Ông Phạm Hữu Tình – Trưởng phòng Khoáng sản Sở TN&MT Hà Tĩnh cho hay: UBND tỉnh vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 doanh nghiệp do có vi phạm trong quá trình khai thác khoáng sản.
Theo đó, trong quá trình khai thác đá xây dựng tại mỏ đá Khe Su (phường Kỳ Phương, TX Kỳ Anh), Công ty Cổ phần HV 568 đã chiếm 2.785,4 m2 đất rừng sản xuất do BQL rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh quản lý, để sử dụng cho hoạt động khoáng sản.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn khai thác khoáng sản đá có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp vượt quá 10% chiều cao tầng so với thiết kế.
Với 2 lỗi vi phạm nêu trên, Công ty Cổ phần HV 568 bị phạt hành chính tổng số tiền 240 triệu đồng. Đồng thời, buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (39,394 triệu đồng) và phải khai thác đúng thông số của hệ thống khai thác về chiều cao tầng đã xác định trong thiết kế mỏ đã được phê duyệt.
Như vậy, tổng tiền phạt hành chính và số thu lợi bất hợp pháp mà Công ty Cổ phần HV 568 phải nộp là 279,394 triệu đồng.
Cũng theo Trưởng phòng Khoáng sản Phạm Hữu Tình, ngoài Công ty Cổ phần HV 568, có 4 doanh nghiệp khác (Công ty TNHH Vật liệu xây dựng 6879, Công ty Cổ phần CONECO Miền Trung, Công ty Cổ phần Kim loại màu Nghệ Tĩnh, Công ty Cổ phần Khai thác đá Hưng Thịnh) cũng bị UBND tỉnh xử phạt do có sai phạm trong quá trình khai thác khoáng sản.
Cụ thể, Công ty TNHH Vật liệu xây dựng 6879 bị phạt 140 triệu đồng do không nộp hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ đá xây dựng khu vực Rú Con, phường Kỳ Liên, TX Kỳ Anh cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định khi giấy phép khai thác đã hết hiệu lực từ 6 tháng trở lên.
Cùng về lỗi vi phạm quá từ 90 ngày trở lên so với thời gian thực hiện đề án đóng cửa mỏ đá xây dựng tại phường Kỳ Phương, TX Kỳ Anh và mỏ đá xây dựng tại khe Đá Bạc, phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh nhưng không báo cáo kết quả thực hiện về Sở TN&MT theo quy định, Công ty Cổ phần CONECO Miền Trung, Công ty Cổ phần Kim loại màu Nghệ Tĩnh, Công ty Cổ phần Khai thác đá Hưng Thịnh bị phạt mỗi đơn vị 100 triệu đồng (tổng 300 triệu đồng).
Bên cạnh tiền nộp phạt, các doanh nghiệp này còn buộc thực hiện đầy đủ các giải pháp đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn, phục hồi môi trường, đất đai theo đề án đóng cửa mỏ đã UBND tỉnh phê duyệt.