Một bản nhạc viết tay của nhà soạn nhạc người Áo Gustav Mahler (1860-1911) đã được các chuyên gia trong lĩnh vực bản thảo nhận định là “bản nhạc vĩ đại nhất” từng được đem ra đấu giá trên thị trường trong vài thập kỷ trở lại đây. Bản nhạc đã vừa được bán với mức giá xác lập kỷ lục thế giới mới - 4,5 triệu bảng (tương đương hơn 130 tỷ đồng).
Bản nhạc này là Bản giao hưởng số 2 của Gustav Mahler, với chiều dài 232 trang và cần tới một dàn nhạc giao hưởng 90 thành viên, biểu diễn trong 90 phút.
Khi được đem ra đấu giá, bản nhạc này vẫn còn hoàn toàn nguyên vẹn, chưa trải qua bất cứ hoạt động phục chế nào, từng trang vẫn còn tách rời và còn bao gồm cả những tẩy xóa, chỉnh sửa và chú thích do chính tay nhà soạn nhạc người Áo thực hiện.
Bản nhạc được viết tay bởi nhà soạn nhạc người Áo Gustav Mahler được các chuyên gia khẳng định là bản nhạc “vĩ đại nhất” từng được đem ra đấu giá trong vài thập kỷ trở lại đây. Bản nhạc đã vừa được bán với mức giá xác lập kỷ lục thế giới, tương đương 130 tỷ đồng.
Đây là bản nhạc viết tay do chính nhà soạn nhạc Gustav Mahler thực hiện cho Bản giao hưởng số 2 của ông, dài 232 trang, cần một dàn nhạc 90 thành viên biểu diễn trong 90 phút.
Bản giao hưởng số 2 hay còn được biết tới với tên gọi Bản giao hưởng Hồi sinh là tác phẩm lớn đầu tiên của ông, chứng kiến Mahler khai thác một chủ đề lớn của đời sống, đó là sự sinh tử. Bản giao hưởng được viết trong khoảng thời gian từ năm 1888-1894 và lần đầu được biểu diễn trước công chúng vào năm 1895 bởi dàn nhạc giao hưởng Berlin Philharmonic (Đức).
Trong sự nghiệp soạn nhạc của Gustav Mahler, đây được xem là tác phẩm vĩ đại nhất của ông. Buổi đấu giá vừa được tổ chức tại London, Anh, vào cuối tháng 11, đã tạo nên một bất ngờ lớn khi ban đầu bản nhạc chỉ được ước tính có giá vào khoảng 3,5 triệu bảng.
Bản giao hưởng số 2 của Gustav Mahler (ảnh trái) từng được biểu diễn lần đầu bởi dàn nhạc giao hưởng Berlin Philharmonic (Đức) hồi năm 1895 và được xem là tác phẩm vĩ đại nhất trong sự nghiệp của Mahler. Trước đó, bản nhạc này thuộc quyền sở hữu của nhà kinh tế học - doanh nhân người Mỹ Gilbert Kaplan (ảnh phải).
Bản nhạc viết tay vẫn còn nguyên vẹn, chưa từng qua phục chế, các trang vẫn tách rời, bao gồm cả những tẩy xóa, sửa chữa và ghi chú do chính tay nhà soạn nhạc người Áo viết vào.
Bản nhạc đã được rao bán đấu giá tại London, Anh, vào cuối tháng 11 vừa qua.
Về doanh nhân Gilbert E. Kaplan (1941-2016), người sở hữu bản nhạc vừa được đem ra đấu giá, ông vốn là một doanh nhân, một nhà kinh tế học, chủ biên một tờ tạp chí tài chính, cũng đồng thời là một con người say mê cuồng nhiệt với âm nhạc của Mahler.
Ông Kaplan còn là một nhạc trưởng không chuyên có thể chỉ huy một dàn nhạc trình diễn Bản giao hưởng số 2 của Mahler, mặc dù ông không hề đọc được… các nốt nhạc.
