Đây sẽ là một đội hình độc lập trong Hải quân, có vai trò đảm bảo an toàn cho tuyến đường biển phía bắc và bờ biển Bắc Cực trong khu vực trách nhiệm của các Hạm đội Phương Bắc và hạm đội Thái Bình Dương", Hải quân Nga cho biết.
Việc thành lập hạm đội này sẽ cho phép các Hạm đội Phương Bắc và Thái Bình Dương tập trung vào các nhiệm vụ chính.
Chiến hạm Nga. |
“Trang bị của hạm đội mới sẽ tách biệt với các Hạm đội phương Bắc và Thái Bình Dương. Trong thời gian tới, nó sẽ có tàu và khí tài đặc biệt phù hợp với Bắc Cực”, nguồn tin cho biết thêm.
Việc thành lập hạm đội mới tại Bắc Cực không chỉ có ý nghĩa chiến lược về quân sự mà nó còn đặc biệt quan trọng trong bài toán kinh tế của Nga. Theo các chuyên gia đánh giá, phát triển khu vực Bắc Cực là một yếu tố quan trọng, đảm bảo an ninh năng lượng và kinh tế.
Nga sở hữu tới 40% lãnh thổ Bắc Cực, tương đương gần 1/5 diện tích đất nước. Hàng loạt mối quan tâm hàng đầu của Nga đang tập trung ở Bắc Cực. Nguồn tài nguyên phía Bắc đem lại cho nước này hơn 10% thu nhập quốc dân và chiếm gần 1/4 kim ngạch xuất khẩu.
Trong tương lai, Bắc Cực sẽ là yếu tố đảm bảo độc lập cho nước Nga. Ông Vasily Bogoyavlensky - Phó Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Dầu khí thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga - nhận định:
"Trữ lượng dầu khí ở phía Bắc thềm lục địa Nga vào khoảng 100 tỷ tấn, trong đó khoảng 80% là khí đốt. Khu vực giàu hơn hết là các vùng biển Barents và biển Karsk.
Nga bắt đầu khai thác thềm lục địa ở Bắc Cực từ năm 2003. Còn trên đất liền chúng tôi đã triển khai công việc cách đây gần bốn thập kỷ, hoạt động này rất cần được mở rộng".
Nước Nga vừa chứng minh trước các tổ chức quốc tế quyền sở hữu hợp pháp thềm lục địa ngoài khơi phía Bắc, vừa tích cực tiến hành các hoạt động khai thác Bắc Cực. Nguồn khoáng sản khổng lồ tại đây vẫn chưa được khám phá hết.
Bắc Cực có hầu hết các loại hình tài nguyên nhưng phần lớn nằm ở độ sâu dưới 500 mét. Yếu tố này và điều kiện khí hậu là những trở ngại để tiến hành hoạt động thăm dò trong suốt thời gian dài. Sự ấm lên trên toàn cầu đang mở ra cơ hội mới cho việc khai thác tài nguyên ở Bắc Băng Dương.
Tiến sĩ khoa học quân sự Konstantin Sivkov - Phó Giám đốc Học viện Địa Chính trị Nga - nêu ý kiến: "Xét theo quan điểm địa chiến lược, Bắc Cực là con đường ngắn nhất nối Bắc Mỹ với lục địa Âu-Á, đồng thời cũng là chặng bay ngắn nhất cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và máy bay ném bom chiến lược.
Những năm yên tĩnh, ít nhất có tới hai hoặc ba tàu ngầm hoạt động ở đây mỗi ngày. Vào thời điểm căng thẳng, số tàu của Mỹ lên đến 10 chiếc. Vì vậy, cuộc tranh giành Bắc Cực có thể sẽ rất căng thẳng".
Thời gian qua, Bắc Cực thu hút sự quan tâm của cả các quốc gia ở cách xa bờ Bắc Băng Dương. Nước Nga cũng không ngừng hành động bảo vệ lợi ích của mình, việc thành lập Hạm đội Bắc Cực được coi là bước đi cụ thể nhất của Nga.