Trong niềm vui chung của cả dân tộc kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, niềm vui càng nhân lên gấp bội với gia đình bà Hoàng Thị Loan (thôn Tân Hòa, xã Tân Lâm Hương, TP Hà Tĩnh).
Năm nay, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và ngày công hỗ trợ của bà con trong thôn, gia đình bà được sống trong ngôi nhà mới. Gia đình bà Loan là một trong số 20 hộ dân của xã Tân Lâm Hương được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Bà Loan xúc động: “Tôi là vợ liệt sỹ, sống đơn thân, sức khỏe yếu, thu nhập thấp. Vì vậy, việc xây mới ngôi nhà là ước mơ xa vời. Thế nhưng, nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, sự hỗ trợ nhiệt tình của bà con, ở tuổi 70, tôi đã có ngôi nhà kiên cố, hạnh phúc vô cùng”.
Niềm vui của bà Loan cũng là niềm vui của 184 gia đình (121 hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn và 63 gia đình người có công) ở TP Hà Tĩnh. Đó là những hộ được hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó, mức hỗ trợ kinh phí cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo là 70 triệu đồng/nhà xây mới; 30 triệu đồng/nhà sửa chữa được trích từ Quỹ Vì người nghèo của tỉnh; đối với nhà của người có công, kinh phí xây mới 60 triệu đồng/nhà, sửa chữa 30 triệu đồng/nhà, từ nguồn kinh phí Trung ương. Để hỗ trợ các gia đình người có công, theo chủ trương của tỉnh, thành phố Hà Tĩnh đã và đang linh hoạt huy động nguồn lực, hỗ trợ thêm kinh phí mỗi nhà 10 triệu đồng.

Ông Trần Việt Hà - Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Xóa nhà tạm, nhà dột nát TP Hà Tĩnh cho biết, địa phương đang quyết tâm đến mốc 19/5, 100% nhà ở phải được bàn giao cho người dân. Đặc biệt, thành phố đang tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa tinh thần nhân văn của chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đến toàn thể các tầng lớp nhân dân; tranh thủ, vận dụng tối đa nguồn lực thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách để người dân ai ai cũng an cư lạc nghiệp, ai cũng có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, góp phần hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ”.

Đến bây giờ, sau hơn 2 tuần vào ở trong mái nhà kiên cố, ông Nguyễn Công Mạo, thương binh hạng 4/4 (thôn Sơn Hà, xã Thạch Sơn, Thạch Hà) vẫn rưng rưng niềm xúc động. Hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nên dẫu ngôi nhà đã xuống cấp, ông Mạo cũng không đủ kinh phí để sửa chữa. Niềm vui đến khi mới đây, gia đình ông thuộc diện gia đình chính sách được nhận nguồn hỗ trợ 30 triệu đồng để sửa chữa nhà. Không những vậy, để giảm tối đa kinh phí, các hội viên Hội Cựu chiến binh xã đã đảm nhận sửa chữa nhà cho ông.
Ông Nguyễn Công Mạo bày tỏ: “Thực sự biết ơn chủ trương lớn của Trung ương, của tỉnh dành cho các gia đình chính sách như chúng tôi; đặc biệt cảm ơn những người đồng đội, đồng chí đã dành hàng chục ngày công giúp tôi sửa nhà. Từ nay, nỗi lo nhà thấm dột vào những ngày mưa đã không còn nữa”.

Còn với bà Đặng Thị Thảo (thôn Bình Thủy, xã Kim Hoa, Hương Sơn), đã quá nửa đời người, nhưng những ngày này có lẽ là những ngày vui nhất cuộc đời bà. Là hộ cận nghèo, bà sống đơn thân trong mái nhà xuống cấp. Ngày 26/3 vừa qua, bà Thảo đã được sống trong ngôi nhà khang trang. Ngoài nguồn hỗ trợ 70 triệu đồng từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, bà Thảo được nhận sự hỗ trợ của huyện, xã và người thân cùng với hàng chục người dân giúp ngày công, ngôi nhà được hoàn thành với tổng trị giá 130 triệu đồng.
Ông Trần Văn Mát - Bí thư Chi bộ thôn Bình Thủy cho biết: “Chia sẻ cùng hoàn cảnh gia đình bà Thảo nên trong thôn hễ ai có gì giúp nấy, người hỗ trợ ngày công tháo dỡ nhà cũ, làm móng nhà mới, người giúp nấu nước phục vụ thợ xây, người tham gia dọn dẹp… Chúng tôi mong rằng, nơi ở mới khang trang hơn sẽ giúp bà Thảo vươn lên trong cuộc sống; đồng thời đây cũng là việc làm thắt chặt thêm đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm”.
Qua rà soát trên địa bàn Hà Tĩnh có gần 2.300 ngôi nhà tạm, nhà dột nát, cần sửa chữa, xây mới; trong đó có hơn 1.400 nhà của hộ nghèo, hộ cận nghèo và gần 900 nhà của người có công, gia đình chính sách. Sau hơn 4 tháng triển khai, đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.300 ngôi nhà được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đó không chỉ là ngôi nhà kiên cố, vững chãi mà còn là mái nhà của nghĩa tình đoàn kết, sẻ chia.

Từ khi chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được triển khai đến nay, ngoài nguồn lực chính hơn 147 tỷ đồng, Hà Tĩnh đã huy động thêm gần 15 tỷ đồng bao gồm tiền mặt, vật liệu xây dựng, nhu yếu phẩm và khoảng 48.000 ngày công để hỗ trợ các gia đình khó khăn. Và với tinh thần “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn đang tiếp tục cùng cả tỉnh chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Là một trong những doanh nghiệp tích cực trong thực hiện chương trình, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải đã hỗ trợ 250 tấn xi măng giúp người dân ở các địa phương xây dựng, sửa chữa nhà ở. Ông Trần Văn Viết - Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải cho biết: “Chung tay cùng cả hệ thống chính trị thực hiện chương trình nhân văn xóa nhà tạm, nhà dột nát là trách nhiệm và niềm vinh dự của chúng tôi. Hy vọng những đóng góp này sẽ mang đến niềm tin, động lực để các gia đình khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Thời gian tới, với khả năng và nguồn lực của mình, công ty sẽ tiếp tục đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền trong các hoạt động an sinh xã hội”.
Để đảm bảo mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh vào dịp 19/5, hiện nay, các địa phương đang tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn; bám sát đường găng tiến độ, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phong trào ở cơ sở. Quyết tâm chính trị cao, vận dụng tối đa nguồn lực, trách nhiệm đối với từng công trình và sự chung tay của cả cộng đồng, tin rằng, Hà Tĩnh sẽ sớm hoàn thành mục tiêu theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.