Ảnh chụp tia laser vũ trụ cách xa 1.250 năm ánh sáng

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) công bố hình ảnh cập nhật về vật thể HH34, chụp bởi kính viễn vọng không gian Hubble.

Nằm cách Trái Đất khoảng 1.250 năm ánh sáng trong đám mây phân tử Orion A, vật thể HH34 là một chùm tia phản lực lưỡng cực bắn ra từ một ngôi sao trẻ đang trong giai đoạn hình thành đầu tiên với vận tốc siêu âm.

“Khi luồng phản lực va chạm với môi trường tĩnh xung quanh ngôi sao, cú sốc làm nóng vật chất đến mức độ ion hóa, khiến nó phát xạ. Kết quả là tạo ra một cấu trúc giống như tia laser mà các nhà thiên văn học gọi chung là vật thể Herbig-Haro (HH)”, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) mô tả.

Ảnh chụp tia laser vũ trụ cách xa 1.250 năm ánh sáng

Luồng phản lực HH34 phát ra từ một ngôi sao trẻ mới hình thành. Ảnh: ESA/NASA

Trong hình ảnh được công bố hôm 7/3, HH34 hiện lên nổi bật với màu hồng rực rỡ cùng ngôi sao trẻ sáng chói của nó ở góc trên bên trái. Độ phân giải đáng kinh ngạc của quan sát này là kết quả từ một tập hợp dữ liệu thu thập bởi camera trường rộng 3 trên kính viễn vọng không gian Hubble.

Hubble đã nhiều lần chụp được HH34 vào các năm 1994, 2007 và 2015. Hình ảnh mới nhất với độ phân giải cao sẽ hữu ích cho các khám phá tiềm năng trong tương lai của kính viễn vọng không gian James Webb - thiết bị kế nhiệm của Hubbe mới được phóng lên gần đây.

“Với khả năng quan sát bước sóng hồng ngoại, Webb có thể nhìn xuyên qua các lớp mây bụi dày đặc bao quanh tiền sao, tạo ra một cuộc cách mạng trong việc nghiên cứu những luồng tia phản lực xung quanh sao trẻ”, các quan chức ESA cho biết.

Được phóng lên ngày 24/4/1990 bởi tàu con thoi STS-31, kính viễn vọng Hublle đã hoạt động trong vũ trụ hơn ba thập kỷ, vượt xa tuổi thọ dự kiến là 15 năm. NASA đã lên kế hoạch cho công cụ thiên văn biểu tượng này “nghỉ hưu” sau khi James Webb đi vào hoạt động.

Theo Đoàn Dương/VNE

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.