Sau khi gây dựng được sự nghiệp thành công trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, ông Kaplan đã quyết định gây dựng một sự nghiệp thứ hai cho mình để thỏa mãn niềm đam mê trong thế giới âm nhạc cổ điển. Ông Kaplan từng thuê những nhạc trưởng nổi danh về làm thầy dạy nhạc cho mình, ông miệt mài học nhạc 9 tiếng/ngày và chỉ học Bản giao hưởng số 2 của Mahler.
Trước sự ngỡ ngàng của giới chuyên môn, Kaplan cuối cùng đã có thể trở thành nhạc trưởng không chuyên chỉ huy các dàn nhạc giao hưởng đình đám hàng đầu thế giới, như Vienna Philpharmonic (Áo), London Symphony (Anh), Los Angeles Philharmonic (Mỹ), St. Louis Symphony (Mỹ) và New York Philharmonic (Mỹ)…
Đương nhiên, ông chỉ có thể chỉ huy trình diễn một bản giao hưởng duy nhất mà ông từng được học - Bản giao hưởng số 2 của Mahler.
Trong năm nay, ông Kaplan đã qua đời ở tuổi 74 sau một quãng thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư. Hiện tại, bản nhạc này đang nắm giữ kỷ lục thế giới về mức giá được trả cho một bản nhạc tại cuộc đấu giá.
Đây cũng là bản nhạc giao hưởng đáng kể nhất từng được đem ra đấu giá kể từ khi 9 bản nhạc giao hưởng của Mozart được đấu giá tại London (Anh) năm 1987, đạt mức 2,5 triệu bảng; và Bản giao hưởng số 2 của Robert Schumann được rao bán đấu giá năm 1994, đạt mức 1,5 triệu bảng.
Doanh nhân Gilbert E. Kaplan (1941-2016)
Sinh thời, ông Kaplan từng chia sẻ về trải nghiệm khi lần đầu tiên được nghe Bản giao hưởng số 2 của Mahler hồi năm 1965 tại phòng hòa nhạc Carnegie Hall, New York, Mỹ: “Tôi bước vào phòng hòa nhạc đó là một con người, và khi tôi bước ra là một con người hoàn toàn khác, tôi cảm thấy như thể một tia sét đã đánh trúng mình”.
Từ một doanh nhân thành đạt, Kaplan đã dành ra 17 năm cuộc đời để nghiên cứu sâu kỹ Bản giao hưởng số 2 của Mahler, ông đi đến nhiều nước trên thế giới để được nghe trình diễn bản giao hưởng này.
Kaplan cũng dành ra nhiều thời gian để gặp gỡ và thảo luận với các học giả, các nhạc trưởng về bản giao hưởng này. Vào năm 1982, ông quyết định trải qua một tháng học tập đều đặn 9 tiếng/ngày về kỹ thuật chỉ huy dàn nhạc, để bản thân ông có thể trở thành nhạc trưởng với khả năng chỉ huy một bản nhạc giao hưởng duy nhất - Bản giao hưởng Hồi sinh.
Nỗ lực nghiêm túc của Kaplan được ví như chinh phục đỉnh Everest, cuối năm 1982, ông đã có thể đứng trước đám đông khán giả có mặt tại nhà hát Lincoln Center, New York, Mỹ, trong vai trò nhạc trưởng, chỉ huy dàn nhạc biểu diễn Bản giao hưởng số 2 của Mahler.
Mặc dù Bản giao hưởng số 2 của Mahler đã bán được với mức giá kỷ lục, nhưng một bản nhạc khác cũng được rao bán tại sự kiện này, bản nhạc được cho là viết tay bởi nhà soạn nhạc lừng danh Beethoven, đã không thể tìm được người mua.
Dù phía nhà đấu giá khẳng định tính xác thực của bản nhạc, rằng nó chính do Beethoven đích thân viết tay hồi năm 1817 - bản “Allegretto cung Xi thứ”, với mức giá kỳ vọng 200.000 bảng (gần 6 tỷ đồng), nhưng trước băn khoăn của một số chuyên gia trong lĩnh vực bản thảo về việc nét bút không đều, hơi cong quá và mềm quá so với nét bút thường thấy của Beethoven, bản nhạc đã làm dấy lên những nghi ngờ về tính xác thực và không tìm được người mua.