Những ngày qua, giá vàng liên tục “nhảy múa”, thị trường sôi động kéo theo nhu cầu giao dịch vàng của người dân ngày càng gia tăng. Tại Hà Tĩnh, có thời điểm, một số tiệm vàng “cháy hàng” đối với sản phẩm nhẫn tròn trơn, không ít người đã chuyển sang hình thức mua vàng online để tiết kiệm thời gian, chi phí.
Song phương thức này lại kéo theo nhiều hệ luỵ, khiến người dân không chỉ có nguy cơ trở thành "nạn nhân" của các chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản mà còn có thể “tiếp tay” cho hành vi vi phạm pháp luật.

Chị N.T.N.H (28 tuổi, phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) chia sẻ bài học nhớ đời khi vội vàng mua bán sản phẩm kim loại quý qua mạng: “Vì không thể mua nhẫn tròn trơn trực tiếp, lại không muốn bỏ qua cơ hội “chốt lời” nên tôi đã vội vàng đặt mua qua một tài khoản mạng xã hội Facebook. Người này cam kết giá vàng tương đương với giá niêm yết khi mua trực tiếp tại cửa hàng, tôi chỉ cần thanh toán trước 600.000 đồng chi phí “giữ vàng”, còn lại sẽ thanh toán khi nhận hàng. Thấy số tiền cọc không quá lớn, giá vàng lại liên tục tăng theo từng giờ, tôi đã quyết định chốt mua số lượng 5 chỉ. Tuy nhiên, khi tôi vừa chuyển khoản, người này đã thu hồi tất cả tin nhắn và chặn tài khoản của tôi”.
Trường hợp của chị N.H không phải hiếm gặp, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo… không khó để người dùng có thể tiếp cận các hội nhóm mua bán vàng với số lượng thành viên lên tới hàng chục ngàn người. Bên cạnh những bài viết trao đổi, mua bán, thông tin về giá vàng, cũng có rất nhiều bài đăng chia sẻ nội dung cảnh báo khi trở thành “nạn nhân” của hình thức giao dịch, mua bán vàng online.

Một số thủ đoạn phổ biến của các đối tượng lừa đảo là lập tài khoản, website giả mạo các doanh nghiệp kinh doanh vàng uy tín để đăng tải nội dung mua bán vàng, cập nhật mức giá thấp hơn so với giá thị trường nhằm đánh vào tâm lý “ham rẻ”, thích mua nhanh gọn của người dân. Sau đó, sau khi khách hàng thanh toán, chúng lập tức chặn giao dịch, thậm chí giao vàng giả, vàng kém chất lượng. Đáng nói, trên các bài viết, hầu hết các tài khoản đều “quảng cáo” có hoá đơn, giấy đảm bảo vàng khiến nhiều người tin theo mà không một chút nghi ngờ.
Không chỉ vậy, thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh và nhiều địa phương trên cả nước xuất hiện hình thức mua vàng "gió”.
Cụ thể, người có nhu cầu mua vàng sẽ chuyển khoản số tiền tương ứng với số lượng vàng cần mua cho chủ tiệm vàng mà không cần nhận vàng, chỉ có biên nhận số tiền. Sau đó, khi giá vàng biến động, người mua có thể “chốt lời” với chủ tiệm để nhận lại tiền tương ứng với mức giá thời điểm đó.

Bà Nguyễn Thị Hà – Chủ tiệm vàng Việt Hà (đường Nguyễn Công Trứ, TP Hà Tĩnh) cho rằng, việc giao dịch vàng online, mua vàng "gió” tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Nhiều ngày qua, tiệm vàng của tôi liên tục “cháy hàng” đối với sản phẩm nhẫn tròn trơn. Khách hàng có nhu cầu mua tích trữ, làm quà cưới tăng cao nhưng không có hàng để bán. Không ít người liên hệ để đặt hàng, đặt cọc, tuy nhiên, cửa hàng chúng tôi chỉ bán trực tiếp tại quầy nhằm đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, đảm bảo quyền lợi cho cả người mua và người bán. Khi giao dịch qua mạng có thể phát sinh nhiều vấn đề như: không có vàng để giao cho khách; giá vàng biến động liên tục gây bất cập về chi phí...".

Hiện nay, một số ngân hàng lớn như: Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank hay các công ty vàng bạc đá quý như SJC, DOJI,... đều đã triển khai ứng dụng giao dịch vàng online. Người dân có thể đặt mua vàng nhẫn, vàng miếng thông qua dịch vụ giao dịch trực tuyến và nhận vàng tại quầy. Dù vậy, thực tế, vào những thời điểm giá vàng tăng "nóng", thị trường giao dịch sôi động thì kênh mua vàng từ các ngân hàng cũng không phải là dễ. Nhiều người dân đành ngậm ngùi vì khối lượng vàng đăng ký trong ngày được bán ra đã hết. Thế nên, vì hám lợi, muốn lời nhanh, chớp cơ hội "bắt đỉnh" giá vàng, nhiều người dân vẫn bất chấp "đánh cược" để mua online ở nơi không uy tín, mua vàng "gió" để chốt giá.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Công ty Luật TNHH Long Phúc, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: "Hoạt động mua bán vàng online chỉ hợp pháp nếu thực hiện qua các kênh được cơ quan chức năng cấp phép. Hoạt động mua bán vàng online ngoài các kênh này đều tiềm ẩn nhiều rủi ro, không loại trừ các rủi ro pháp lý. Đối với giao dịch vàng miếng, việc mua bán online với tổ chức, doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng có thể bị phạt cảnh cáo, và phạt tiền đến 20 triệu đồng nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần".
Các chuyên gia cảnh báo, người dân chỉ nên giao dịch mua bán vàng qua các kênh chính thống, an toàn và các đơn vị được cấp phép; liên tục cập nhật, kiểm tra thông tin trước khi mua, bán. Bên cạnh đó, cần tránh xa những đối tượng quảng cáo vàng với mức giá rẻ bởi có nguy cơ "tiếp tay" cho hành vi mua bán vàng giả, vàng kém chất lượng. Dù mua vàng bằng hình thức nào, người dân cũng cần kiểm tra kỹ chất lượng, giấy tờ đảm bảo nguồn gốc sản phẩm; xác minh thông tin người bán trước khi giao dịch chuyển tiền.
Theo điều 10, Nghị định 24/2012/NĐ-CP, hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Đối với vàng trang sức, mỹ nghệ, người dân thực hiện mua bán tại các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ đáp ứng đủ các điều kiện: được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.
Theo điều 24, Nghị định 88/2019/NĐ-CP vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vàng có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10-20 triệu đồng nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần đối với các hành vi: Mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán..