Niềm vui bình dị của thương binh 1/4 Nguyễn Văn Trực (phường Thạch Linh - TP Hà Tĩnh
Hậu phương vững chắc
Căn nhà nằm khiêm nhường trong ngõ nhỏ ở thôn Quan An, xã Hồng Lộc (Lộc Hà) của gia đình ông Phan Văn Kính và bà Hồ Thị Quyên luôn rộn rã tiếng cười, tiếng tập nói bi bô của 2 cháu nhỏ. Đó là tổ ấm, là hậu phương vững chắc của 2 chiến sỹ hải quân Phan Văn Tuấn và Phan Đình Nam. Trong câu chuyện của bố mẹ già, của người vợ trẻ, tôi cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến của họ dành cho những người thân nơi đầu sóng, ngọn gió.
Bà Quyên cho biết: “Ông nhà tôi cũng gắn bó với đời binh nghiệp từ thuở còn trai tráng, chiến đấu ở chiến trường từ Quảng Trị đến Đà Nẵng, mãi tận năm 1976 mới trở về. Chúng tôi gặp nhau sau ngày tôi hoàn thành nghĩa vụ thanh niên xung phong, nhưng hạnh phúc không trọn vẹn khi đứa con gái đầu do ảnh hưởng chất độc da cam nên hơn 40 tuổi nhưng chúng tôi vẫn phải chăm lo như đứa trẻ. Dù vậy, chúng tôi vẫn động viên các con lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước”.
Tiếp nối nhiệt huyết đó, 2 con trai của ông bà đều tham gia quân chủng hải quân: Trung úy Phan Văn Tuấn đã có 10 năm gắn bó với con tàu 905; em trai Phan Đình Nam sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân cũng đã theo chân anh, lên tàu bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.
Mỗi khi nhớ chồng, chị Giang cùng người thân lại mang tấm ảnh anh gửi về từ đảo xa ra nâng niu, ngắm nghía.
Hậu phương của người lính biển Phan Văn Tuấn đã trở nên vững chãi hơn bởi từ năm 2012 đã có người con dâu hiền thảo chăm sóc bố mẹ già. 2 đứa con bụ bẫm, kháu khỉnh lần lượt ra đời đã đem lại nguồn vui cho ông bà. Dù vất vả vì chồng xa nhà biền biệt, con nhỏ dại nhưng tất cả đều trở nên nhỏ bé trong niềm yêu mến, tự hào của người vợ về công việc, nhiệm vụ cao cả của người lính biển.
Chị Mai Thị Giang (vợ anh Tuấn) chia sẻ: “Mình ở nhà dù vất vả nhưng còn có gia đình, bạn bè, làng xóm. Anh và đồng đội lênh đênh giữa biển cả mênh mông, thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, kẻ thù rình rập, nhiều khi biển động, chẳng nấu nổi cơm ăn, so với các anh, nỗi vất vả ấy có thấm tháp gì. Mỗi lần anh gọi điện về, vợ chồng lại động viên nhau cùng cố gắng. Và mỗi lúc nhớ anh, mẹ con tôi lại mang tấm ảnh anh gửi về ra nâng niu, ngắm nghía.
Điểm tựa lúc tuổi già
Trong hội nghị tôn vinh những điển hình xây dựng NTM tại huyện Thạch Hà vừa qua, câu chuyện về tấm gương của ông Hồ Khắc Đảng (thôn Cao Thắng, Thạch Thắng, Thạch Hà) là thương binh ¾, một điển hình trong phong trào xây dựng NTM với việc hiến hàng trăm m2 đất làm đường giao thông đã khiến nhiều người ngưỡng mộ. Thế nhưng, điều mọi người cảm động hơn cả là sự đồng cam cộng khổ của bà Nguyễn Thị Xuân - người vợ tảo tần, chung thủy đã cùng ông đi gần hết cuộc đời. Bà không chỉ là hậu phương vững chắc cho ông trong những năm tháng đánh quân Pôn Pốt ở chiến trường Campuchia mà còn là nguồn sức mạnh, là động lực của ông trong “cuộc chiến” chống căn bệnh ung thư vòm họng.
Bà Xuân tâm sự: “Đến năm 1995, sau khi nghỉ hưu, vợ chồng mới được đoàn tụ, sát cánh động viên nhau làm kinh tế, nuôi con ăn học nên người. Thế nhưng, khi con cái trưởng thành, ông lại phát bệnh nan y. Lúc đầu, tôi có cảm giác không thể chịu nổi cú sốc này, nhưng rồi dần cố gắng để làm điểm tựa cho ông”.
5 năm đã qua kể từ ngày ông bị căn bệnh quái ác, bà luôn đồng hành cùng ông trong hàng chục lần xạ trị để tiếp thêm sức mạnh, động viên ông sống lạc quan, yêu đời. Gượng dậy sau những cơn đau, ông lại hăng hái đi đầu trong các phong trào ở địa phương để làm gương cho con cháu. Người lính ấy đã tìm lại được bản lĩnh, nghị lực và ý nghĩa cuộc sống của mình nhờ tấm lòng, tình yêu thương của người bạn đời chung thủy.
Không thể kể hết nỗi vất vả, gian truân của những người mẹ, người vợ lính, khi tuổi xuân của họ là những ngày tháng đằng đẵng nuôi con, chờ chồng. Tuổi già xế bóng lại trở thành chỗ dựa để người lính vượt qua nỗi đau của vết thương, của tình trạng sức khỏe suy kiệt sau những năm tháng chiến tranh gian khổ. Bà Bùi Thị Bốn (tổ dân phố 7, phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) là một trong số đó.
17 năm nay, bà Bùi Thị Bốn (tổ dân phố 7, phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) luôn lặng lẽ chăm sóc người chồng thương binh, bệnh tật.
Căn nhà chật hẹp của đôi vợ chồng già đã bước sang tuổi 70 không có gì quý giá ngoài những tấm huân, huy chương của ông được lồng trang trọng trong khung kính. Bà Bùi Thị Bốn - người phụ nữ vất vả một đời vẫn cặm cụi chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho chồng mà không một lời thở than. Ông bị bệnh parkinson và vết thương cũ tái phát nên phải nằm một chỗ. 17 năm nay, bà luôn lặng lẽ bên giường bón từng thìa cơm, chén nước, xoa dịu ông trong những cơn đau. Điều mà ít ai biết rằng, bản thân bà bị căn bệnh tim hành hạ và có thể cướp đi cuộc sống bất cứ lúc nào.
Nói về người bạn đời của mình, trên khuôn mặt già nua của thương binh Dương Đình Thanh không giấu nổi dòng lệ: “Tôi sống được đến ngày hôm nay đều nhờ cả một tay bà. Tôi chỉ mong sao bà luôn khỏe mạnh để còn có chỗ mà nương tựa”.
Gặp gỡ những người vợ lính, tôi như nhìn thấy hình ảnh của những người chị, người mẹ - các thế hệ phụ nữ Việt Nam một lòng thủy chung, kiên cường, chịu thương chịu khó, yêu chồng, thương con. Dù cuộc sống muôn vàn khó khăn, vất vả, nhưng các chị, các mẹ - những người xây tổ ấm đã vun đắp nên những “điểm tựa” hậu phương vững chắc để người lính yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng.