Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh chỉ thị tăng cường quản lý đất đai, khoáng sản

(Baohatinh.vn) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh chỉ đạo đơn vị, địa phương nào buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra vi phạm về quản lý đất đai, khoáng sản hoặc không cương quyết xử lý sau khi phát hiện thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng vừa ký ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo huyện Đức Thọ kiểm tra công tác phòng chống khai thác cát trái phép trên địa bàn thôn Vĩnh Khánh, xã Trường Sơn.

Trong những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản từng bước đi vào nề nếp, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả thấp, công tác quản lý nhà nước nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất, cho thuê đất trái quy định vẫn xảy ra ở nhiều địa phương; một số tổ chức, cá nhân được nhà nước giao, cho thuê đất nhưng chậm đầu tư; sử dụng đất không đúng mục đích, hiệu quả sử dụng đất còn thấp.

Công tác lập, phê duyệt và công bố quy hoạch khoáng sản chưa kịp thời, khai thác trái phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng diễn ra ở nhiều địa phương; công tác cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn hạn chế; nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các loại thuế, phí tại các tổ chức khai thác còn diễn ra,… gây thất thoát, lãng phí nguồn lực của địa phương, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên, ngoài nguyên nhân khách quan do các văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chồng chéo, vướng mắc, nguyên nhân chính là do nhận thức về pháp luật đất đai, khoáng sản của một bộ phận cán bộ, công chức và người sử dụng đất còn hạn chế; một số cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm chưa cao, việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, khoáng sản chưa kịp thời, còn gây phiền hà, sách nhiễu.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, khoáng sản chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chưa tập trung công tác lãnh đạo, quản lý về đất đai, khoáng sản, việc giải quyết những vướng mắc, tồn đọng về đất đai còn lúng túng, chậm trễ, đùn đẩy, né tránh. Sự phối hợp các cấp, ngành, địa phương chưa chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai chưa được quan tâm đúng mức, thiếu kịp thời, hiệu quả chưa cao. Việc đầu tư kinh phí từ ngân sách cho các nhiệm vụ quản lý đất đai, khoáng sản chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao...

Công an huyện Kỳ Anh đưa tang vật liên quan đến vụ khai thác cát trái phép ở xã Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh) về trụ sở để xử lý.

Để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Rà soát, sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa, thể chế hóa các chính sách, pháp luật về đất đai, khoáng sản phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tỉnh và các quy định pháp luật hiện hành. Nâng cao chất lượng lập, thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, khoáng sản. Thực hiện tốt công tác điều tra, đánh giá chất lượng đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với thích ứng biến đổi khí hậu; dành nguồn lực thích đáng cho công tác quản lý đất đai, quỹ phát triển đất theo quy định pháp luật, đẩy mạnh công tác phát triển quỹ đất theo hướng thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để đấu giá đất khi thực hiện dự án đầu tư (kể cả mỏ kháng sản); khai thác tài nguyên phải gắn với bảo vệ môi trường, chú trọng việc hoàn trả tài nguyên, khôi phục môi trường của các mỏ khoáng sản. Cập nhật, chỉnh lý bản đồ và hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, số hóa theo quy định.

Đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, khoáng sản và pháp luật khác có liên quan với nội dung thiết thực, hình thức phù hợp cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp Nhân dân trong quản lý, bảo vệ tài nguyên, giữ vững tình hình an ninh, trật tự.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các đơn vị chủ động, thường xuyên nắm chắc tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản. Nêu cao vai trò, trách nhiệm quản lý để mọi hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, khoáng sản phải được phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật. Đơn vị, địa phương nào buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra vi phạm về quản lý đất đai, khoáng sản hoặc không cương quyết xử lý sau khi phát hiện thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi, vụ lợi cho bản thân hoặc bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động dưới mọi hình thức để người khác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, khoáng sản.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong giám sát và phối hợp với các cơ quan nhà nước phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm quy định quản lý tài nguyên khoáng sản

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân lực quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản đảm bảo tinh gọn và hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác quản lý tài nguyên và môi trường các cấp, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, khoáng sản.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, khoáng sản, xử lý kịp thời, nghiêm, đúng quy định đối với những trường hợp vi phạm, nhất là việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất sai thẩm quyền, không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; lấn chiếm, sử dụng đất trái phép...; dừng khai thác, đóng cửa mỏ đất, mỏ khoáng sản những khu vực khai thác kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường. Tập trung chỉ đạo rà soát, xử lý các tồn đọng về đất đai, khoáng sản như giao đất, cho thuê đất, cấp đất trái thẩm quyền, đất ở trước năm 1980, tranh chấp đất đai....

Về tổ chức thực hiện, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và xây dựng chương trình, kế hoạch, đề ra các giải pháp cụ thể thực hiện Chỉ thị phù hợp với từng địa phương, đơn vị.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị; chỉ đạo các cơ quan báo chí thường xuyên tuyên truyền các nội dung về quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản trên địa bàn.

Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát theo nhóm chuyên đề về quản lý đất đai, khoáng sản trong chương trình giám sát năm 2022 và những năm tiếp theo.

Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện hiệu quả Chỉ thị; tổ chức đánh giá kết quả thực hiện của các đơn vị, địa phương. Bí thư huyện, thành, thị ủy chỉ đạo thực hiện và báo cáo kết quả triển khai thực hiện chỉ thị này trong chương trình họp của các cấp ủy định kỳ.

Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các ban Đảng, Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm theo dõi, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Chỉ thị này được quán triệt đến chi bộ và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong Nhân dân.

Chủ đề Khai thác tài nguyên trái phép

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói