Máy bay Sukhoi Su-35 của Nga. Ảnh: Defense news. |
1. Máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35
Sukhoi Su-35 còn được biết đến với tên gọi Flanker-E là loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 do Nga sản xuất có ghế đơn và động cơ đôi. Nó được coi là biểu tượng hợp tác quân sự Nga-Trung Quốc sau khi Lực lượng không quân Trung Quốc đặt hàng mua 24 chiếc máy bay này của Nga vào năm 2015. Vào cuối năm 2017, Nga đã chuyển giao 14 chiếc máy bay trong số này cho Trung Quốc, phần còn lại dự kiến được bàn giao nốt vào cuối năm 2019.
Su-35 được trang bị radar mảng pha quét điện tử thụ động, có thể phát hiện mục tiêu trên không ở khoảng cách 400km, cùng một lúc theo dõi 30 mục tiêu và tấn công 8 mục tiêu trên không.
Su-35 ban đầu được thiết kế dành riêng cho mục đích xuất khẩu. Không quân Nga đã trở thành lực lượng đầu tiên sử dụng loại máy bay này vào năm 2009 và huy động Su-35 cùng với hệ thống phòng không S-400 tới khu vực viễn đông năm 2016.
2. Máy bay chiến đấu-ném bom đa mục đích Su-34 của Nga
Đây là loại máy bay tiêm cường kích siêu âm, tầm trung, có khả năng hoạt động trong mọi thời tiết. Su-34 có hai ghế ngồi, động cơ đôi, được thiết kế chuyên tấn công các mục tiêu mặt đất và mục tiêu biển. Máy bay này từng được triển khai tới Iran và Syria để tiến hành các cuộc không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Với khả năng trinh sát trên không, máy bay này có thể tấn công các mục tiêu ban ngày và ban đêm. Với những ưu thế vượt trội của mình, Su-34 thậm chí có thể thay thế cường kích Su-24 và máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3.
3. Xe tăng chiến đấu T-90S
Nặng hơn 45 tấn, T-90S là loại xe tăng hiện đại nhất trong dòng xe tăng T của Nga, bắt đầu phục vụ quân đội nước này từ năm 1992 và cũng là loại xe tăng có số lượng đông đảo thứ hai trong quân đội Nga (sau T-72). Vũ khí uy lực nhất của T-90A là tên lửa chống tăng 9M119 Refleks được phóng qua nòng với tầm bắn 100-4.000 m và chỉ mất 11,7 giây để đạt tới tầm bắn tối đa. Hệ thống này được thiết kế để giúp xe tăng phù hợp với các lớp giáp phòng thủ kiên cố và nhắm vào các mục tiêu bay thấp chẳng hạn như máy bay trực thăng, với tầm bay 5km.
Là phương tiện có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, T-90 được bảo vệ bằng cả lớp giáp thông thường và lớp giáp tự nổ để gạt đạn. Hơn nữa, nó có thể chứa 1.600 lít nhiên liệu.
4. Xe tăng Type 99 của Trung Quốc
Type 99 là xe tăng thế hệ thứ 3 của Trung Quốc, còn có tên gọi khác là ZTZ99. Loại xe này sở hữu khẩu pháo nòng trơn 125mm và thiết bị tự nạp đạn kiểu băng chuyền. Type 99 là phiên bản cải tiến của xe tăng Type 98G, được ra mắt lần đầu tiên trong lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Quốc khánh Trung Quốc năm 1999. Lượng dự trữ đạn trong xe có 42 viên, trong đó 22 viên nằm trong thiết bị nạp đạn. Type 99 có thể bắn cùng lúc 8 viên đạn khi sử dụng cơ chế nạp tự động và 2 viên khi sử dụng cơ chế nạp bằng tay.
Giống như loại xe tăng T-90S của Nga, Type 99 có thể phóng tên lửa chống tăng 9M119 Refleks qua nòng. Tháp pháo Type-99 được thiết kế với hình dáng góc cạnh, dựa trên phiên bản xe tăng M1A1 của Mỹ và Leopard 2 của Đức. Type 99 được trang bị lớp giáp dày từ 1.000 mm đến 1.200 mm, với động cơ công suất 1.500 mã lực, lớn hơn 300 mã lực so với Type 98.
Tàu hộ vệ lớp đô đốc Gorshkov của Nga. Ảnh: TASS. |
5. Tàu hộ vệ lớp đô đốc Gorshkov với tên lửa hành trình Kalibr
Tàu hộ vệ lớp Đô đốc Gorshkov là chiếc đầu tiên thuộc Đề án 22350. Đây là tàu khi trục mang tên lửa dẫn đường mới của Nga, được đưa vào hoạt động vào tháng 7/2018. Dự kiến trong thời gian tới, tàu hộ vệ này sẽ được trang bị tên lửa hành trình Kalibr cải tiến. Tên lửa hành trình Kalibr phóng được từ tàu chiến hoặc tàu ngầm, với tầm bắn từ 1.500 đến 2.500km. Quân đội Nga đã sử dụng hệ thống tên lửa này để tấn công các tổ chức khủng bố IS hoặc Jabhat al-Nusra tại Syria.
Tàu hộ vệ lớp Đô đốc Gorshkov dài 135 m, rộng 16 m, có lượng giãn nước toàn tải 5.400 tấn. Đây là con tàu quân sự trên biển lớn nhất mà Nga đã chế tạo kể từ khi Liên Xô tan rã. Nó có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ như tấn công tầm xa, săn ngầm và phòng không, nâng cao năng lực tác chiến tầm xa trên biển của hải quân Nga. /.