Anh hùng La Văn Cầu và ký ức chiến trận

(Baohatinh.vn) - Trận đánh Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới 1950 đã đi vào lịch sử cùng tên tuổi người Anh hùng La Văn Cầu. Trong những ngày mùa thu tháng 9, tôi đã được nghe ông kể lại ký ức hào hùng một thuở.

Anh hùng La Văn Cầu và ký ức chiến trận

Anh hùng La Văn Cầu và vợ thời trẻ. Ảnh Internet

Một ngày mùa thu Hà Nội, tôi đến thăm Anh hùng La Văn Cầu trong căn nhà nhỏ tại một ngõ hẻm ở khu phố Tây Sơn. Ở tuổi 90, nụ cười của người anh hùng vẫn trẻ trung, đôn hậu như trong ký họa chân dung mà tôi đã được học trên trang sách Tập đọc lớp 1 thời thơ ấu.

Anh hùng La Văn Cầu (SN 1932) tên thật là Sầm Phúc Hưởng, người dân tộc Tày. La Văn Cầu sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó ở xã Phong Nậm, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Năm 1948, La Văn Cầu gia nhập vào Đại đội 671 - một đơn vị địa phương Cao Bằng của quân đội Việt Minh (khi đó gọi là Quân đội Quốc gia Việt Nam, từ năm 1950 gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam).

Được quân đội giáo dục, rèn luyện, người thanh niên dân tộc Tày sớm trở thành anh bộ đội Cụ Hồ “xung kích mọi mặt, gương mẫu mọi nơi”. Hằng ngày, không có nhiệm vụ nào thủ trưởng Đại đội 671 giao phó mà ông không hoàn thành xuất sắc. Năm 1950, La Văn Cầu vinh dự được kết nạp vào Đảng. Kể từ khi đứng dưới cờ Đảng với lời hứa sắt son, La Văn Cầu càng nuôi dưỡng niềm tin tuyệt đối vào cách mạng.

Nhiều người có thể chưa biết, ngoài trận đánh Đông Khê (thuộc Chiến dịch Biên giới năm 1950) oanh liệt, ông từng tham gia 28 trận đánh đầy khốc liệt nữa. Trận đánh đầu tiên mà ông cho mình vừa gan dạ, vừa mưu trí là trận phục kích trên đèo Bông Lau - Lũng Phầy ở Cao Bằng năm 1949. Khi thấy một chiếc xe tăng của Pháp đang nghếch nòng súng, nghễu nghện bò qua đèo, trên tháp pháo của chiếc xe tăng có một lính Pháp tay lăm lăm súng, nhanh như cắt, từ điểm phục kích, La Văn Cầu đã bắn gục tên lính này, rồi nhảy phốc lên xe tăng, xả súng diệt gọn 10 tên khác.

Anh hùng La Văn Cầu và ký ức chiến trận

Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu thăm các lô cốt Pháp tại Khu Di tích Chiến thắng Đông Khê. Ảnh: Thu Hằng/TTXVN

Khi anh bạn đồng nghiệp của tôi ngỏ ý: “Anh có thể kể lại cho bọn em nghe về trận đánh Đông Khê được không?”, gương mặt anh hùng La Văn Cầu rạng rỡ hẳn lên, giọng ông hào sảng hơn:

- Theo kế hoạch của cấp trên đã vạch ra, bằng bất cứ giá nào quân ta cũng phải chiếm cho được cứ điểm Đông Khê, bởi cứ điểm này là yết hầu quan trọng nhất mở màn cho Chiến dịch Biên giới năm 1950. Nếu trận đánh Đông Khê giành được thắng lợi thì mới mở được đường thọc sâu vào sào huyệt quân thù, quân ta tiếp tục tiến lên tiêu diệt các cứ điểm khác. Trận đánh Đông Khê diễn ra vào sáng 16 và kết thúc vào chiều 18/9/1950.

Theo lời ông kể, chiến sự xảy ra cực kỳ ác liệt, bởi ta và địch không tương quan về lực lượng và khí giới, do vậy, chiến thuật quân sự “đánh úp” tạo ra được tình huống bí mật và bất ngờ làm cho quân địch không kịp trở tay. Trận đánh này, Trung đoàn 174 được giao nhiệm vụ phá lô cốt mở hàng rào cho quân ta tiến lên chiếm lĩnh cứ điểm. Trong số những chiến sĩ xung kích ôm bộc phá để xé tan hàng rào dây thép gai và phá vỡ lô cốt địch có La Văn Cầu.

Anh hùng La Văn Cầu và ký ức chiến trận

Anh hùng La Văn Cầu và mẹ tại Sân bay Gia Lâm - Hà Nội trong lần được về gặp Bác Hồ đầu năm 1955. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Khi trung đội bộc phá của ông vừa mới tiến vào sào huyệt ném bộc phá phá hàng rào và lô cốt thứ nhất đã gặp ngay sự phản kích của địch. Đạn pháo của địch từ trong lô cốt bắn ra như mưa, khói lửa bốc lên mù mịt. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ quần nhau với giặc, trung đội bộc phá của ông đã hy sinh gần một nửa nhưng số chiến sĩ còn lại tinh thần tiến công lại hăng hái và dũng cảm hơn bao giờ hết.

Lúc này, La Văn Cầu đã vượt qua hệ thống giao thông hào an toàn, khi ông vừa trườn mình đến hàng rào thứ 3, bỗng nghe một tiếng nổ xé trời bên tai. Thế là ông ngất đi bên miệng chiến hào, khoảng 10 phút sau tỉnh lại thấy cánh tay phải của mình máu chảy đầm đìa, ướt nhòe cả bàn chân. Quả bộc phá ông ôm trong người vẫn còn nguyên vẹn. Ba chiến sĩ tham gia chiến đấu cùng ông, khi biết ông bị thương đang tìm cách đưa ra tuyến sau. Nhưng ông nhất quyết không chịu mà nói với các chiến sĩ rằng, nhờ các cậu lấy dao chặt nhanh cho mình đi, xương nó gãy nát rồi để thế này vướng lắm. Còn một tay nữa mình vẫn ôm được bộc phá mà.

Nghe lời nói đanh thép đó, đồng đội đành phải chiều theo, cắt lìa cánh tay phải và băng bó tạm cho ông. Chính giây phút này đã làm nên một La Văn Cầu anh hùng, một La Văn Cầu huyền thoại, một La Văn Cầu sống mãi với trang sử vàng dân tộc. La Văn Cầu đã giật tung quả bộc phá, phá được hàng rào và lô cốt quan trọng để tất cả đồng đội xông thẳng vào cứ điểm Đông Khê, giành được chiến công huy hoàng đầu tiên trong Chiến dịch Biên giới năm 1950.

- Chiến dịch Biên giới năm 1950 có một dấu mốc lịch sử quan trọng là chiến dịch mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo, động viên quân và dân chiến đấu. Hồi ấy, anh có được vinh dự gặp Bác Hồ không? - tôi hỏi!

Nhắc đến chuyện gặp Bác Hồ, anh hùng La Văn Cầu xúc động chỉ lên một bức ảnh Bác được phóng to đang cầm ống nhòm, phía dưới là 4 câu thơ của Người: "Chống gậy lên non xem trận địa/ Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây/ Quân ta thế mạnh nuốt ngưu đẩu/ Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy".

Anh hùng La Văn Cầu và ký ức chiến trận

Anh Hùng La Văn Cầu tại nhà riêng. Ảnh TTX Việt Nam

Rồi mắt ông đỏ hoe nhìn lên tấm ảnh Bác Hồ nói trong niềm tự hào: “Đời tôi đã 7 lần được gặp Bác Hồ, nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất là dịp tổng kết Chiến dịch Biên giới thu đông năm 1951 tại căn cứ địa cách mạng Việt Bắc. Sau buổi chiều hôm đó, tôi được Bác mời cùng ăn cơm, bữa cơm đó có cả đồng chí Trường Chinh cùng dự. Tâm trạng tôi lúc ấy mừng vui xen lẫn rụt rè. Bác ngồi bên cạnh gắp thức ăn bỏ vào bát cho tôi và khen: Cháu dũng cảm và mưu trí lắm, cách mạng thành công cần phải có những người lính như cháu. Bác mong cháu tiếp tục rèn luyện và trau dồi đạo đức cách mạng để tiến bộ hơn nữa.

Anh hùng La Văn Cầu đã khắc sâu tâm khảm lời khuyên của Bác Hồ và sau này ở bất cứ môi trường nào, ông vẫn là người lính tiên phong, một đảng viên hết sức mẫu mực. Ông là một trong 7 người đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần I năm 1952. Cùng năm đó, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Thi đua ái quốc. Ông là trường hợp hiếm hoi ở Việt Nam lẫn thế giới khi được đặt tên cho trường học và đường phố ở Việt Nam ngay khi còn sống.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.