Những người phụ nữ thầm lặng xoa dịu nỗi đau chiến tranh

(Baohatinh.vn) - Với những người cựu binh Hà Tĩnh mang di chứng nặng nề của chiến tranh, điểm tựa để họ vượt lên nỗi đau đớn hành hạ đó chính là người vợ tảo tần suốt cả cuộc đời chờ chồng, chăm chồng, nuôi con khôn lớn.

Những người phụ nữ thầm lặng xoa dịu nỗi đau chiến tranh

Từ nhiều năm nay, bà Vượng đã trở thành động lực để ông Quang vượt lên nỗi đau bệnh tật

Từ nhiều năm nay, hình ảnh bà Nguyễn Thị Vượng, người đàn bà khắc khổ theo chồng khắp các bệnh viện, tìm mọi loại thuốc với hy vọng kéo dài sự sống cho chồng đã trở nên quen thuộc đối với người dân xóm Bình Minh, xã Trung Lộc (Can Lộc).

Đằng đẵng suốt cả thời thanh xuân của bà là chuỗi ngày chờ chồng với nỗi lo khắc khoải. Nhưng niềm hạnh phúc khi đón chồng trở về lại chẳng trọn vẹn bởi những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị ác liệt, ông đã bị nhiễm chất độc da cam, mất sức lao động. Di chứng đó không chỉ hủy hoại sức khỏe của ông mà còn để lại hậu quả trên người con gái đầu lòng của ông bà.

Gần 30 năm lập gia đình cũng ngần ấy thời gian bà Vượng thân cò lặn lội vất vả, tảo tần chăm lo cho chồng con. Nhưng cuộc sống với những thử thách dường như cứ tiếp nối, đè nặng lên đôi vai gầy của người đàn bà lam lũ. 3 năm trở lại đây, chồng bà - ông Nguyễn Văn Quang bị bệnh hiểm nghèo phải chuyền hóa chất, mỗi tháng một đợt điều trị mất 20 ngày.

Những người phụ nữ thầm lặng xoa dịu nỗi đau chiến tranh

Bà Vượng - người phụ nữ suốt một đời hy sinh cho chồng con

Bà cho biết: “Hậu quả của chiến tranh, sự tàn phá của bệnh tật đã khiến sự sống của ông ngày càng cạn kiệt. Những lúc ông lên cơn co giật tôi chỉ biết ôm ông khóc và động viên ông cố gắng vượt qua. Tôi cũng từng hoang mang và tưởng chừng như gục ngã, nhưng nghĩ mình là điểm tựa tiếp thêm niềm lạc quan cho ông chiến đấu với bệnh tật, để con cái yên tâm làm ăn, tôi lại có động lực để cố gắng”.

Mang trong mình chứng bệnh thoát vị đĩa đệm, việc đi lại hết sức khó khăn, có những lúc bà Vượng phải chống gậy, dắt chồng đi tìm thầy tìm thuốc với niềm hy vọng còn nước còn tát. “Sự hy sinh của bà khiến tôi thấy mình càng phải cố gắng để kéo dài sự sống. Và tôi sống được đến ngày hôm nay tất cả cũng nhờ tình yêu thương và sự chăm sóc của bà” - ông Nguyễn Văn Quang chia sẻ.

Cũng là vợ lính, cùng chung hoàn cảnh khó khăn khi bất đắc dĩ phải trở thành trụ cột của gia đình, sự tần tảo hy sinh của bà Lê Thị Tam ở thôn Liên Tân, xã Thượng Lộc, Can Lộc đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Tấm lòng nhân hậu, sự đảm đang tháo vát của người phụ nữ đã là phép màu bù đắp những mất mát thời hậu chiến cho người chồng - ông Lê Xuân Phúc.

Những người phụ nữ thầm lặng xoa dịu nỗi đau chiến tranh

Sự tần tảo, hy sinh của bà Tam đã phần nào bù đắp cho những nỗi đau trong cuộc đời của thương binh Lê Xuân Phúc

Ông Phúc cho biết: Sau 8 năm nhập ngũ, năm 1973 khi chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên ông bị thương nặng ở chân và được chuyển ra Vĩnh Phú chữa trị. Năm 1982, ông trở về địa phương và xây dựng gia đình, nhưng rồi người vợ bị bệnh hiểm nghèo và qua đời để lại đàn con thơ, trong đó có 1 người con bị nhiễm chất độc da cam.

Cứ ngỡ cuộc sống sẽ tiếp tục trôi đi trong khốn khó, nhưng nghị lực sống của người thương binh và cảnh gà trống nuôi con của ông đã khiến bà Tam cảm phục. Bà chấp nhận hy sinh tuổi xuân của mình để về làm bạn với ông, chia sẻ cùng ông gánh nặng gia đình.

Sau những năm tháng cày sâu cuốc bẫm chăm sóc cho các con yên bề gia thất, bà lại lo làm kinh tế và chăm sóc người chồng bệnh tật. Bà Tam chia sẻ: “Những năm gần đây cuộc sống của ông chỉ gắn bó với chiếc xe lăn và cái bình ô xi nên lại càng vất vả hơn nhưng tôi nghĩ, mọi cố gắng của mình đều xứng đáng. Đó là sự yêu thương, tôn trọng của chồng và con cháu. Đó cũng là nghĩa vợ chồng, là sự tri ân đối với những người đã hy sinh một phần xương máu cho Tổ quốc”.

Những người phụ nữ thầm lặng xoa dịu nỗi đau chiến tranh

Ngoài thời gian chăm sóc chồng, bà Tam còn chăm lo vườn cây trái để có thêm nguồn thu nhập

Ngoài thời gian chăm sóc ông, bà Tam còn tranh thủ cải tạo khu vườn để trồng cây ăn trái. Khu vườn của bà cũng đã trở thành địa chỉ để nhiều hội viên phụ nữ trong thôn học tập và mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình.

Với tình yêu thương, sự chia sẻ và niềm tin vào cuộc sống, những người phụ nữ như bà Vượng, bà Tam và bao người phụ nữ khác đã và đang viết tiếp câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Trung hậu, đảm đang, giàu nghị lực, họ luôn là điểm tựa vững chắc cho những người lính không chỉ trong chiến tranh mà cả trong những thử thách của thời bình.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast