Hướng tới kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh 15/6 (1957-2017)
Ông Nguyễn Ngọc Châu sinh năm 1936, quê ở xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu (Nghệ An), năm 1953 nhập ngũ và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1954, chiến dịch thắng lợi, ông là một trong 600 chiến sỹ được chọn làm nhiệm vụ bảo vệ Đảng và Bác Hồ, về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Bác Hồ nói chuyện tại hội nghị cán bộ nhân dịp Người về thăm Hà Tĩnh (15/6/1957). Ảnh tư liệu
Ông Châu nhớ lại: Tháng 10/1954, sau khi có quyết định thành lập trung đoàn bảo vệ Đảng và Bác Hồ về tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ đã gặp gỡ và nói chuyện với trung đoàn. Bác gọi tên là Trung đoàn 600 (vì có 600 chiến sỹ). Bác căn dặn: “Bác cháu ta từng gian khổ trong kháng chiến đã quen, nay về Hà Nội, địch chiếm đóng lâu năm, đầy rẫy cảnh sống xa hoa, trụy lạc, dễ nảy sinh tư tưởng thèm muốn, hưởng thụ. Vì vậy, Bác dặn các chú phải vững vàng, đừng sa ngã trước “viên đạn bọc đường”…
Lúc về Hà Nội, Bác chưa về thẳng Phủ Chủ tịch mà vào ở nhà thương Đồn Thủy (Bệnh viện 108 bấy giờ). Bác chọn một phòng cấp 4 của công nhân làm phòng ở. Sau đó, Bác về Phủ Chủ tịch. Tại đây, Bác cũng chọn cho mình một phòng ở vô cùng đơn sơ, đó là ngôi nhà cấp 4 của một công nhân quét rác. Năm 1958, Chính phủ làm cho Bác ngôi nhà sàn, cũng rất đơn sơ. Bác chỉ ở đây vào mùa hè, còn mùa đông Bác vẫn ở trong ngôi nhà cấp 4 ấy.
Đã 81 tuổi nhưng ông Châu còn nhớ từng chi tiết về những kỷ niệm với Bác với niềm kính yêu vô hạn
Lối sống của Bác thể hiện trong cuộc sống thường ngày cũng giống như chính tình cảm của Bác đối với mọi người: Giản đơn, không khoảng cách, thương người cần lao. Bác luôn thể hiện sự quan tâm, thương yêu và tôn trọng mọi người. Kể cả những anh lính cảnh vệ, những người được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác, Bác luôn dành sự trân trọng. Mỗi lần đi đâu về, từ xa, Bác đã vén tấm ri đô che cửa sổ xe để đáp lễ và cười chào những người lính.
Bác tôn trọng mọi người và luôn nhắc nhở mọi người tôn trọng nhau. Có lần, vào sáng sớm, ông Châu cùng người bạn của mình chăm sóc vườn su hào bên bờ hồ. Nghe tiếng động, hai người quan sát thì thấy Bác đang bơi thuyền giữa hồ. Bác bơi rất đẹp khiến 2 người mải ngắm nhìn mà quên không chào hỏi. Khi lại gần, Bác dừng lại rồi hỏi: “Sao hai chú thấy Bác đi qua mà không chào?”. “Dạ thưa Bác! Bác chèo đẹp quá! Chúng con mải ngắm nhìn nên quên mất ạ” - ông Châu cùng người bạn đồng thanh trả lời. Bác cười rồi nói: “Hai chú lại che su hào đi kẻo nắng chết rồi lại bị tiểu đội khiển trách. Lần sau nếu gặp người lớn thì phải chào hỏi nhé!”.
Một lần khác, vào năm 1957, hôm ấy là ngày cuối tuần, Phủ Chủ tịch chiếu phim cho tất cả mọi người cùng xem. Mọi người đều đến trước rất đông. Khi thấy Bác đến, tất cả đều đứng dậy chào. Bác ra hiệu như thường lệ để mọi người ngồi xuống. Một lát sau, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến nhưng mọi người không đứng dậy chào. Bác thấy vậy liền nói: “Chú Đồng là Thủ tướng sao mọi người không đứng dậy chào? “Bên trọng, bên khinh” là không được…”.
TP. Hà Tĩnh hôm nay
Có lần, Bác đi công tác ở miền núi. Khi đến một con suối, mưa thượng nguồn nên nước đổ về rất nhanh. Anh em sợ Bác lội ướt hết, ảnh hưởng sức khỏe nên bảo Bác lên người để cõng qua. Bác nói: “Suối nước về nhanh, chú cõng Bác lỡ như giẫm phải hòn đá trơn hay gập ghềnh, chú ngã, Bác cũng ngã theo, rất nguy hiểm. Ta cứ dàn thành đội hình nắm tay nhau thành một đường dây vững chắc đi qua suối sẽ an toàn”. Mọi người nghe lời Bác. Và quả thật, việc qua suối nước lớn của đoàn đã rất an toàn.
Mỗi cử chỉ, hành động của Bác đều thể hiện sự yêu thương, chia sẻ và luôn là những bài học về đạo làm người, về ứng xử trong cuộc sống. Nhưng bao trùm lên tất thảy vẫn là tình yêu thương bao la. Mùa xuân năm 1958, Bác Hồ tổ chức bữa tiệc đón tết dành cho bộ đội và các cơ quan phục vụ trong Phủ Chủ tịch. Ông Châu được trung đội cử đi dự buổi tiệc đó. Năm ấy, ông mới 22 tuổi. Tham gia dự tiệc cùng các vị lãnh tụ, vinh dự, tự hào nhưng ông cũng cảm thấy rất “run”. Ngồi không dám gắp thức ăn, cầm cốc bia chúc tết cũng sóng sánh như sắp đổ ra ngoài. Thấy vậy, Bác nói đùa: “Chú cầm cốc bia cẩn thận khéo đổ bia đó”. Nói rồi, Bác gắp một miếng thịt gà bỏ vào bát ông Châu và bảo ăn đi…
Ông Châu xúc động: Bác luôn như thế đấy! Không kể người đó là ai, Người luôn quan tâm bằng sự chăm lo và tình yêu thương. Năm 1957, chúng ta ra quân làm đường Cổ Ngư (đường Thanh Niên bây giờ), các nhà báo đến đưa tin. Hôm ấy, có một nhà báo đến muộn, Bác thấy liền hỏi: “Chú chưa chụp được ảnh phải không? Thế thì vào đây”. Bác vào lại đoạn đường đang làm cho nhà báo ấy chụp ảnh để cho nhà báo hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi dịp lễ, tết, sinh nhật, mọi người tặng quà cho Bác, có bao nhiêu Bác đưa chia cho mọi người bấy nhiêu. Đi đâu, thấy người già, trẻ nhỏ, Bác luôn dành sự quan tâm đặc biệt. Bác còn xuống đồng để cấy lúa với bà con nông dân; ngồi ăn cùng bàn với các chiến sỹ; đi tặng quà tết cho người nghèo…
Hội thi truyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đã tạo ấn tượng sâu sắc trong cán bộ, đảng viên
Năm 1964, Bác Hồ hỏi ông Vũ Kỳ - Thư ký của Người: “Tại sao các chú bộ đội ở đây cứ đeo quân hàm như vậy mãi mà không thay?”. Sau khi được ông Vũ Kỳ giải thích, Bác nói: “Chú nói với chỉ huy đại đội 1 cho các chú đi học ở trường quân đội”. Lần ấy, ông Châu là một trong những chiến sỹ được cử đi học. Học xong, ông được phong thiếu úy và về nhận công tác tại Công an nhân dân vũ trang Nghệ An.
Cũng từ đó, ông Châu không được phục vụ Bác nữa nhưng những kỷ niệm, ký ức về Bác luôn thường trực trong ông. Ông thường xuyên kể cho các thế hệ trẻ nghe về Bác. Từ những câu chuyện này mà nhiều thế hệ sinh viên ở các trường đại học ở Hà Nội đã có sự gắn kết với ông rất đặc biệt. Trong nhà ông, vị trí trang trọng nhất ông dành treo bức ảnh của Bác. Nhìn bức ảnh Bác với chòm râu bạc, đôi mắt sáng ngời trên bàn thờ, ông Châu rưng rưng: “Tôi nhớ Bác vô cùng. Bác sống đơn sơ, bình dị mà sao luôn có một điều gì đó vượt lên những điều bình thường. Bác luôn có một sức hút, sự cảm hóa con người kỳ lạ lắm! Tuy đã đi xa nhưng Bác vẫn để lại những bài học, những giá trị văn hóa vĩnh cửu…”.
Học tập và làm theo tấm gương Bác đã trở thành “những việc cần làm” trong cán bộ, đảng viên hôm nay. Tuy nhiên, theo ông Châu, học Bác trước hết phải học nhân cách, đạo lý làm người; là tính kỷ cương, gắn với tình thương, trách nhiệm, sự hy sinh - đó mới là cái gốc của người cán bộ, đảng viên.