Người dân Hà Tĩnh ý thức hơn khi “đã uống rượu bia, không lái xe”

(Baohatinh.vn) - Trước việc CSGT quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn, ý thức người dân Hà Tĩnh trong chấp hành quy định về an toàn giao thông khi điều khiển phương tiện đã được nâng cao rõ rệt.

Người dân Hà Tĩnh ý thức hơn khi “đã uống rượu bia, không lái xe”

Sau khi sử dụng bia rượu, anh Nguyễn Văn An lựa chọn dịch vụ lái xe hộ để trở về nhà an toàn.

Là chủ một doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn Hà Tĩnh, anh Nguyễn Văn An (SN 1979, TP Hà Tĩnh) thường xuyên có những cuộc gặp gỡ, giao lưu với đối tác và sau đó, việc sử dụng bia rượu là điều khó tránh khỏi. Trước đây, mỗi lần phải tiếp khách, anh An đều tự điều khiển ô tô trở về nhà.

Thời gian gần đây, số lần vị giám đốc doanh nghiệp xây dựng phải gặp gỡ với đối tác tăng lên, nhất là vào dịp tết. Tuy nhiên, thay vì phải “chén chú, chén anh” như trước, nay, anh An đã có thể từ chối các cuộc nhậu vì “tí nữa mình còn phải lái xe về”. Trường hợp “hết mình”, sau cuộc nhậu, vị giám đốc gọi taxi hoặc dịch vụ lái xe hộ để về nhà an toàn.

“Thời gian đầu, khi lực lượng CSGT mạnh tay xử lý nồng độ cồn, tôi thấy có phần bất tiện, nhất là khi tiếp khách nhưng lâu dần cũng quen. Bây giờ, mỗi khi đã uống rượu, bia, tôi không dám tự chạy xe nữa mà phải có người chở về, thấy an tâm hẳn” - anh Nguyễn Văn An chia sẻ.

Người dân Hà Tĩnh ý thức hơn khi “đã uống rượu bia, không lái xe”

Thời điểm CSGT mạnh tay xử lý vi phạm nồng độ cồn, taxi là dịch vụ được nhiều người lựa chọn sau khi đã uống bia rượu.

Theo lời anh Nguyễn Văn An, không phải chỉ anh mà các đối tác, khách hàng cũng không sử dụng bia, rượu nếu phải lái xe. Khi các cuộc nhậu thưa dần, đầu óc tỉnh táo, anh có thời gian làm việc nhiều hơn, năng suất lao động vì thế cũng tăng lên.

Cũng lựa chọn dịch vụ taxi di chuyển sau mỗi lần đã sử dụng bia rượu, anh Trần Văn Hiệp (SN 1987, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà) cho rằng: "Khi đã có cồn trong người thì khó có thể đảm bảo được các hành vi của mình. Việc lái xe khi đã uống bia, rượu không chỉ nguy hiểm cho bản thân mình mà còn cho cả những người tham gia giao thông khác. Tôi ủng hộ việc lực lượng chức năng tiếp tục duy trì xử lý nghiêm các vi phạm về nồng độ cồn khi giao thông".

Người dân Hà Tĩnh ý thức hơn khi “đã uống rượu bia, không lái xe”

Lực lượng CSGT Công an Hà Tĩnh kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông.

Thời gian qua, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT), lực lượng Công an Hà Tĩnh, trong đó chủ chốt là CSGT 2 cấp, đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện, thiết bị triển khai chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện – một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh.

Theo thông tin từ Ban ATGT, trong 2 tháng năm 2024 (tính từ ngày 15/12/2023 tới 14/2/2024), lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản xử lý hơn 11.000 trường hợp vi phạm ATGT, trong đó hơn 2.800 trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn.

Người dân Hà Tĩnh ý thức hơn khi “đã uống rượu bia, không lái xe”

Ý thức chấp hành pháp luật về ATGT, nhất là về nồng độ cồn, của người điều khiển phương tiện giao thông đã được nâng cao.

Với sự vào cuộc quyết liệt, xử lý vi phạm nồng độ cồn “Không vùng cấm, không ngoại lệ, không ngày nghỉ”, số lượng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, đặc biệt là người điều khiển ô tô, đã giảm rất nhiều.

Không khó để nhận ra, hiện nay, câu chuyện về “xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn” đã đi vào bữa cơm của các gia đình. Người thân, bạn bè, đồng nghiệp, luôn nhắc nhở nhau “đã uống rượu bia, không lái xe”.

“Hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người dân, nhất là về nồng độ cồn, đã có nhiều chuyển biến tích cực. Có ngày, đơn vị kiểm tra hàng trăm trường hợp nhưng chỉ ghi nhận một số trường hợp vi phạm và người vi phạm phần lớn là xe mô tô, còn người đi ô tô hiện rất ít khi vi phạm”, Đại úy Hoàng Tùng Lâm - Đội trưởng Đội CSGT - TT Công an huyện Can Lộc thông tin.

Người dân Hà Tĩnh ý thức hơn khi “đã uống rượu bia, không lái xe”

Thời điểm này, người điều khiển ô tô, xe tải chấp hành khá tốt quy định về ATGT.

Theo Thiếu tá Nguyễn Thành Chung - Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an huyện Đức Thọ, chế tài xử phạt vi phạm nồng độ cồn khá nặng (người đi ô tô vi phạm có thể bị phạt tới 40 triệu đồng, đi mô tô bị phạt tới 8 triệu đồng, đồng thời tước giấy phép lái xe từ 22 tới 24 tháng) và cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nếu vi phạm sẽ bị thông báo đến nơi làm việc để có hình thức xử lý theo quy định.

Cùng với đó, lực lượng CSGT thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên tất cả các cung đường, thậm chí ở tuyến đường liên thôn, liên xã và cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ý thức người tham gia giao thông đã tăng lên đáng kể.

Người dân Hà Tĩnh ý thức hơn khi “đã uống rượu bia, không lái xe”

Lực lượng CSGT Công an Hà Tĩnh sẽ xử lý vi phạm nồng độ cồn xuyên suốt năm 2024.

Có thể khẳng định, hiện nay, việc can thiệp trong xử lý vi phạm nồng độ cồn đã gần như không còn tác dụng. Điều này đã được thể hiện qua Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 4/8/2022 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó có nội dung yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương không can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm về trật tự ATGT của các lực lượng chức năng.

Đại tá Đặng Hoài Sơn – Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Chuyên đề xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong năm 2024 của lực lượng CSGT Công an Hà Tĩnh cùng các đơn vị có liên quan với mong muốn hình thành thói quen cho người dân “đã uống rượu bia, không lái xe”, vì an toàn của mọi người, mọi nhà, góp phần kiềm chế, kéo giảm bền vững TNGT.

Ngoài ra, việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn còn giúp hạn chế xảy ra các vụ việc cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, góp phần cho xã hội bình yên hơn.

Chủ đề Tai nạn giao thông

Chủ đề An toàn giao thông

Đọc thêm

Đồng tình mức phạt mới, người dân mong "đèn đỏ" đừng làm khó người đi đường

Đồng tình mức phạt mới, người dân mong "đèn đỏ" đừng làm khó người đi đường

Từ 1/1/2025, mức phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ) theo quy định của Nghị định 168/2024/NĐ-CP sẽ tăng lên gấp từ 3-6 lần so với trước. Đồng tình với mức phạt mới, người dân Hà Tĩnh cũng mong hệ thống đèn đỏ phải chuẩn chỉnh để họ không bị bất ngờ, lỡ nhịp khi tham gia giao thông.
Công an Hà Tĩnh khuyến cáo cháy liên quan đến xe điện

Công an Hà Tĩnh khuyến cáo cháy liên quan đến xe điện

Trước thực trạng các vụ cháy, nổ liên quan đến thiết bị điện, xe điện có xu hướng diễn ra phức tạp, đặc biệt là tại các hộ gia đình, khu chung cư, nơi tập trung đông dân, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã có những khuyến cáo PCCC về phương tiện sử dụng pin Li-ion (xe điện).
Đến hẹn... lại lo với “xe dù, bến cóc”!

Đến hẹn... lại lo với “xe dù, bến cóc”!

Cận tết, tình trạng xe đường dài Bắc - Nam đón, trả khách trên tuyến quốc lộ 1 và tuyến tránh TP Hà Tĩnh diễn ra thường xuyên, gây mất trật tự, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Dự án chợ Bộng huyện Vũ Quang: Dở dang đến bao giờ?

Dự án chợ Bộng huyện Vũ Quang: Dở dang đến bao giờ?

Vụ việc đã rõ, được TAND cấp cao phán quyết, nhưng những tồn đọng trong GPMB dự án xây dựng chợ Bộng (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đến nay vẫn chưa có hồi kết, ảnh hưởng đến hoạt động của nhà đầu tư cũng như tình hình giao thương của người dân.
Đột nhập nhà dân trộm xe máy

Đột nhập nhà dân trộm xe máy

Cơ quan CSĐT Công an huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Phạm Anh Tuấn (xã Hương Minh) về hành vi “Trộm cắp tài sản”.