Video: Các vụ TNGT nghiêm trọng liên quan tới thanh thiếu niên
Cách đây hơn 10 ngày, lúc 11h30’ ngày 13/4/2023, trên tuyến quốc lộ 12C đoạn qua phường Hưng Trí, TX Kỳ Anh, xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng giữa xe ô tô với xe máy chở em N.T. K. và em ĐT.L. (SN 2005, trú xã Kỳ Hoa, TX Kỳ Anh).
Va chạm mạnh khiến 2 người đi xe máy bị bay qua nắp capo ô tô và ngã xuống đường. Hậu quả, em K. tử vong, L. bị thương nặng. Được biết, K. và L. đang theo học một trường nghề trên địa bàn TX Kỳ Anh.
Vụ TNGT nghiêm trọng trên quốc lộ 12C khiến 1 thanh niên tử vong
Nguyên nhân vụ TNGT nghiêm trọng đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Tuy nhiên, theo camera nhà dân ghi lại, thời điểm xảy ra vụ việc, xe máy di chuyển ngược chiều với tốc độ khá nhanh trên quốc lộ 12C và xảy ra va chạm với ô tô khi đang sang đường.
Vụ TNGT giữa xe máy và xe tải khiến một học sinh lớp 11 ở Lộc Hà tử vong.
Trước đó, vào ngày 19/3, một vụ TNGT nghiêm trọng giữa xe máy chở 2 nam sinh và xe tải tại ngã tư ở xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà đã khiến 1 em tử vong, em còn lại bị thương nặng.
Vụ TNGT xảy ra tại ngã tư giao giữa quốc lộ 15B với tỉnh lộ 547 đoạn qua địa phận thôn Tân Quý, xã Hộ Độ. Thời điểm này, xe máy chở em T.Đ.H. (SN 2006) và em L.T.B.M. (SN 2010) cùng trú tại xã Thạch Mỹ (Lộc Hà) đã va chạm với ô tô đang lưu thông qua nút giao. Hậu quả em H. tử vong tại chỗ, em M. bị thương nặng.
Được biết, em H. học lớp 11, còn em M. đang học lớp 8 tại các trường học trên địa bàn Lộc Hà.
Gia đình em T.Đ.H. bàng hoàng khi nhận tin con trai tử vong do TNGT.
Ngoài 2 vụ việc vừa nêu, thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đã xảy ra một số vụ TNGT chết người mà nạn nhân là học sinh, thanh thiếu niên.
Những năm qua, khi đời sống người dân được nâng cao, nhiều gia đình ở Hà Tĩnh đã sắm cho con em mình xe máy điện, xe gắn máy 50 cm3, thậm chí cả xe mô tô 110 cm3 - loại phương tiện có tốc độ di chuyển nhanh, để đi học.
Nhóm thanh thiếu niên ở Lộc Hà có hành vi lạng lách, đánh võng bị Công an huyện triệu tập, xử lý.
Thực tế cho thấy, không khó để bắt gặp cảnh học sinh, thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ như: không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, bốc đầu xe, chở quá số người quy định nên dẫn đến các tai nạn đáng tiếc xảy ra.
TNGT ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh có nhiều nguyên nhân như việc các em thiếu kiến thức pháp luật về ATGT, chưa có kỹ năng điều khiển và xử lý tình huống kịp thời, cộng với tâm lý của lứa tuổi mới lớn thích thể hiện “cái tôi” hay “ra oai” với bạn bè cùng trang lứa.
Tình trạng học sinh, thanh thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn diễn ra thường xuyên. (Ảnh chụp trên đường Quang Trung, TP Hà Tĩnh ngày 20/4).
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân sâu xa vẫn là do sự quản lý lỏng lẻo của không ít phụ huynh khi giao cho con em mình những phương tiện mà các em chưa thể điều khiển một cách an toàn.
Nắm bắt được tình trạng này, ngay từ thời điểm bước vào đầu năm học, Công an Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp với ngành GD&ĐT tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT cho các em học sinh. Cùng đó, lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý học sinh vi phạm pháp luật về ATGT.
Đội CSGT - TT Công an huyện Đức Thọ xử lý nhiều học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
“Qua việc triển khai các chuyên đề về xử lý học sinh, thanh thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đơn vị đã lập biên bản vi phạm hành chính 34 trường hợp. Quá trình xử lý, đơn vị yêu cầu chỉ khi phụ huynh có mặt thì mới tiến hành xử lý và yêu cầu phụ huynh ký cam kết không để con em mình điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi.
Trường hợp là chủ xe, giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm. Với học sinh, đơn vị gửi thông tin về cho nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nắm rõ”, Thiếu tá Nguyễn Thành Chung, Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an huyện Đức Thọ thông tin.
Học sinh đi ngược chiều trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn huyện Cẩm Xuyên.
Dù vậy, bất chấp những nỗ lực của lực lượng chức năng, nhà trường và xã hội, tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự ATGT trong học sinh, thanh thiếu niên trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp. Các vụ TNGT liên quan tới lứa tuổi thanh thiếu niên có xu hướng gia tăng về số vụ, mức độ nghiêm trọng.
Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Tân cho hay: Để nâng cao nhận thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, cùng với nỗ lực của ngành chức năng, cần có sự kết hợp chặt chẽ của “gia đình – nhà trường – xã hội” trong việc giáo dục, cảnh cáo, nhắc nhở học sinh tham gia giao thông.
Trong đó, vai trò của gia đình là rất quan trọng. Các bậc phụ huynh phải “làm gương” chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho con em noi theo. Bên cạnh đó, phụ huynh cần kiên quyết và “nói không” với việc giao xe phân khối lớn cho con, em khi chưa đủ tuổi theo quy định pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, người dưới 18 tuổi đi xe máy lạng lách, đánh võng sẽ bị áp dụng 2 chế tài xử phạt về hành vi “chưa được phép điều khiển xe máy” và “lạng lách, đánh võng”. 1. Về hành vi lạng lách, đánh võng Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt quy định như sau: Điều 6. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Căn cứ điểm b, khoản 8: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm: “Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị”. Ngoài ra, điểm c, khoản 10, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP còn quy định tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng. Cùng với đó, khoản 9 và điểm d khoản 10, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị mà gây tai nạn giao thông hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ. Như vậy, đối với hành vi này thì người điều khiển phương tiện xe máy sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng và bên cạnh đó còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng. 2. Xử lý người dưới 18 tuổi đi xe lạng lách, đánh võng Căn cứ khoản 1, Điều 60 Luật Giao thông đường bộ thì: “Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự…”. Tức là, trong trường hợp này, người vi phạm chưa được cho phép điều khiển xe máy. Căn cứ theo quy định khoản 4, Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với “Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên”. Bên cạnh đó, theo điểm i, khoản 1, Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì người điều khiển xe trên 50 cm3 khi không đủ 18 tuổi, ngoài việc bị phạt tiền còn có hình thức phạt bổ sung là tạm giữ phương tiện tối đa 7 ngày. Ngoài ra, người vi phạm vẫn bị xử phạt về hành vi lạng lách, đánh võng theo như phân tích ở trên. |