Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định mạng 5G cho tốc độ cao hơn, băng thông rộng hơn, độ trễ thấp hơn, có khả năng phục vụ cho mọi ngành kinh tế. Do nổi trội hơn 4G, mạng 5G sẽ cung cấp nhiều khả năng hơn so với trước.
“5G tạo cơ hội cho doanh nghiệp, nhà mạng, cơ quan quản lý cùng đổi mới sáng tạo”, ông Nhã nói trong hội thảo trực tuyến “Tầm nhìn phát triển 5G tại Việt Nam” vừa được tổ chức sáng ngày 1/7.
Thử nghiệm stream video kết hợp thực tế ảo trên nền mạng 5G tại Mỹ. Ảnh: Hải Đăng |
Sau khi thử nghiệm thành công vào năm 2019, Việt Nam đang trên đường trở thành một trong những quốc gia đầu tiên thương mại hoá mạng không dây tốc độ cao 5G.
Ông Thiều Phương Nam, Giám đốc cấp cao về Phát triển kinh doanh Qualcomm Việt Nam cho biết mạng 5G cho tốc độ nhanh nên có thể triển khai các nền tảng IoT quy mô lớn hơn. Hàng chục tỷ thiết bị IoT có thể cùng kết nối vào một mạng 5G.
Do có độ trễ thấp nên 5G sẽ cung cấp những dịch vụ mới mà 4G chưa thể thực hiện, như y tế thông minh, xe tự lái, thành phố thông minh, hoặc trực tiếp video độ phân giải cao.
Với tốc độ cao, năng lực lưu trữ sẽ không còn phụ thuộc thiết bị đầu cuối mà toàn bộ dữ liệu lớn có thể lưu và truy xuất từ đám mây. Khi đó, các bài toán tính toán, phân tích dữ liệu lớn sẽ được thực hiện dễ dàng hơn.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông nhấn mạnh, khi nhà mạng đã xây dựng được mạng lưới 5G mạnh mẽ như vậy, các doanh nghiệp lớn lẫn các công ty khởi nghiệp sẽ có thêm nhiều cơ hội kinh doanh hơn.
Hội thảo có sự tham dự của các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp công nghệ, viễn thông, ông Nhã đã nhấn mạnh lời của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, chương trình Make in Vietnam đặt mục tiêu biến các doanh nghiệp công nghệ trong nước thành động lực kinh tế, giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển.
Do đó, Việt Nam đang dần cải cách chính sách để thu hút đầu tư, triển khai sandbox để thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới.
Bên cạnh đó, một trong những việc làm quan trọng là chuyển đổi hạ tầng cáp viễn thông, đáp ứng nhu cầu của mọi thành phần kinh tế. Đồng thời đáp ứng nhu cầu về công nghệ để doanh nghiệp triển khai các dịch vụ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn.
Ông Nhã muốn Qualcomm làm việc chặt chẽ với các doanh nghiệp trong nước trong việc cung cấp chip xử lý và bản quyền để sản xuất các sản phẩm chạy trên nền 5G.
“Doanh nghiệp Việt sau khi sản xuất sản phẩm và chạy tốt trên nền tảng 5G tại Việt Nam sẽ có cơ hội vươn tầm ra thế giới”, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông nhấn mạnh.
Phía Qualcomm cho biết 5G được xây dựng trên nền tảng 4G nên sẽ tiết kiệm được một phần chi phí. Cả 4G và 5G sẽ tồn tại song song trong một thời gian dài nữa.
Thống kê của công ty cho biết 60 nhà mạng trên 30 quốc gia đã thương mại hoá 5G. Trong đó, có hơn 380 nhà mạng đang bắt đầu đầu tư vào 5G. Ngoài ra, có khoảng 375 thiết bị smartphone, CPE, mô-đun 5G đã được sản xuất.
Hải Đăng/ictnews