Chiều 7/10, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện phong trào, gặp mặt kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Dân vận của Đảng. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Ngô Văn Huỳnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Văn Hùng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy. |
Đại biểu theo dõi phóng sự 90 năm truyền thống công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh.
Hà Tĩnh có trên 15.560 tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo”
Đề dẫn tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Ngô Văn Huỳnh khẳng định những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, mức độ “khéo” trong công tác vận động.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Ngô Văn Huỳnh đề dẫn hội nghị
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, kể từ khi thành lập, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, là điều kiện quan trọng hàng đầu bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Đại biểu tham dự hội nghị.
Song hành cùng công tác dân vận của Đảng, tại Hà Tĩnh đặc biệt từ năm 2009, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được đẩy mạnh gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể các cấp, lực lượng vũ trang đối với công tác vận động quần chúng.
Từ cách tổ chức phong trào bài bản, nghiêm túc, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở, đến nay toàn tỉnh đã có trên 15.560 tập thể và cá nhân điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực.
Đại biểu tham dự hội nghị
“Phong trào thi đua “Dân vận khéo” là một trong những phong trào có ý nghĩa rất quan trọng cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Hội nghị hôm nay là dịp để chúng ta tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm và thảo luận những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào trong thời gian tới” - Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Ngô Văn Huỳnh.
Ông Nguyễn Huy Thông - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy: Công tác dân vận là nhiệm vụ khó và bao quát toàn diện các lĩnh vực trong xã hội; trong những giai đoạn khó khăn công tác dân vận càng quan trọng. Bởi vậy, trong công tác dân vận cần chú trọng những vấn đề lớn là dân sinh, dân trí, dân chủ.
Nguyên Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh: Những kết quả, thành tựu của đất nước ta nói chung, Hà Tĩnh nói riêng đều gắn liền với công tác dân vận. Bởi vậy, dân vận phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, “Tất cả cán bộ chính quyền. Tất cả cán bộ đoàn thể. Tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận”. Trong mọi giai đoạn, dân vận là phải giải thích cho Nhân dân hiểu, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.
Tham gia thảo luận tại hội nghị, đại biểu đã làm rõ sự cần thiết phải thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; thực trạng, kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, kinh nghiệm rút ra trong việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đặc biệt là việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” thời gian qua; những vấn đề đặt ra trong nội dung, quy trình xây dựng, xét, công nhận các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.
Đại biểu cũng chỉ ra các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong thời gian tới.
Bí thư Đảng ủy xã Đan Trường (Nghi Xuân) Nguyễn Thùy Dung chia sẻ kinh nghiệm trong công tác vận động Nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người, chỉ từng việc”.
Đại tá Nguyễn Thái Bình - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh: Để làm tốt công tác vận động quần chúng, cán bộ biên phòng đã bám sát địa bàn, kiên trì, chịu khó và gắn bó với Nhân dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tăng cường 11 đồng chí cán bộ về các xã biên giới; phân công 218 đảng viên phụ trách hơn 1.000 hộ gia đình trên địa bàn biên giới...
Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam đánh giá: Mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng Hà Tĩnh đã nỗ lực vươn lên đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Kết quả đó có vai trò, đóng góp quan trọng của công tác dân vận.
Phó trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị Hà Tĩnh phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục tham mưu kịp thời, hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền trong thực hiện công tác dân vận; thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ về dân vận khéo gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, đơn vị, địa phương; gắn thực hiện “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh; học tập, làm theo tấm gương, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh...
Tiếp tục xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả trên mọi lĩnh vực; nhân rộng kịp thời các mô hình tốt; mỗi cán bộ dân vận phải là người cán bộ gần dân, trọng dân, hiểu dân, có trách nhiệm với Nhân dân để dân tin, dân yêu và dân thực hiện.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh: mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX phấn đấu đến năm 2025 Hà Tĩnh trở thành tỉnh nông thôn mới, đến 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.
Để thực hiện được mục tiêu đó, công tác dân vận của hệ thống chính trị có vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp, vận động các tầng lớp Nhân dân; tạo sức mạnh tổng hợp trong toàn dân; thu hút các nguồn lực đầu tư đầu tư; nâng cao dân trí, phát huy dân chủ, tạo dân chủ thực chất.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị hệ thống dân vận toàn tỉnh thực hiện hiệu quả các chủ trương về công tác dân vận; xác định rõ việc thực hiện công tác dân vận, “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Xác định trọng tâm của phong trào “Dân vận khéo” phù hợp thực tiễn từng địa phương, đơn vị, đáp ứng lòng mong mỏi của Nhân dân; tạo niềm tin, sự hứng khởi trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Thường xuyên đánh giá, tổng kết phong trào để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
“Công tác dân vận phải luôn tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; 40 cá nhân được tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp dân vận.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể Ban Dân vận Tỉnh ủy.
Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương và Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Tĩnh trao tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp dân vận cho các cá nhân.