Điểm tựa của những người lính trở về từ cuộc chiến
Việc đồng áng, việc gia đình, trong vô vàn sự tất bật, lo toan của một phụ nữ nông thôn, chị Hà Thị Huấn (Cẩm Yên – Cẩm Xuyên) vẫn cười, vẫn liến thoắng công việc mà chẳng một giây phút nề hà… Chồng chị Huấn - anh Nguyễn Đình Thanh, một thương binh nặng từng làm nhiệm vụ quốc tế cao cả ở Campuchia, lại thêm căn bệnh ung thư trực tràng đeo đẳng hơn chục năm qua… Còn một cánh tay nhưng lại thêm một túi hậu môn nhân tạo trước bụng, nhiều lúc, anh cứ như một đứa trẻ, chẳng giúp chị được gì.
Chị Huấn được xem là “hộ lý đặc biệt” của anh Thanh
Bao nhiêu năm cùng anh san sẻ, vật lộn với vết thương trong những ngày trái gió trở trời, thì giờ đây, chị lại thêm nhiệm vụ của một “hộ lý tại gia”… Bà Nguyễn Thị Đài – mẹ cựu chiến binh Nguyễn Đình Thanh, dù đã 92 tuổi vẫn tỉnh tỏ, ân cần nói thêm với chúng tôi: “12 năm chồng mắc bệnh ung thư, chịu cảnh “ruột để ngoài da” như rứa… nhưng vết mổ vẫn an toàn… Công vợ hắn cả đó, bà con lối xóm cứ hay đùa mẹ Huấn là “hộ lý đặc biệt” của chồng… Nhiều khi chộ hấn vất vả, nghị cũng thương, nhưng biết răng dừ???”.
Còn tại xã Thịnh Lộc (Lộc Hà), vợ chồng ông Hoàng Trọng Cường vừa trở về nhà sau một thời gian dài điều trị tại Viện Quân y 103. Vết thương sọ não tái phát, thêm bệnh cao huyết áp, việc ông mê man, bất tỉnh như thế đã không lạ gì với bà Lan - vợ ông. Ngay từ đầu, khi đang là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Châu Cường (Quỳ Hợp, Nghệ An), bà Lan đã từ bỏ tất cả, nguyện chăm sóc và kết duyên cùng người thương binh với thương tật trên 95% đang được chăm sóc tại Trại Điều dưỡng thương binh nặng Nghệ An. Lúc ấy, ông vẫn đang ngồi trên xe lăn, mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào đội ngũ y, bác sỹ...
Vậy mà, với sự kiên trì và quyết tâm của bà, sức khỏe của ông đã dần hồi phục. Ông trở thành giám đốc một HTX chăn nuôi có tiếng với thu nhập gần tỉ đồng mỗi năm. Trên đồi cát hoang hóa, bạc màu của quê hương, bà lại đồng hành cùng ông, san sẻ bao gian khó, nhọc nhằn… Bà hiểu, sau ông còn là việc làm, thu nhập, là cơm ăn, áo mặc của rất nhiều thương binh và con em cựu chiến binh khác. Chạy vạy vốn vay, tìm kiếm nguồn đầu tư, khâu nối đầu vào, đầu ra, rồi trực tiếp vào tận chuồng trại, lo từ việc nhỏ nhất… bà đều chẳng quản ngại. Sau sự thành công của ông, luôn có bóng dáng tảo tần, hy sinh của bà.
Bà Lan vừa chăm mẹ già, vừa chăm ông Cường khi ốm đau, đồng hành cùng ông để xây dựng HTX 27/7
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, vậy mà, nỗi đau chưa bao giờ dừng lại. Nước mắt lặng thầm chảy ngược vào trong, có những nỗi buồn phải quay lưng giấu mặt… Với nhiều người mẹ, người vợ lính, họ có ngờ đâu, có những nỗi đau còn lớn hơn cả những vết thương… Tại xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên), từ một sinh viên ngân hàng, bà Thanh đã kết duyên cùng chàng sinh viên sư phạm Hà Nội Nguyễn Hữu Tài vừa trở ra từ chiến trường Bình Trị Thiên máu lửa. Vậy mà, hơn 40 năm nặng nghĩa vợ chồng, chưa lúc nào tâm hồn bà được thanh thản. Căn nhà nhỏ với 3 thế hệ chung sống luôn ngổn ngang, bề bộn. Bà dọn trước thì các con lại “bừa” sau. Bốn chục tuổi, con trai cả vẫn như một đứa trẻ lên ba… Con gái thứ thì ngẩn ngơ với những niềm vui con trẻ trong hình hài của một phụ nữ trưởng thành. Người con mà ông bà hy vọng, từ một sinh viên giỏi có tiếng tại đại học quốc gia thì nay, chị lại đang đối diện với nỗi đau dai dẳng… Chất độc da cam từ ông đã di truyền sang đến thế hệ thứ ba…
Bà bảo: “Mình may mắn hơn là sự đợi chờ của mình 10 năm đằng đẵng còn có kết quả, con mình đi lại được, nhiều người còn khổ hơn. Thế nhưng, nhiều đêm, 2 ông bà cứ trằn trọc, ai sẽ là người toan lo gánh vác khi ông bà nhắm mắt xuôi tay…?
Hậu phương của người lính hôm nay
Trong cuộc sống thời bình, những người lính sẽ vẫn còn nhiều gian khó... Từ đảo xa, từ những vùng biên viễn, vẫn còn nhiều những chiến sỹ hải quân, biên phòng, những người lính đang ngày đêm canh giữ bình yên cho vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Và rồi, những người vợ của họ, lại một vai hai gánh, trăm nỗi lo toan…
Chị Hà Thị Thu (Xuân Mỹ - Nghi Xuân) là vợ của anh Nguyễn Viết Hiền, hiện là xuồng trưởng tại đảo đá Núi Le – một rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa. 16 năm quân ngũ, thời gian anh sum họp gia đình chỉ tính trên đầu ngón tay. Con gái gần 2 tuổi, anh mới chỉ biết mặt con qua ảnh. Ngày bố mất, anh cũng chẳng thể về… Tất cả, từ đối nội đối ngoại, chăm con… đều trên tay chị. Nơi anh công tác, chị cũng chưa một lần đến. Những Song Tử, Phan Vinh, hay Núi Le… với mẹ con chị là cả trời thương nhớ… Chị bảo: “Chồng là lính đảo, người vợ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sinh con, mẹ ốm, cha đau, rồi những khi nhọc nhằn cần người san sẻ… những điều đó, với vợ lính xa xôi lắm”…
Nỗi đau của vợ lính thời bình chưa dứt với những đêm dài thao thức đợi chờ, trông ngóng, rồi bao cuộc tiễn đưa… Câu chuyện về những chiến sỹ phi công trên Su 30 và Casa 212 đã làm lay động trái tim của hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Lễ truy điệu tập thể, những ánh mắt trẻ thơ, những người mẹ, người vợ… cứ ám ảnh hàng triệu con tim nước Việt…
Còn nhiều lắm những người vợ lính. Từ những cuộc chiến tranh vệ quốc đến thời bình hôm nay, sau mỗi người lính luôn thấp thoáng những người phụ nữ Việt Nam. Họ là người mẹ, người vợ, những người con gái lặng lẽ hy sinh, góp phần làm nên dáng hình đất nước. Họ là thế, cứ bình dị, khiêm nhường và lặng thầm như đất - bởi đơn giản, họ là những người vợ lính…