Cảnh giác với hóa đơn chuyển khoản “fake”

(Baohatinh.vn) - Với chiêu trò làm giả hóa đơn chuyển tiền qua ngân hàng của các đối tượng lừa đảo, không ít người dân Hà Tĩnh đã bị mất tiền oan.

Chuyển tiền ảo - lừa đảo thật

Là người bán hàng online nên chị Lê T.H. (TP Hà Tĩnh) rất chịu khó cập nhật và tìm hiểu thông tin cảnh báo của cơ quan chức năng về lừa đảo trực tuyến. Tuy nhiên, với hình thức lừa đảo tinh vi bằng hình thức làm giả hóa đơn chuyển khoản (hay còn gọi là bill thanh toán) Internet banking của các ngân hàng, chị H. đã suýt trở thành miếng mồi béo bở cho kẻ xấu.

Cảnh giác với hóa đơn chuyển khoản “fake”

Bill chuyển khoản được FB Lê Hồng Hạnh gửi cho chị Lê T. H.

Chị Lê T. H. cho hay: “Biết tôi bán thực phẩm giảm cân nên FB có tên Lê Hồng Hạnh vào đặt hàng. Trong quá trình trao đổi, người này đặt 3 liệu trình với tổng trị giá hơn 3 triệu đồng và gửi địa chỉ để tôi ship hàng. Người này có kì kèo giảm giá nhưng vẫn chốt mua rất nhanh và chuyển khoản cũng rất nhanh”.

Khi FB Lê Hồng Hạnh gửi bức ảnh chuyển khoản thành công, đúng tên, tài khoản của mình với số tiền 3.050.000 đồng, chị H. vui vẻ đi đóng hàng mà không mảy may nghi ngờ.

“Sau khi chuyển khoản, FB Lê Hồng Hạnh hối thúc tôi ship hàng. Tôi cũng chuẩn bị lấy xe để đi gửi ship thì sinh nghi và vào tài khoản để kiểm tra. Mặc dù từ khi nhận bill chuyển khoản thành công đến khi kiểm tra tài khoản khoảng 2 tiếng đồng hồ nhưng số tiền ấy vẫn chưa vào tài khoản của tôi” – chị H. cho biết.

Nóng lòng, chị H. nhắn tin cho khách thì được người này báo tiền đã gửi rồi. Chẳng những hối thúc chuyển hàng ngay mà người này còn lớn tiếng cự cãi vì cho rằng chị H. làm việc không chuyên nghiệp và uy hiếp sẽ “kiện” chị H. vì tội chiếm đoạt tài sản, nhận tiền mà không chuyển hàng.

Sau quá trình trao đổi, chị H. yêu cầu gọi facetime để đối chất thì FB Lê Hồng Hạnh lập tức chặn theo dõi. Nhờ vậy, chị H.. không mất 3 gói liệu trình giảm cân trị giá hơn 3 triệu đồng vào tay kẻ xấu.

Không được may mắn như chị H., chị H.C. - chủ nhà hàng ở Lộc Hà mất hơn 1 triệu đồng vì “chuyển tiền ảo – lừa đảo thật”. Chị H.C. cho hay: “Vào thời điểm đông khách thực sự rất khó kiểm soát vì khi khách thanh toán chỉ vội nhìn vào màn hình để xem đúng tên người nhận, đúng số tiền hay chưa mà không đợi tin nhắn thông báo chuyển tiền thành công từ ngân hàng. Số tiền cũng không quá lớn nên tôi không báo cơ quan chức năng nhưng đó cũng là bài học để tôi cẩn thận hơn trong quá trình giao dịch trên mạng”.

Từ hai vụ việc trên cho thấy, thanh toán trực tuyến ngày càng được nhiều người lựa chọn vì sự nhanh chóng, tiện lợi nhưng đây cũng là cơ hội cho bọn lừa đảo tận dụng. Các đối tượng làm giả hóa đơn chuyển tiền trực tuyến qua ngân hàng, sau đó chuyển cho nạn nhân để chiếm đoạt tài sản; trong khi đó, nhiều người vẫn rất chủ quan, chỉ cần nhìn qua thấy đúng tên tài khoản, số tiền là mặc nhiên nghĩ rằng tiền đã về tài khoản của mình.

