Bà Nguyễn Thị Xuân chỉ cho chúng tôi xem đoạn mương ngập rác, nằm giữa chợ Voi và vườn nhà.
Người dân sống quanh khu vực chợ Voi (hay còn gọi là chợ chiều – PV) cho biết, trước đây, khi chính quyền địa phương xây dựng chợ, hệ thống mương thoát nước được xây dựng. Trải qua thời gian, khu dân cư quanh chợ được quy hoạch phát triển đông đúc, lấn chiếm và dần dần "xóa sổ" mương thoát nước.
Rác thải chợ Voi dồn ứ sau mương, chờ mưa lớn sẽ tuồn xuống vườn nhà dân
Bà Nguyễn Thị Xuân (thôn Đông Thịnh, xã Kỳ Phong) chia sẻ: Mương thoát nước chạy dọc với đất vườn nhà tôi, qua đất vườn gia đình ông Trần Văn Xê và ra hệ thống thoát chung. Tuy nhiên, năm 2012, gia đình ông Xê đã xây bịt mương thoát nước. Mương bị bịt kín nên nước thải không thể theo lối cũ ra ngoài. Vậy là bao nhiêu nước thải, rác thải từ hoạt động kinh doanh ở chợ bị ứ đọng gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân.
“Khi mưa lớn, nước chảy mạnh là bao nhiêu rác thải đều trôi xuống vườn nhà tôi. Có những hôm mưa to, tôi nhặt được mấy bì đầy rác thải. Khổ nhất là vào mùa hè, khi có gió Nam, mùi hôi thối của rác thải bốc lên nồng nặc, không thể thở nổi” – bà Nguyễn Thị Xuân bức xúc.
Rác thải của chợ Voi chất đống phía sau mương cụt, không được ai thu gom
Chung cảnh khốn khổ khi sống gần chợ Voi, bà Trần Thị Nguyệt (87 tuổi) kể: “Trận mưa lớn đầu tháng 8/2018, vì nước không thể chảy qua mương nên đổ dồn sang đoạn mương cụt và làm đổ tường của Trường THCS Phong Bắc. Đoạn tường bị đổ trở thành điểm thoát nước của chợ Voi. Vậy là bao nhiêu nước thải, rác thải cứ theo đó mà xuống vườn nhà tôi”.
Trước tình cảnh khốn khổ đó, một số hộ dân sống dưới chợ Voi đã làm đơn kiến nghị gửi chính quyền xã, huyện để mong tìm ra giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, dù đã nhiều lần viết đơn nhưng đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Đoạn mương thoát nước thải chợ Voi trước đây chạy dọc theo vườn gia đình bà Nguyễn Thị Xuân...
Xác nhận có tình trạng như phóng viên phản ánh, ông Võ Tiến Thạch – Chủ tịch UBND xã Kỳ Phong, cho biết: Trước đây có một tuyến mương từ chợ dẫn nước thải vào mương sông Rác. Tuyến mương này hiện đã bị ông Trần Văn Xê xây tịt. Thời điểm cấp đất cho ông Xê, cán bộ địa chính đã quên trừ phần diện tích mương này nên hiện nay, trong bìa đất của gia đình ông Xê không thể hiện có mương thoát nước chạy qua. Vì vậy, việc ông Trần Văn Xê xây tịt mương ở phía đất vườn gia đình, xã cũng không có căn cứ để giải quyết.
... nhưng đến vườn nhà ông Trần Văn Xê thì bị bịt kín, thành ra đoạn mương này đã bị xóa sổ
Cũng theo ông Thạch, sau khi nhận đơn phản ánh của các hộ dân, UBND xã Kỳ Phong cũng đã tổ chức họp giữa các gia đình và các bên liên quan. Tuy nhiên, vấn đề trên vẫn chưa giải quyết được. Nguyên nhân là do xã vướng mắc trong việc tìm đất để khơi thông dòng chảy.
“Trước mắt, chúng tôi sẽ giao cho trường THCS Phong Bắc xây lại tường đã sập phía sau. Xã cũng sẽ đôn đốc HTX môi trường thường xuyên xử lý rác thải, không để ứ đọng ở khu vực phía sau nhà các hộ dân” – Chủ tịch UBND xã Kỳ Phong nhấn mạnh.
Đơn kiến nghị gửi lần thứ 3 của các hộ dân về tình trạng ô nhiễm do không có mương thoát nước thải nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết
Những giải pháp mà lãnh đạo xã Kỳ Phong nhấn mạnh chỉ là tình thế. Về lâu dài, chính quyền địa phương cần tìm phương án để khơi thông dòng chảy, giải tỏa tình thế bế tắc, ô nhiễm môi trường khu vực phía sau chợ Voi.
Được biết, trong xây dựng NTM, xã Kỳ Phong hiện vẫn chưa đạt tiêu chí môi trường. Rõ ràng, nếu chính quyền địa phương vẫn chưa khơi thông được mương thoát nước thải chợ Voi thì đích đến NTM vào năm 2020 của địa phương vẫn còn xa vời vợi.