Cần “chiếc gậy pháp lý” cho lòng hồ Ngàn Trươi!

(Baohatinh.vn) - Công trình hồ chứa nước đầu mối Ngàn Trươi đã chặn dòng, tích nước (mực nước dâng đến cao trình +24m). Hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (hợp phần đầu mối) đang được chủ đầu tư và các đơn vị thi công gấp rút hoàn thành, nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trong lòng hồ đã xuất hiện những “cơn sóng ngầm”, dù nhỏ nhưng rất cần quan tâm giải quyết thấu đáo.

can chiec gay phap ly cho long ho ngan truoi

Cán bộ Vườn Quốc gia Vũ Quang tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực lòng hồ Ngàn Trươi.

Hồ chứa nước Ngàn Trươi hiện có diện tích mặt thoáng khoảng 4.000 ha với hơn 350 km giáp ranh giới Vườn Quốc gia Vũ Quang và có 35 đảo, bán đảo trong lòng hồ. Có nghĩa là “đường biên” giữ rừng rất dài, trong khi vùng tiếp giáp chủ yếu là rừng đặc dụng, giàu lâm sản, là “miếng mồi béo bở” của “lâm tặc”. Nếu được tự do sử dụng mặt hồ, người dân dễ dàng xâm nhập vào rừng từ rất nhiều hướng. Chỉ cần “vài động tác nhỏ” là họ có thể đặt chân đến rừng. Và lúc này, để kiểm tra, giám sát hoạt động của họ là một nhiệm vụ vô cùng nan giải đối với lực lượng chức năng. Đó là chưa nói, trên chính lòng hồ, khi mà các tàu thuyền tham gia lưu thông nhiều, không tuân thủ các quy tắc nhất định thì việc mất an toàn giao thông đường thủy, mất an ninh trật tự là điều không tránh khỏi.

Vì vậy, thay vì kiểm soát trong rừng, phương án tối ưu nhất là kiểm tra chặt chẽ ngay khi người dân tham gia lưu thông trong lòng hồ. Thế nhưng, hiện tại, toàn bộ phần lòng hồ và mặt bằng xây dựng công trình lại do BQL Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 (Ban 4 - chủ đầu tư) trực tiếp quản lý. Mà Ban 4 chỉ thực hiện thi công công trình, không có nhiệm vụ quản lý nhà nước nên không có quy chế sử dụng mặt thoáng lòng hồ. Vì thế, các quy định về vùng lưu thông, thời gian, địa điểm và các quy tắc khác đối với lòng hồ chứa nước Ngàn Trươi còn đang bỏ ngỏ.

can chiec gay phap ly cho long ho ngan truoi

Vườn Quốc gia Vũ Quang đang rất cần “một chiếc gậy pháp lý” để quản lý tốt lòng hồ”.

Mặc dù người dân các xã trong vùng đã được di dời nhưng vì vẫn còn gia súc, gia cầm ở trong rừng nên nhiều hộ vẫn đi về. Đặc biệt, gần đây, nhiều hộ dân đã đóng mới một số thuyền gắn máy làm phương tiện di chuyển trong lòng hồ. Cao điểm, đã có gần 30 chiếc thuyền nhỏ được “hạ thủy”. Hiện tượng này đặt dấu hỏi, ai dám chắc họ chỉ đơn thuần là chăn nuôi gia súc?!

Nhằm thiết lập lại kỷ cương, UBND huyện đã có văn bản tạm thời đình chỉ việc người dân địa phương lưu thông trong vùng lòng hồ không vì mục đích thi công công trình. Đồng thời, giao Vườn Quốc gia Vũ Quang phối hợp với lực lượng biên phòng, kiểm lâm và Công an huyện tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang Nguyễn Danh Kỳ cho biết: “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, xử lý và đã thu giữ 15 chiếc thuyền của các hộ dân tham gia lưu thông trong lòng hồ khi chưa được phép. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có quy chế quy định để sử dụng hiệu quả vùng lòng hồ, phục vụ đời sống dân sinh và bảo vệ rừng. Mặt nước bạt ngàn thế kia mà “cấm” khai thác thì lãng phí quá. Nhưng làm thế nào để người dân có thể sử dụng nhưng không lợi dụng xâm hại đến rừng mới là yêu cầu thiết yếu nhất. Vườn Quốc gia Vũ Quang đang rất cần “một chiếc gậy pháp lý” để quản lý tốt lòng hồ”.

“Chiếc gậy pháp lý” theo Giám đốc Nguyễn Danh Kỳ là cần được giao “toàn quyền” sử dụng mặt nước hồ Ngàn Trươi cho Vườn Quốc gia Vũ Quang. Bởi có như thế, đơn vị mới chủ động triển khai các hoạt động trong phạm vi lòng hồ, xây dựng được quy chế và đủ thẩm quyền để tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tổ chức khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển du lịch sinh thái lòng hồ gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast