Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tâm
Bước sang tuổi 96, sức khỏe mẹ Tâm đã rất yếu nhưng ngày nào mẹ cũng bảo cháu đưa ra ngồi bên bậu cửa. Ký ức về những năm tháng đã qua mảng mờ, mảng rõ, nhiều người mẹ đã quên nhưng nhiều người mẹ vẫn còn nhớ rất rõ. Nhiều niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống cũng đã như gió thoảng mây trôi nhưng nỗi đau mất đi những “khúc ruột” thì vẫn còn âm ỉ mãi.
Vừa tròn 18 tuổi, mẹ lập gia đình với chàng trai cùng làng Trần Văn Dung. Khi chưa kịp mặn nồng thì ông Trần Văn Dung đã lên đường tham gia kháng chiến chống Pháp. Vào bộ đội, ông Dung xung phong vào đội quân cảm tử, sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Bà Phan Thị Tuyết con gái mẹ Tâm: Thương mẹ nhất là những ngày hòa bình, bộ đội về nườm nượp, mẹ con tôi cũng bỏ ăn đứng dõi mắt ngóng trông.
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, mẹ nhận tin chồng hy sinh. Mẹ đã ở vậy thờ chồng suốt 10 năm trời, cho đến năm 1952, mẹ Tâm “đi bước nữa” với ông Phan Văn Trung và sinh được 4 người con, 1 gái, 3 trai.
Những đứa con của mẹ lớn lên cũng nối gót cha anh bảo vệ non sông. Tháng 2/1975, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người con trai Phan Văn Định (SN 1957), xung phong nhập ngũ, tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam. Tiễn con vào chiến trường miền Nam ác liệt, lòng mẹ Tâm không khỏi lo lắng. Thời gian đầu, mẹ vẫn nhận được thư của anh nhưng đến tháng 3/1978, khi đất nước đã thống nhất, mẹ lại bất ngờ nhận được tin báo: Liệt sỹ Phan Văn Định đã hy sinh trong một trận chiến đấu ở biên giới Tây Nam.
Ngày nào cũng vậy, mẹ Nguyễn Thị Tâm cũng ngồi bên bậu cửa, nhìn xa xăm ra khoảng trời trước mặt...
Bà Phan Thị Tuyết - con gái mẹ Tâm cho biết: “Lúc cầm trên tay tờ giấy báo tử, đôi mắt mẹ tôi như dại đi, trái tim mẹ bị bóp nghẹt, đau đớn mà không khóc được thành tiếng. Trước khi hy sinh gần 2 tháng, cậu Định nghỉ phép về thăm gia đình. Trong thời gian đó, gia đình có làm lễ ăn hỏi cho cậu với một người cùng quê. Sau đó, cậu vội vã trở lại đơn vị, hẹn ngày trở về làm đám cưới. Nhưng cậu đã mãi mãi không về…”.
Năm 1979, khi đất nước đã thanh bình, mẹ Tâm lại tiễn người con trai thứ 2 là Phan Văn Hiền (SN 1961) lên đường nhập ngũ. Anh được điều động vào một đơn vị trinh sát của Quân khu 4. Năm 1985, anh Hiền hy sinh khi đang làm nhiệm vụ ở nước bạn Lào.
Bà Tuyết vừa quệt nước mắt, vừa nói: “Thương mẹ nhất là những ngày hòa bình, bộ đội về nườm nượp, mẹ con tôi cũng bỏ ăn đứng dõi mắt ngóng trông. Bao nhiêu năm, cậu Hiền hy sinh mà hàng đêm mẹ vẫn gối đầu lên chiếc áo của cậu do đồng đội đưa về. Và, bởi mộ phần của anh Định vẫn còn nằm lại trong miền Nam xa xôi nên dù đã không còn minh mẫn nữa nhưng sáng nào mẹ cũng ra cửa nhìn xa xăm. Mẹ vẫn ngóng chờ bóng dáng người con hiền ngoan một thuở...”.
Năm 2014, mẹ Nguyễn Thị Tâm (bìa phải) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Với những đóng góp cho Tổ quốc, năm 2014, mẹ Nguyễn Thị Tâm được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện nay, mẹ Tâm sống cùng cháu nội - con trai liệt sỹ Phan Văn Hiền và đang được con cháu cũng như các tổ chức đoàn thể địa phương chăm sóc, phụng dưỡng. Những khi tỉnh táo, mẹ vẫn thường kể cho con cháu nghe những kỷ niệm về anh Định, anh Hiền và vẫn nói với con cháu mong ước được 1 lần vào thăm mộ anh Định rồi nước mắt lại nhòa đi...
Đến thăm mẹ Tâm, tôi lại nghĩ thật nhiều về sự hy sinh cao cả của những bà mẹ Việt Nam. Các mẹ đã viết nên một huyền thoại vô cùng đẹp đẽ từ những câu chuyện giản dị mà rất phi thường. Những dấu tích chiến tranh đã mờ dần trên gương mặt quê hương và với những người như mẹ Tâm, nỗi đau mất con cũng đã phần nào nguôi ngoai. Những nét u buồn trên gương mặt mẹ, có chăng chỉ là bởi nỗi nhớ khôn nguôi những “núm ruột” của mình. Nỗi nhớ ấy, dáng ngồi ngóng trông của mẹ lại gieo vào tâm tư chúng tôi thật nhiều cắt cứa. Để sau mỗi lần gặp gỡ là lại tự nhủ với lòng mình về trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ non sông...