Đề nghị phạt nguội người đi xe máy vi phạm giao thông

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đề nghị phạt nguội người đi xe máy giống như người đi ôtô do vi phạm, tai nạn liên quan đến phương tiện này tăng.

Tại hội nghị sơ kết an toàn giao thông ba tháng đầu năm sáng 24/4, Bộ trưởng Thắng đánh giá hoạt động tuần tra, kiểm soát vi phạm theo chuyên đề, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn, xe quá tải, lái xe sử dụng ma túy... của cảnh sát đã góp phần rất lớn trong kéo giảm tai nạn giao thông, được nhân dân ủng hộ.

Lực lượng chức năng đã làm tốt việc phạt nguội người đi ôtô vi phạm. Nhưng người đi xe máy vi phạm rất nhiều, vượt đèn đỏ khá phổ biến mà chưa bị xử lý. Ông Thắng đề nghị tăng cường kiểm soát, phạt nguội đối với người đi xe máy, bởi xe máy vẫn là phương thức đi lại chủ yếu của người dân, chiếm tới 80-90% số phương tiện lưu thông trên đường.

"Nếu chúng ta cải thiện được hành vi của người đi xe máy, chắc chắn sẽ kéo giảm tai nạn giao thông hơn nữa trong thời gian tới", ông Thắng nói.

Người dân trở về Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết 2024. Ảnh: Ngọc Thành
Người dân trở về Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết 2024. Ảnh: Ngọc Thành

Điểm lại một số vụ tai nạn liên quan đến trẻ em tại Biên Hòa, Bình Dương, Bộ trưởng Thắng nói đảm bảo an toàn cho trẻ em là nhiệm vụ quan trọng. Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 31 về đảm bảo tình hình trật tự an toàn giao thông liên quan đến học sinh, các cơ quan được giao nhiệm vụ có trách nhiệm thực hiện tốt nhất.

Do đó cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi giao xe cho trẻ chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, phối hợp với nhà trường để có hình thức xử lý phù hợp với hành vi vi phạm giao thông của học sinh. Phụ huynh phải dành thời gian dạy dỗ con em kiến thức và kỹ năng trước khi giao xe.

Trước đó thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cảnh sát giao thông, cho biết các vụ tai nạn xảy ra trên quốc lộ chiếm 50%, từ 12h đến 18h chiếm 50%, người điều khiển xe gây tai nạn là nam giới độ tuổi 28-55 chiếm 66%. Xét về phương tiện liên quan tai nạn, môtô, xe máy chiếm 41%; xe tải, xe container, ôtô con, xe khách mỗi loại chiếm tỷ lệ từ trên 10 đến 18%.

Ông Trung cũng nêu tình trạng học sinh vi phạm giao thông diễn biến phức tạp, nhất là các em cấp 2, cấp 3 đi học bằng xe máy điện, xe máy, môtô song không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, đánh võng, không chấp hành đèn tín hiệu, sử dụng điện thoại khi lái xe. Nhiều học sinh điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe làm tăng nguy cơ tai nạn.

Ba tháng đầu năm, cả nước xảy ra 6.550 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 2.700 người, bị thương hơn 5.200 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 22% số vụ, giảm 15% số người chết và tăng 54% số người bị thương. 5 tỉnh có số người chết tăng trên 50% trở lên là Hà Giang, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế, Lào Cai, Cà Mau. Cảnh sát giao thông đã xử lý hơn một triệu trường hợp vi phạm, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 22% trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 20% vi phạm quá tốc độ.

vnexpress.net

Đọc thêm

Những đồng tiền tội lỗi

Những đồng tiền tội lỗi

Mờ mắt trước khoản tiền công lớn từ vận chuyển thuê ma túy, bị cáo Xeng và Sisavanh Yongyaerlor (Lào) đã tự khép lại cuộc đời bằng bản án tử hình do TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt.
Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật trong tuần (từ 7/12 - 13/12/2024)

Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật trong tuần (từ 7/12 - 13/12/2024)

Kịp thời ngăn chặn 3 thanh thiếu niên mang hung khí đi giải quyết mâu thuẫn; Xe container bốc cháy dữ dội trong đêm ở Hương Khê; Bắt 2 chị em vận chuyển, mua bán ngoại tệ trị giá hơn 100 tỷ đồng qua biên giới Hà Tĩnh; 12 thanh niên Nghệ An gây náo loạn trên đường khi vào Hà Tĩnh đón bạn ra tù...