Những người lính tham gia chiến tranh nhiễm chất độc da cam/dioxin vẫn phải hàng ngày chống chọi với bệnh tật. Đau đớn hơn khi cả những người con, người cháu của họ cũng phải chịu chung nỗi đau ấy. (Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Vinh và con trai Nguyễn Đình Nam ở thôn Vinh Thái, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) bị dị tật bẩm sinh, sống thực vật do người bố Nguyễn Đình Thỷ nhiễm chất độc da cam/dioxin ở chiến trường)
Căn nhà nhỏ ở thôn Vinh Thái, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) của vợ chồng ông Nguyễn Đình Thỷ và bà Nguyễn Thị Vinh thỉnh thoảng lại phát ra những tiếng kêu la. Đã 36 năm nay, người dân trong thôn đã quen với những âm thanh ấy của con trai Nguyễn Đình Nam khi lên cơn co giật.
Đáng lẽ ở tuổi 36, Nguyễn Đình Nam đã có thể có một gia đình, công việc nhưng anh chỉ quanh năm phải nằm một chỗ như đứa trẻ mới lọt lòng.
Nhiễm chất độc da cam/dioxin, anh Nam không biết nói, không thể đi lại và cũng chẳng thể tự ăn uống, sinh hoạt cá nhân...
... và mọi việc đều nhờ vào người mẹ năm nay đã gần 70 tuổi.
Hoàn cảnh khó khăn, bà Nguyễn Thị Vinh cũng héo hon, quay quắt vì những nỗi đau liên tục trong suốt 36 năm qua.
Ông Nguyễn Khắc Bình ở thôn Mỹ Thành, xã Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên) là một trong những thương binh phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin. Ông đã từng nghĩ mình may mắn khi có thể trở về sau chiến tranh với thân hình lành lặn và có một gia đình hành phúc. Năm người con của ông lần lượt chào đời mạnh khỏe, vậy nhưng, thứ chất độc quái ác đã âm thầm truyền sang thế hệ thứ 3 là cháu nội của ông.
Ba đứa cháu nội của ông Bình là nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 chịu di chứng của chất độc da cam/dioxin...
... và nỗi đau da cam kéo dài từ đời ông, đời cha đến đời những đứa cháu ông Bình sinh ra trong thời bình, chúng đều bị chứng bại não và dị tật phải nằm một chỗ.
Nỗi đau chiến tranh vẫn cứ hiện hữu trên cơ thể của những đứa cháu ông Bình...
... với chứng động kinh, chân tay co quắp, hằng ngày, ông Bình phải thường xuyên xoa bóp chân tay cho những đứa cháu nội của mình
Dù những đứa cháu của ông Bình là nạn nhân chất độc da cam, nhưng các cháu vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách của nạn nhân da cam. Đây cũng là tình trạng chung của hàng chục đứa trẻ thế hệ thứ ba khác ở huyện Cẩm Xuyên.
"Đã nhiều lần tôi đi làm thủ tục để các cháu được hưởng chế độ chính sách của nạn nhân da cam, nhưng đều nhận được câu trả lời "những chính sách hỗ trợ mới chỉ dừng ở nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ nhất (đời cha) và thế hệ thứ hai (đời con), đến thế hệ thứ ba (đời cháu) thì chưa được hưởng", ông Bình cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Cẩm Xuyên: Hiện nay, huyện Cẩm Xuyên có 764 người được hưởng chế độ, trong đó 351 người hưởng chế độ trực tiếp, còn lại là thế hệ thứ 2 (con). Trên địa bàn còn nhiều trường hợp tham gia kháng chiến chưa được hưởng các chính sách về nhiễm chất độc da cam do bị thất lạc giấy tờ chứng lý, xác định cụ thể loại bệnh… Đặc biệt, theo khảo sát trên địa bàn huyện có 43 trẻ em là thế hệ thứ 3 hầu hết đều bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật, nhưng đối tượng này chỉ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội, không có điều kiện để chăm sóc sức khỏe và nuôi dưỡng.