Làm đơn vì... nghĩ đến đồng đội, đất nước
Ông Kiều Tiến Ngân xúc động nói về mất mát hy sinh do chiến tranh
86 tuổi, sống một mình trong ngôi nhà lụp xụp nhưng ông Kiều Tiến Ngân (thôn 5) đã là người đầu tiên của xã Cẩm Lĩnh tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Hay tin, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Cẩm Xuyên Biện Văn Thuyết trực tiếp đến động viên, biểu dương tinh thần của ông Ngân, người tiên phong viết đơn xin thôi hộ nghèo làm gương cho người khác
Ông Ngân đã kinh qua bom đạn chiến tranh với 14 năm 5 tháng phục vụ cho quân đội nên rất hiểu những mất mát hy sinh của đồng đội.
Ông xúc động nói: “Mình là quân nhân nghĩ đến đồng đội đã chiến đấu giờ về phải nuôi con tật nguyền, quằn quại vì đau đớn, phải bón từng thìa cháo, tôi không cầm lòng được. Tôi nghĩ, nhiều người còn khổ hơn tôi nhiều nên xin ra khỏi hộ nghèo để bớt gánh nặng cho xã hội”.
Gia cảnh còn nhiều khó khăn nhưng ông Ngân vẫn tình nguyện xin ra khỏi hộ nghèo
Với tinh thần tiến bộ, bà Nguyễn Thị Luân (SN 1948, thôn 4) đang ở một mình trong căn nhà nhỏ cũng tự nguyện ra khỏi hộ nghèo. Chồng của bà là nạn nhân chất độc da cam/Dioxin đã mất cách đây 4 năm. Thế nhưng, bà nói: “Xin ra khỏi hộ nghèo để giảm gánh nặng xã hội, dù chỉ chút xíu thôi”.
Người mù cũng xin ra khỏi… diện nghèo
Gia đình ông Kiều Văn Thành (SN 1958, thôn 5) là trường hợp rất khó khăn ở Cẩm Lĩnh. Khi lên 5 tuổi, ông Thành bị trúng bom bi nên suốt đời phải sống trong cảnh mù lòa. Ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hậu (SN 1963) sống với nhau rất tình cảm, dù không có con.
Hoàn cảnh vất vả nên cuộc sống 2 vợ chồng chỉ trông chờ vào việc mò cua bắt ốc của người vợ năm nay đã 56 tuổi.
Dù chồng bị mù và không có con, song vợ chồng ông Thành, bà Hậu sống với nhau rất tình cảm
Tuy vậy, hai ông bà vẫn tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Ông Thành vui vẻ nói: “Hoàn cảnh mình rất khó khăn ai cũng biết rồi. Nhưng, vợ chồng mình luôn nhận được sự hỗ trợ của xã hội, người dân trong thôn nên mình xin ra khỏi hộ nghèo. Ra khỏi hộ nghèo để cho đất nước giàu đẹp”.
Ngôi nhà của ông Thành vừa được sửa sang từ nguồn tiền hỗ trợ
Chiều 26/10, vợ chồng ông Thành đã chuẩn bị xong mọi việc để hôm nay chính thức sinh hoạt trong ngôi nhà nhỏ được sửa sang làm lại mới. Số tiền sửa chữa ngôi nhà (10 triệu đồng) được chính quyền xã và công an huyện hỗ trợ.
Ông Thành tiếc, chỉ có thể dùng tay để hình dung ngôi nhà chứ không nhìn thấy và không thấy được thôn xóm đang thay đổi nhiều nhờ NTM.
Tương tự 3 hộ nêu trên, toàn xã Cẩm Lĩnh còn có 45 hộ khác mang tinh thần tiến bộ, chủ động làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Thoát nghèo, tìm sinh kế
Bà Nguyễn Thị Luân chia sẻ về giải pháp sau khi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo
Sau khi viết đơn ra khỏi hộ nghèo, bà Nguyễn Thị Luân (thôn 4) đã mua 10 con gà về nuôi. Bà khoe: “Cháu cũng động viên bà nuôi gà. Nó nói, nếu bà nuôi được, nó sẽ làm chuồng cho. Tôi nói, nếu cháu làm chuồng, bà sẽ phấn đấu nuôi 30 con”.
Bà Luân rất vui khi viết đơn xin thôi hộ nghèo và đã nghĩ ra cách để đảm bảo cuộc sống
Bà Luân chia sẻ: “Gạo và rau bà tự túc được. Mỗi ngày, bà làm rau và các thứ cũng kiếm được độ 7 – 10 nghìn, trừ chi phí còn lại trung bình khoảng 5 nghìn. 5 nghìn là đủ cho bà rồi, vì bà có một mình”.
Ra khỏi hộ nghèo, cuộc sống vợ chồng ông Kiều Văn Thành (người bị mù, ở thôn 5) thêm khó khăn hơn. Bởi vậy, vợ chồng ông Thành rất muốn các tổ chức hỗ trợ cho 1 con bê để làm vốn.
Khi chính quyền thấu hiểu người dân
Không ai muốn mình nghèo, chẳng qua vì cuộc sống quá khó khăn nên được xét công nhận. Là những người công tác ở địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức xã Cẩm Lĩnh thấu hiểu hoàn cảnh từng hộ nghèo cũng như tâm lí từng chủ hộ.
Ông Kiều Tiến Ngân trao đổi về những chính sách không còn được hưởng khi ... thoát nghèo
Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh Nguyễn Công Tùng cho hay: Tiêu chí xét hộ nghèo mà trung ương ban hành chỉ là cái chung; về đời sống, mức sống, nhu cầu sử dụng thiết bị hàng ngày của các hộ thì chỉ những người làm ở cơ sở mới hiểu. Hơn nữa, khác với một số quốc gia, nguồn thu nhập của người dân dễ nắm bắt do thông qua thẻ ngân hàng, còn ở Việt Nam, nhiều nguồn thu nhập không thể phản ánh được, ví dụ như: con cháu, người dân giúp đỡ… Chính vì thế, đội ngũ cán bộ phải làm cho người dân hiểu được việc đảm bảo an sinh của họ, dựa trên mức sống, các nguồn thu nhập.
Đoàn công tác của BTV Huyện ủy Cẩm Xuyên và lãnh đạo địa phương đến trò chuyện, biểu dương tinh thần của gia đình anh Thành
Xuất phát từ đó, ngày 5/10, UBND xã thành lập ban điều tra, đánh giá hộ nghèo, cận nghèo. “Xã cũng tổ chức quán triệt đến cán bộ thôn về quan điểm nêu trên, qua đó tuyên truyền đến toàn bộ nhân dân. Quan trọng nhất là phải làm cho nhân dân hiểu việc đảm bảo đời sống là quan trọng nhất. Khi đời sống đã đảm bảo thì có ra khỏi hộ nghèo cũng không ảnh hưởng nhiều, ngược lại còn thể hiện trách nhiệm xây dựng quê hương” – ông Tùng trao đổi.
Từ tinh thần tự giác của người dân và cách “nói chuyện” của chính quyền, đến nay, xã Cẩm Lĩnh đã giảm số hộ nghèo từ 157 hộ (đầu năm) xuống còn 108 hộ.