Áo ấm ngày đông

(Baohatinh.vn) - Mùa đông đã về. Cái lạnh bắt đầu thẩm thấu qua từng bờ môi khô, nứt nẻ của cô bé hàng xóm, thấm qua những cánh hoa trong vườn...

Đông về, tôi lại nhớ cây trứng cá đầu ngõ đã bắt đầu thay lá, nhớ từng cái bánh chuối chiên vàng ruộm đầu làng, trẻ con xúm xít ngó nghiêng cô bán bánh, nhớ nồi cơm độn khoai sắn của mẹ và những món ăn đồng nội, đĩa rau muống xào. Để cảm nhận được cái lạnh, đôi lúc chúng tôi há hốc, tròn xoe cái miệng, thi nhau thở ra khói.

Mùa đông về, nhớ mẹ rét tái tê trong chiếc áo khoác mỏng manh. Mẹ hay đi sớm, về trưa, vất vả với công việc đồng áng. Những cơn rét co ro, nỗi nhọc nhằn của mẹ đổi lại cho chúng tôi khi thì cái bánh tráng, khi thì lá bánh xèo hay gói chè nóng hổi. Và hơn tất cả là cuộc sống đầm ấm của cả gia đình.

Minh họa của Huy Tùng

Nhưng có lẽ, điều làm tôi nhớ nhất là chiếc áo phao ấm mà mẹ mua cho tôi vào cái năm rét cắt da, cắt thịt. Năm đó, tôi ra trường, lên nhận công tác ở một huyện miền núi xa lắc. Nhà không có tiền nên mẹ bán lứa lợn múp míp trong chuồng mua cho tôi chiếc áo đó. Mẹ bảo áo ấm lắm, mặc vào sẽ tránh được những cơn gió lạnh vùng sơn cước, tránh được loài vắt chuyên hút máu người. Mẹ tôi cũng giống như những bà mẹ quê nghèo, hiền lành, thương con và luôn trung thành với quan niệm “ăn chắc, mặc bền”.

Chiếc áo mẹ mua màu vàng, không có hoa văn, hình vẽ nào đáng yêu cả, lại còn cồng kềnh, thô kệch, có những vết được gấp lại như hình lòng lợn, làm tôi có phần ngán ngẩm. Tôi vốn thấp bé nên khi mặc vào, đàn em nhìn tôi cười và gọi đó là áo “lòng lợn”. Thế nhưng, với cái gió rét của núi rừng đại ngàn, chiếc áo đã che chở cho tôi qua biết bao mùa đông. Nhìn những đứa trẻ miền sơn cước co ro trong cái lạnh thấu xương, tôi thấy mình thật may mắn khi có người mẹ chu đáo đến vậy.

Mùa đông lại về! Trong tủ quần áo của tôi giờ không thiếu những chiếc áo thời trang đẹp, phù hợp với phong cách hiện đại. Nhưng chiếc áo “lòng lợn” ấy vẫn mãi là kỷ niệm, là món quà vô giá đối với tôi. Tôi thấy nhớ mẹ, nhớ chiếc áo đã một thời cùng tôi rong ruổi qua các bản làng miền núi để mang con chữ đến với con em vùng dân tộc. Lâu lâu, theo thói quen, tôi vẫn lấy chiếc áo mẹ tặng để dạo phố và nhớ về những ngày xưa yêu dấu...

(Điện Bàn, Quảng Nam)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói