41 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2016)
Những địa danh xưa kia là chiến trường ác liệt nay đã bừng lên màu sắc của cuộc sống mới, những tháng năm oằn mình dưới bom đạn kẻ thù chỉ còn là những cuốn phim âm bản trong ký ức người lính… Phà Bến Thủy là một trong những nơi như vậy. Tôi không nhớ mình đã lại qua bao nhiêu lần trên cây cầu Bến Thủy vững chắc ấy, nhưng lần nào cũng vậy, tôi cũng ngoái nhìn theo con nước ra phía xa kia, nơi trước đây, trong chiến tranh chống Mỹ là phà Bến Thủy với những trận đánh ác liệt. Phà Bến Thủy xưa có tên gọi là bến Lách.
Cầu Bến Thủy. Ảnh: Quang Vinh |
Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Bến Thủy từ một bến đò đã trở thành 5 bến phà làm nhiệm vụ thông đường cho các chuyến xe tiếp viện hàng cho tiền tuyến miền Nam. Bến phà này bị địch đánh tắc thì đã có bến phà khác thay thế, đảm bảo giao thông thông suốt. Đã có thơ viết rằng: “Sóng rẽ nước ra con phà sang/ Khoan thai trong tiếng hát sông Lam/ Người xe ra trận như nước cuốn/ Cuồn cuộn mà không chút vội vàng”. Những câu thơ đã khắc họa tâm thế anh hùng mà lãng mạn của các chiến sỹ Xứ Nghệ một thời bám trụ tọa độ lửa.
Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc ác liệt, phía bờ bắc sông Lam, cán bộ phà Bến Thủy đã dũng cảm, mưu trí đưa hàng vạn chuyến phà qua sông. Ròng rã hơn 10 năm, từ 1964-1975, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ phà Bến Thủy không quản ngày đêm, vượt qua mưa bom, bão đạn để đưa hàng vạn lượt xe hàng và bộ đội vào Nam chi viện cho tiền tuyến. Đặc biệt, qua 2 cuộc chiến tranh leo thang phá hoại của đế quốc Mỹ (từ 1964-1973), họ vừa vận hành đưa phà qua sông, vừa là những chiến binh cảm tử rà phá thủy lôi, bom từ trường trên sông Lam. Nhiều người đã anh dũng hy sinh và bị thương nặng trong khi làm nhiệm vụ.
Để giữ mạch máu giao thông, đảm bảo cho từng chuyến phà vượt sông nối liền đường chi viện cho chiến trường miền Nam, phía bờ Nam, bộ đội chủ lực đã bố trí 1 đài quan sát và 1 trung đội phòng không tầm thấp trên đỉnh rú Cơm (Nghi Xuân) ngay sát phà Bến Thủy. Từ trên đỉnh rú Cơm, bộ đội ta đã cùng lưới lửa TP Vinh bảo vệ bến phà, nhà máy, đặc biệt là đã bắn rơi 1 máy bay Mỹ. Các đơn vị công binh còn khoét chân rú Cơm thành hệ thống giao thông hào và hầm để làm kho cất giấu khí tài, đạn dược, giấu xe và làm nơi trú ẩn. Chính vì vậy, đây còn là điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ, có những ngày chịu nhiều trận đánh liên tục nhưng các chiến sỹ trên mặt trận giao thông bảo vệ phà Bến Thủy vẫn không quản ngại hy sinh, bám trụ để những chuyến hàng vượt sông an toàn, chi viện cho tiền tuyến. Bài ca thống nhất của đất nước đã được viết lên từ những năm tháng ấy, từ những hành động quả cảm ấy. Và Bến Thủy chắc chắn là một trong những nốt nhạc trầm hùng trong bản hòa ca của đất nước.
Giờ đây, đi trên 2 cây cầu Bến Thủy khang trang, không ai có thể hình dung một bến phà năm xưa hiên ngang hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn, hàng trăm quả thủy lôi, hàng nghìn quả pháo sáng của giặc Mỹ. Không ai có thể biết nơi nào, máu người đã hòa vào dòng chảy quê hương để viết nên bài ca thống nhất. Thay vào đó là sự bình yên của bến bãi và sức sống mới từ cuộn chảy dòng Lam. Trên bờ, hàng nối hàng những chuyến xe ra Bắc, vào Nam, sang Lào, sang Thái làm ăn buôn bán. Dưới sông, những chuyến thuyền cá của ngư dân vẫn miệt mài ngược xuôi đi về nơi cửa bể, lạch sông. Cuộc sống bình yên và hối hả đêm ngày nối nhau trôi đi. Và ký ức về những trận đánh năm nào đã trầm tích trong sâu thẳm bến bờ, trong sâu thẳm lòng người, để những dịp như thế này lại cuộn lên trong tâm hồn bao người những hoài bão xây dựng quê hương, đắp xây Tổ quốc, xứng đáng với những hy sinh lớn lao của các thế hệ trước...