Tràn lan hội nhóm làm giả bill chuyển khoản ngân hàng

Theo tìm hiểu, việc làm giả hóa đơn chuyển khoản được các đối tượng sử dụng phần mềm Photoshop, trang web hoặc các app trên điện thoại để thực hiện. “Bill fake” có đầy đủ thông tin người chuyển, số tài khoản người nhận, mã chuyển khoản giống như một hóa đơn thật.

Cảnh giác với hóa đơn chuyển khoản “fake”

Hàng chục hội nhóm nhận làm bill giả trên Facebook.

Bên cạnh đó, trên mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện nhiều nhóm nhận làm hóa đơn chuyển khoản ngân hàng giả. Gõ cụm từ “Fake hoá đơn chuyển khoản” vào ô tìm kiếm trên Facebook, hàng chục hội nhóm hiện ra với những cái tên như “Làm bill chuyển khoản giả ngân hàng”, “làm giả bill fake theo yêu cầu”, “làm bill chuyển khoản giống thật 99%”...

Đáng chú ý, khi truy cập vào những hội nhóm này, các bài đăng quảng cáo về dịch vụ làm giả biên lai chuyển tiền xuất hiện dày đặc. Các đối tượng công khai số điện thoại ghim trên bài đăng để liên hệ làm việc.

FB “Nhận bill chuyển khoản theo yêu cầu của khách hàng“đăng thông tin:”Làm bill chuyển tiền theo yêu cầu mọi ngân hàng. Mục đích: sống ảo trên mạng, đăng khoe thành tích bán hàng, troll người thân. Nghiêm cấm mọi hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên hệ qua zalo (chỉ trả lời qua zalo)”. Một nick FB khác cũng rao công khai: “Nhận fake bill chuyển khoản, biến động số dư, sms banking, yêu cầu rút , lịch sử giao dịch... Làm trước chuyển tiền sau. Đồng giá: 35k/bill”.

Cảnh giác với hóa đơn chuyển khoản “fake”

Người dân nên chờ thông báo đã nhận được tiền từ ngân hàng hoặc kiểm tra sao kê thay vì chỉ tin tưởng vào ảnh hóa đơn chuyển tiền thành công.

Nhằm để khách hàng tin tưởng dịch vụ, các đối tượng không ngần ngại đăng tải những sản phẩm hoàn thiện để lấy uy tín. Giá cho mỗi “Bill fake” này chỉ từ vài chục nghìn đồng cho một giao dịch, “cam kết bao rẻ, bao nét, thời gian hoàn thiện nhanh chóng”.

Qua tìm hiểu, người mua thường dùng hóa đơn chuyển khoản giả để tạo uy tín, “phông bạt” trên mạng xã hội, thể hiện các đơn hàng lớn đối với người kinh doanh... Tuy nhiên, không thể tránh việc đối tượng xấu sử dụng hóa đơn chuyển tiền giả để phục vụ cho mục đích lừa đảo. Và thực tế cho thấy điều này đã xảy ra.

Để tránh trở thành “mồi ngon” của kẻ xấu, cơ quan chức năng cảnh báo, người dân nếu sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng hóa cho bất kỳ ai khi chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi được cung cấp hình ảnh đã chuyển khoản thành công.

Hiện nay, các ngân hàng đều có dịch vụ thông báo số dư qua SMS, người dân có thể đăng ký nhận thông báo qua tin nhắn ngay cả khi không có mạng Internet. Theo đó, khi giao dịch thanh toán trực tuyến, người dân nên chờ thông báo đã nhận được tiền từ ngân hàng hoặc kiểm tra sao kê thay vì chỉ tin tưởng vào ảnh chụp giao diện chuyển tiền thành công.

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast