Người lính già Nguyễn Văn Viu chia sẻ những dòng ký ức tự hào về Điện Biên
Tiếp chúng tôi tại căn nhà nhỏ nằm sâu trong thôn Hải Vân, xã Kỳ Hải, người cựu binh già bắt đầu với nụ cười nồng hậu. Nhưng khi nhắc nhớ về những ký ức Điện Biên, về những hy sinh, mất mát năm xưa, ánh mắt ông không khỏi rưng rưng. Ông trầm ngâm kể về những trận đánh “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non…”.
Năm 1952, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Viu viết đơn xung phong nhập ngũ. Vào quân ngũ, ông được biên chế về Đại đội 3, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 (còn gọi là Đại đoàn Quân tiên phong, trực thuộc Quân đoàn 1) tham gia đánh trận then chốt ở cứ điểm đồi Him Lam, đồi Độc Lập…, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu.
Người cựu binh luôn lưu giữ kỷ niệm những ngày tháng chiến đấu ở lòng chảo Điện Biên...
Ông Viu nhớ lại: “Cuối năm 1953, Pháp đưa quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Lúc này, Điện Biên Phủ trở thành nơi tập trung lớn lực lượng của địch. Thực hiện mệnh lệnh của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, các đơn vị bộ đội vừa tích cực làm đường đưa pháo vào trận địa, vừa đào công sự, chiến hào bao quanh Điện Biên Phủ”.
“Đại đội chúng tôi được phân công nhiệm vụ vận tải, cứu thương cho chiến dịch mở màn sắp tới. Trước chiến dịch, ngày cũng như đêm, không lúc nào ngơi nghỉ, sáng vào rừng chặt gỗ lót đường cho xe chạy, đêm đến cùng anh em chuẩn bị vận chuyển lương thực, kéo pháo. Vì sợ máy bay địch phát hiện, mọi hoạt động đều diễn ra trong đêm, người dẫn đầu đoàn kéo pháo sẽ mặc một chiếc áo màu trắng để làm hoa tiêu. Trên đầu đạn pháo của địch bắn rát mặt, cứ tầm 10-15 phút, chúng lại bắn một đợt đạn cối".
Với ông, đó là ký ức hào hùng của từng trận đánh, hồi ức về những mất mát, hy sinh của đồng chí, đồng đội đã ngã xuống.
Xác định Him Lam là “cửa ngõ” đi vào tập đoàn cứ điểm của Pháp ở Điện Biên Phủ (địch đã bố trí ở đây Tiểu đoàn Lê Dương - tiểu đoàn mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương bấy giờ và rất nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại với hệ thống công sự vững chắc), do vậy, chỉ huy Sư đoàn 308 đã giao nhiệm vụ cho từng tiểu đoàn và nêu quyết tâm bằng mọi giá phải đánh thắng.
12h trưa ngày 13/3/1954, Pháp đưa xe tăng, bộ binh ra phá chiến hào của ta. Được lệnh, các mũi tấn công của ta đồng loạt xung phong, nã súng cấp tập vào các cứ điểm của địch. Địch bị bất ngờ, hoang mang, gần như tê liệt hoàn toàn, ta dùng pháo binh, súng cối bắn chặn buộc chúng rút chạy.
2 giờ sáng ngày 14/3, quân ta làm chủ hoàn toàn cụm cứ điểm Him Lam, bắt sống khoảng 200 tên địch, làm bị thương và tiêu diệt gần 300 tên”.
“Dù không giữ chức vụ gì trong quá trình chiến đấu, nhưng tôi luôn tự hào mình là chiến sĩ Điện Biên. May mắn hơn các đồng đội, tôi còn sống sót để trở về quê hương, được sống giữa hòa bình. Chính vì vậy, bản thân luôn tâm niệm phải sống cho xứng đáng với những hy sinh của đồng chí, đồng đội...”- ông Viu xúc động nói
Kể đến đây, nét mặt người lính già trở nên nghiêm nghị hơn, giọng trầm xuống, sau vài phút im lặng, ông Viu kể: “Đánh thắng trận Him Lam, Trung đoàn 88 của tôi nhận nhiệm vụ tiếp tục tấn công đồi Độc Lập. Đây là trận đánh lịch sử và cũng là trận đánh có nhiều mất mát nhất. Tôi còn nhớ như in, hôm đó có một tiểu đội đang đào thêm hầm công sự gần với căn cứ của địch, thì bị trúng đạn pháo. Đại đội chúng tôi hôm đó có 12 anh em nhận lệnh đi đưa các chiến sỹ bị thương trở về tuyến sau, lúc đang men theo hào đi ra được nửa đường thì bị trúng loạt đạn pháo của địch, 12 người đi chỉ còn 4 người sống sót trở về, đau xót vô cùng…”.
Suốt 56 ngày đêm trong “mưa bom, lửa đạn”, những trận đánh liên tiếp giành giật từng lô cốt, từng mét hào, càng tô đậm ký ức bi hùng của những người lính Điện Biên như ông Viu.
“Dù không giữ chức vụ gì trong quá trình chiến đấu, nhưng tôi luôn tự hào mình là chiến sĩ Điện Biên. May mắn hơn các đồng đội, tôi còn sống sót để trở về quê hương, được sống giữa hòa bình. Chính vì vậy, bản thân luôn tâm niệm phải sống cho xứng đáng với những hy sinh của đồng chí, đồng đội...” - ông Viu xúc động nói.
Ông Viu lưu giữ cẩn thận Huy chương Chiến thắng hạng hai được tặng thưởng năm 1958
Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, đến năm 1959, ông được xuất ngũ trở về quê hương, lập gia đình và tham gia sản xuất, chiến đấu tại địa phương.
Với nhiều thành tích xuất sắc, tháng 1/1958, ông Viu được Chính phủ tặng thưởng Huy chương Chiến thắng hạng Nhì và ngày 6/11/1984, được tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Nhì cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.