra thách thức không hề đơn giản cho các nhà mạng để đảm bảo yêu cầu về trải nghiệm người dùng tốt nhất, tăng tính cạnh tranh.