“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Mùa nắng nóng tại Hà Tĩnh chuẩn bị bước vào giai đoạn cao điểm, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng ở Hà Tĩnh

Vụ hỏa hoạn xảy ra vào rạng sáng 20/4 tại Trung tâm thương mại thị trấn Tây Sơn (huyện Hương Sơn).

Khoảng 2h sáng 20/4, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) nhận thông tin về vụ hỏa hoạn xảy ra tại Trung tâm thương mại thị trấn Tây Sơn (huyện Hương Sơn) khiến 6 ki-ốt của các hộ kinh doanh bị thiệt hại. Ngay sau khi phát hiện vụ cháy, người dân cùng lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời ứng cứu.

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng ở Hà Tĩnh

Vụ cháy xảy ra tại cửa hàng kinh doanh quần áo Linh Phong Kids (đường Lê Đại Hành, phường Hưng Trí, TX Kỳ Anh) vào tháng 2/2023.

Trước đó, vào lúc 1h22’ ngày 17/2/2023, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH nhận tin báo cháy tại cửa hàng kinh doanh quần áo Linh Phong Kids (đường Lê Đại Hành, phường Hưng Trí, TX Kỳ Anh). Ngay sau khi nhận tin báo, đơn vị đã khẩn trương điều động 2 xe chữa cháy, 1 máy bơm chữa cháy cùng 20 cán bộ chiến sỹ đến hiện trường để triển khai nhiệm vụ.

Chỉ sau một thời gian ngắn, với sự nỗ lực của các cán bộ, chiến sỹ cùng người dân, 4 người mắc kẹt đã ra ngoài an toàn; đám cháy được khống chế và dập tắt. Vụ cháy không có thiệt hại về người, nhưng gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 20 triệu đồng. Nguyên nhân vụ cháy được lực lượng chức năng xác định là do chập điện.

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng ở Hà Tĩnh

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) tổ chức huấn luyện nghiệp vụ theo định kỳ cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ địa bàn.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra xảy ra 33 vụ cháy, thiệt hại về tài sản khoảng 450 triệu đồng, hơn gấp 5 so với cùng kỳ năm 2022 (6 vụ cháy, thiệt hại 235 triệu đồng). Trong đó, 1 vụ cháy cơ quan, doanh nghiệp; 9 vụ cháy thiết bị điện trên cột; 8 vụ cháy nhà ở hộ gia đình; 1 vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; 5 vụ cơ sở kinh doanh, buôn bán, ăn uống...

Lực lượng chức năng đã làm rõ nguyên nhân 32/33 vụ (đạt tỷ lệ 97%), trong đó chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện (24 vụ); do sơ suất trong sử dụng nguồn nhiệt (5 vụ).

TP Hà Tĩnh là địa bàn xảy ra nhiều vụ cháy nhất trên toàn tỉnh (8 vụ), tiếp đến là TX Kỳ Anh (5 vụ), TX Hồng Lĩnh (3 vụ), huyện Lộc Hà (3 vụ)...

Theo Trung tá Đậu Đình Hòa - Đội trưởng Đội CC&CNCH khu vực Hồng Lĩnh (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH), mùa nắng nóng là thời điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn nhất trong năm. Nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân tăng cao, đặc biệt với các thiết bị công suất lớn, tiêu thụ điện cao như: quạt máy, điều hòa... Nhiều thiết bị, dây dẫn điện kém chất lượng, cùng sự bất cẩn trong quá trình sử dụng có thể dẫn đến các sự cố quá tải, chập điện, phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt gây ra cháy, nổ. Do đó, việc chủ động các phương án phòng ngừa là nhiệm vụ vô cùng bức thiết.

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng ở Hà Tĩnh

Thiết bị, phương tiện PCCC&CNCH được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên.

Để phòng ngừa cháy nổ, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra. Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tổ chức hướng dẫn, kiểm tra 1.030 cơ sở; vận động 86.503 hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC; hướng dẫn, xây dựng mới 89 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 132 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”; tổ chức 654 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH với tổng số hơn 111.000 người tham gia...

Đặc biệt, công tác diễn tập PCCC được Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Vừa qua, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH phối hợp với Công ty cổ phần Golf Xuân Thành tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Khách sạn Mường Thanh Luxury Xuân Thành (Nghi Xuân). Đây là hoạt động hết sức cần thiết bởi vào những tháng cao điểm nắng nóng, nhất là dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tại các khu du lịch biển thường xuyên tập trung đông người; các cơ sở lưu trú, nhà hàng bảo quản, sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu vật tư lớn, hầu hết dễ bắt cháy.

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng ở Hà Tĩnh

Diễn tập phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Khách sạn Mường Thành Luxury Xuân Thành.

Thượng tá Nguyễn Văn Lộc - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết: “Đơn vị duy trì công tác thường trực sẵn sàng CC&CNCH 24/24h; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng lực lượng, phương tiện, thiết bị; tổ chức triển khai các phương án, kế hoạch CC&CNCH kịp thời, hiệu quả...

Nhiều biện pháp tuyên truyền, kiểm tra khắc phục thiếu sót của lực lượng chức năng nhằm mục đích lớn nhất là khắc phục tâm lý chủ quan, nâng cao ý thức tự giác, chủ động phòng ngừa trong công tác PCCC đối với mỗi người, hộ gia đình, khu dân cư. Người dân cần xác định rõ quan điểm “phòng hỏa hơn cứu hỏa” và sẵn sàng phương án thoát nạn trong tình huống khẩn cấp”.

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo:

Các hộ gia đình chủ động tìm hiểu để có kiến thức và kỹ năng cơ bản về PCCC; đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong hộ gia đình thực hiện quy định của pháp luật về PCCC và nắm vững kiến thức cơ bản về PCCC, thoát nạn, cứu người trong đám cháy, sơ cứu ban đầu.

Đối với nhà ở gia đình, nhà dạng ống, nhà liên kề, chia lô, không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại các ban công của nhà; tầng sân thượng, mái cần bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới.

Đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chứa hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ nên bố trí tách biệt với nơi ở, sinh hoạt; sắp xếp vật dụng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt; không sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện chung một ổ cắm; tắt các thiết bị điện khi không cần thiết hoặc khi ra khỏi nhà.

Mỗi hộ gia đình nên trang bị một số phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy xách tay, phương tiện cứu nạn, cứu hộ; hệ thống hoặc thiết bị báo cháy cục bộ, hệ thống chữa cháy bằng nước... phù hợp với quy mô tính chất, đặc điểm.

Đối với các trường hợp nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh, phải trang bị phương tiện PCCC, CNCH theo quy định của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.

Chủ đề Cháy nổ - PCCC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast