Bác sĩ Việt đầu tiên nhận giải thưởng Nikkei

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm là người Việt đầu tiên được vinh danh ở lĩnh vực khoa học công nghệ trong 22 năm từ khi có giải thưởng.

Ngày 14/6 tới, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, chuyên gia về phẫu thuật nhi khoa tại Việt Nam, nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương sẽ tới Tokyo, Nhật Bản để nhận giải thưởng Nikkei.

Nikkei là giải thưởng dành cho công dân châu Á do Hãng thông tấn Nhật Bản Nikkei khởi xướng từ năm 1996. Mỗi năm có 3 công dân châu Á có đóng góp ở ba lĩnh vực văn hóa, kinh tế, khoa học và công nghệ được vinh danh.

GS Nguyễn Thanh Liêm. Ảnh: HQ.

Năm nay, giáo sư Liêm được chọn vinh danh trong lĩnh vực khoa học công nghệ, tức cá nhân có nghiên cứu mang tính sáng tạo, đột phá, có đóng góp trong việc phát triển khoa học công nghệ của châu lục cũng như thế giới. Với ghi nhận này, giáo sư Liêm là người Việt đầu tiên được vinh danh ở lĩnh vực này trong 22 năm từ khi có giải thưởng.

“Khi được nhận lời mời sang nhận giải thưởng, tôi rất bất ngờ. Trước đó tôi không nghĩ mình được giải thưởng này vì họ xét duyệt rất khắt khe và khó", GS Liêm tâm sự.

Nikkei là giải thưởng lớn với quy trình tuyển chọn rất khắt khe. Theo giáo sư Liêm, hội đồng ban xét duyệt giải thưởng đánh giá cao những thành tích chủ yếu trong vấn đề nội soi trẻ em và tế bào gốc của ông.

Năm 1997, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm được giới y khoa quốc tế biết tới khi trở thành người đầu tiên nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi để điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á tiến hành phẫu thuật nội soi cho trẻ em.

Tiếp sau đó là thành công trong kỹ thuật mổ nội soi lồng ngực để chữa thoát vị cơ hoành cho trẻ nhỏ một lần nữa khiến thế giới nể phục.

Ca mổ nội soi lồng ngực điều trị thoát vị cơ hoành cho trẻ sơ sinh thành công vào tháng 2/2002 đã đưa ông trở thành người đầu tiên trên thế giới thực hiện được kỹ thuật rất khó này.

Sau đó ông đã có 5 công trình nghiên cứu về lĩnh vực này được xuất bản trên các tạp chí uy tín quốc tế, được mời đến giảng bài, tham luận tại nhiều nước và hội nghị quốc tế, góp phần đưa kỹ thuật này áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia.

Trong quá trình công tác, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đã sáng tạo 9 kỹ thuật mổ hoàn toàn mới so với các kỹ thuật đã có trên thế giới, đồng thời tham gia đào tạo nhiều phẫu thuật viên nhi khoa trong và ngoài nước. Ông cũng nổi tiếng là một trong những phẫu thuật viên đã tham gia nhiều ca phẫu thuật tách đôi song sinh dính nhau phức tạp nhất ở Việt Nam, đem lại cuộc sống mới cho nhiều trẻ em song sinh dính nhau.

Hiện, giáo sư Liêm đang đảm nhiệm vai trò Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc- công nghệ gen Vinmec, phụ trách Đơn nguyên Kỹ thuật cao điều trị tự kỷ và bại não của Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec.

Tại đây, ông cùng các đồng nghiệp đang thực hiện Dự án ghép tế bào gốc cho trẻ bại não, tự kỷ cho khoảng 30 trẻ với những kết quả rất khả quan.

“Liệu pháp ghép tế bào gốc đang được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec theo quy trình chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn quốc tế để đem lại hiệu quả cao nhất. Trong tương lai, phương pháp này có thể mở rộng để điều trị nhiều bệnh khác như tự kỉ, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, tiểu đường, Parkinson…”, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ.

Theo Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói