Tết nơi xa xứ, dù khá đủ đầy hương vị quê nhà nhưng ai cũng nhớ không khí và không gian tết cổ truyền ở quê nhà.
Khi trên những sườn đồi, đào mai đã bắt đầu bung nụ, khi phố xá bắt đầu rực rỡ sắc hoa và trong những ngôi nhà, người ta đã bắt đầu đốt hương trầm ấm áp, là lúc những mong ngóng trở về dậy lên trong lòng người. Bất kỳ ai cũng có nơi chốn để trở về. Đó là quê cha đất tổ, là quê mẹ hiền hòa, là nhà thờ họ, là gia đình… Nỗi mong ngóng ấy đều tha thiết và thành kính như nhau. Cả năm làm ăn bận rộn cũng chỉ để chờ đợi mấy ngày tết để trở về.
Tôi đã từng gặp rất nhiều người, ly quê từ bao năm, nay trở về lòng rưng rưng thương nhớ. Bạn tôi ly quê đã 20 năm nhưng chưa năm nào trở về quê nhà vào dịp tết. Bạn nói, bao nhiêu năm bôn ba, tết đến về nhà chồng sửa soạn đón tết. Quê ở xa nên cũng chẳng về nữa. Năm nay, cả nhà bạn quyết định về quê ngoại ăn tết.
Phiên chợ 0 đồng tại xã Thanh Lộc (Can Lộc) mang đến niềm vui cho trẻ nhỏ vùng thôn quê
Cứ như đứa trẻ lạc nhà tìm được đường về, nỗi xúc động cứ dâng lên trong lòng bạn mỗi ngày. Hết xắm nắm sửa soạn áo quần, quà cáp, lại xắm nắm tính toán phân chia thời gian thăm thú họ hàng, bạn hữu. Đến 20 tháng Chạp, tất cả đều đã sẵn sàng, chỉ đợi ngày giờ là xuất phát. Bạn nói, đây có lẽ là cái tết yên vui, đầm ấm nhất trong cuộc đời. Cũng may cha mẹ vẫn còn song toàn.
Tết sum vầy đối với người gắn bó đời mình với quê cha đất tổ cũng chính là sự trở về của những người thân. Họ đợi anh em, con cháu trở về để cùng hội tụ trong những nghi lễ truyền thống ở nhà thờ họ, để cùng nhau ra mộ thắp hương tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ và người thân. Để cùng sửa soạn, bày biện mâm cỗ cúng gia tiên, cùng đợi chờ phút giao thừa, nói với nhau những lời chúc an lành.
Với những người không có điều kiện trở về, họ lại chọn cách sum vầy cùng những người đồng hương, thân thích. Tết ở nơi xa xứ, nhất là ở nước ngoài càng trở nên thật thiêng liêng. Chị bạn tôi theo chồng ra nước ngoài công tác, lần đầu tiên không được sửa soạn để đón tết cổ truyền tại gia đình, chị buồn và hẫng hụt lắm. Chị nói, chị nhớ cành đào phai, đào thắm, nhớ mùi hương trầm luấn quấn không gian, nhớ không khí những phiên chợ tết. Nhớ đến ngơ ngẩn.
Các chương trình từ thiện cuối năm giúp đối tượng hoàn cảnh khó khăn đón tết ấm áp hơn.
Chỗ chị ở, cộng đồng người Việt cũng tổ chức đón tết sớm, cũng có cành đào tượng trưng, có bánh chưng và mấy món ăn truyền thống, mọi người rất thân tình. Tuy vậy, những ngày tết, không được nấu những mâm cỗ dâng lên ban thờ gia tiên, không được ra nghĩa trang thắp hương lên mộ tổ tiên, ông bà, với chị đó là một nỗi trống trải lớn. Chị và cộng đồng người Việt ở đây đều mong nhớ tết quê, nhớ đêm 30 cả gia đình quây quần bên nhau chờ đón phút giao thừa. Với chị, chỉ như thế mới cảm nhận rõ nhất văn hóa truyền thống của tết cổ truyền.
Trải dài trên dải đất cong cong Việt Nam, có rất nhiều vùng kinh tế mới. Ở đó có nhiều thôn xóm tuyền người cùng làng cũ ở quê. Tết đến, ai về quê thì gửi nhà lại cho hàng xóm. Ai ở lại thì cùng nhau tổ chức đón tết cổ truyền. Khi ngồi gõ những dòng chữ này, tôi biết, đâu đó ở những ngôi làng xa xôi, trong những nông trường đất đỏ, những người đồng hương đã hò hẹn nhau cùng đụng một con lợn, cùng gói bánh chưng…
Cận tết, trong khi các ông chồng xắm nắm dựng nêu, treo đèn thì các mẹ, các chị lại bàn nhau mua bán thực phẩm, cùng nhau nấu những món ăn cổ truyền ngày tết của quê nhà, cùng sửa soạn một bữa cơm tất niên ấm cúng. Họ duy trì những việc đó như một cách níu giữ hồn quê nơi xa xứ. Sự sum vầy, cùng nhau soạn sửa đón tết khiến tình quê càng thêm ấm áp. Dẫu không trở về nơi chôn nhau cắt rốn nhưng bằng cách này hay cách khác, họ đã có sự trở về trong tâm tưởng.
Giọt nước mắt xúc động của cụ già thuộc Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ tỉnh trong chương trình Tết yêu thương, tết sẻ chia
Trong nhiều năm nay, ý nghĩa sum vầy trong dịp tết còn được mở rộng biên độ với sự quan tâm của các cộng đồng dành cho những đối tượng khó khăn trong cuộc sống. Ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, các tổ chức thiện nguyện, các cá nhân, cơ quan đều đã lên kế hoạch tổ chức tết sum vầy, tết yêu thương cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người neo đơn…
Cùng với sự hỗ trợ kịp thời về vật chất, càng ngày, hoạt động này càng có những chương trình ý nghĩa như: Phiên chợ không đồng, Tết sum vầy dành cho bạn nghèo, Tết chia sẻ, Tết yêu thương… Những chương trình đó được tổ chức giản dị, gần gũi nên vừa sẻ chia những khó khăn về vật chất, vừa tạo nên những giá trị tinh thần lớn đối với người có hoàn cảnh kém may mắn.
Không thể kể hết về những tấm lòng nhân ái trong hành trình tạo nên những cuộc sum vầy trong dịp tết cổ truyền, cũng không thể kể hết về tâm tư, cảm xúc của những người nhận được sự giúp đỡ. Tuy vậy, qua những hoạt động thiện nguyện ấy, người trao và người nhận đều đã có những xúc cảm tốt đẹp về tình người để từ đó thêm tin và thêm yêu cuộc đời.
Xuân Canh Tý rạng ngời trong sự sinh chuyển của cỏ cây, trong những cảm xúc dạt dào của con người. Tết cổ truyền đang trở về thật trọn vẹn trong những giá trị văn hóa truyền thống, trong những mong ngóng của con người…