Bản tình ca Hoa Tiên

(Baohatinh.vn) - Những ngày đầu năm mới 2025, tác phẩm Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự (1743-1790) được tái bản nhằm chuẩn bị cho sự kiện tưởng niệm 235 năm Ngày mất của danh nhân - tháng 9/2025.

Hoa tiên là một truyện thơ Nôm được Nguyễn Huy Tự viết theo thể lục bát, dựa theo ca bản Đệ bát tài tử Hoa tiên ký của Trung Hoa.

bqbht_br_b7.jpg
Bản Hoa Tiên do ông Nguyễn Huy Dũng và ông Nguyễn Huy Hoàng “ấn tống”, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản quý I năm 2025.

Về nội dung, Hoa tiên kể về mối tình giữa Lương Phương Châu và Dương Dao Tiên. Lương Phương Châu (Lương sinh), con quan tể tướng người Tô Châu, thông minh, học giỏi. Chàng đến trọ học tại nhà người cậu ở Tràng Châu. Một đêm, dạo bước dưới ánh trăng, chàng tình cờ gặp mấy cô gái đánh cờ bên đình, trong đó có Dao Tiên, con quan đô đốc họ Dương đang trị nhậm ở Tràng Châu.

Trong một lần theo cậu đến nhà họ Dương chơi, thấy trên tường có bài thơ Dao Tiên viết, chàng bèn họa lại gửi gắm lòng mình. Dao Tiên xúc động khi đọc bài thơ của Lương sinh. Nhân một đêm trăng đẹp, Lương sinh đã tỏ tình với Dao Tiên. Sau những e ngại ban đầu, hai người đã thề nguyền với nhau. Lời thề được ghi trên giấy “hoa tiên”.

Tuy nhiên, Lương công trên đường về trí sĩ, đã gặp Lưu công và hỏi con gái Lưu công là Lưu Ngọc Khanh cho Lương sinh. Lương sinh rất đau khổ nhưng không thể trái lời cha, phải phục tùng gia pháp.

Khi nghe tin Lương sinh đính hôn với người khác, Dao Tiên đã rất uất ức, oán trách chàng bội ước. Cũng trong thời gian này, Dương công phải lên kinh đô nhậm chức và đem theo cả gia đình, mẹ con Dao Tiên đến ở nhờ người cậu họ Tiền. Lương sinh trở lại Tràng Châu tìm Dao Tiên nhưng không gặp, chàng chán nản, bỏ bê học hành.

Nhờ Diêu sinh khuyên nhủ, chàng đã thi đậu, được bổ làm quan ở kinh đô. Tình cờ, chàng lại ở cạnh nhà Dao Tiên. Hai người gặp nhau, kể hết ngọn nguồn. Lúc này, Dương công đang đi dẹp giặc ở chiến trường, bị giặc vây. Lương sinh bèn xin ra trận giải vây cho Dương công để tỏ tấm lòng với người yêu cũ, nhưng không may cũng bị giặc vây.

Nghe tin đồn Lương sinh tử trận, Lưu Ngọc Khanh thề thủ tiết nhưng bị mẹ ép tái giá. Nàng nhảy xuống sông tự vẫn nhưng được thuyền của quan Long Đề học trẩy kinh đi ngang qua cứu được. Diêu sinh lại xin ra trận, liên lạc được với Lương sinh và Dương công, phối hợp phá tan quân địch.

Trong tiệc mừng chiến thắng, vua biết được mối tình của Lương sinh và Dao Tiên, lại nghe tin Lưu Ngọc Khanh tự tử, bèn cho hai người kết duyên. Khi hay tin Lương sinh đã cưới Dao Tiên, Lưu Ngọc Khanh định cắt tóc đi tu. Tuy nhiên, Long Đề học dâng sớ lên vua, vua lại cho nàng kết duyên cùng Lương sinh... Từ đó, cả gia đình sống trong cảnh đoàn viên, hạnh phúc.

Ngay sau khi Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự ra đời, Nguyễn Thiện (1763 - 1818) đã tiếp cận và nhuận chính đầu tiên. Tiếp theo Nguyễn Thiện là Vũ Đãi Vấn. Trong bài tựa Hoa tiên ký viết năm 1829, Vũ Đãi Vấn ghi rõ: “Nguyễn Công ở tổng Lai Thạch, huyện La Sơn đầu tiên diễn làm quốc âm và Nguyễn Thiện làng Tiên Điền theo đó mà nhuận sắc”.

bqbht_br_v1.jpg
Ông Nguyễn Huy Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên (áo đen) và ông Nguyễn Huy Thiện dâng cuốn sách Hoa tiên tại Đền thờ Nguyễn Huy Tự ở xã Kim Song Trường (Can Lộc).

Sau hai lần nhuận sắc của Nguyễn Thiện và Vũ Đãi Vấn, Hoa tiên còn được Cao Bá Quát (1808 - 1855) sửa chữa thêm ít nhiều và đề tựa vào năm 1843. Cao Bá Quát đã viết trong lời tựa: “Câu chuyện bắt đầu từ khi gặp gỡ lứa đôi, tây riêng ân ái, mà đạt đến đạo cha con, nghĩa vua tôi, ý nhã thân thiết bạn bè, tình thân yêu mến anh em...; văn thì lạ, nghĩa thì chính, nói về lý thì rạch ròi mà không vướng mắc, nói về đời thì biến hóa mà vẫn giữ thường...”[1].

Hiện đã có khá nhiều văn bản Hoa tiên được lưu hành (trên 15 bản), trong đó bản sớm nhất do Đỗ Hạ Xuyên khắc in năm Ất Hợi đời Tự Đức (1875) và bản mới nhất do Nguyễn Huy Dũng và Nguyễn Huy Hoàng “ấn tống”, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, xuất bản quý I năm 2025.

Có thể nói rằng, trong lịch sử văn học Việt Nam, trước đó chưa có mấy tác phẩm đề cập sâu đến đề tài tình yêu đôi lứa, đến khát vọng tự do yêu đương như ở Hoa tiên. Bằng thể lục bát được thể hiện qua hình thức một truyện thơ Nôm giai nhân - tài tử, Hoa tiên được coi là câu chuyện tình yêu tự do đầu tiên được ghi lại trong kho tàng văn học thành văn nước ta.

Trong Hoa tiên, những câu thơ viết về tình yêu, ca ngợi tình yêu lứa đôi chính là những câu thơ hay nhất, đồng thời đây cũng là phần được tác giả dụng công miêu tả nhiều nhất... Điều này cũng cho thấy, quan niệm về tình yêu, viết về tình yêu của Nguyễn Huy Tự đã có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực, phóng khoáng hơn các nhà nho trước đó nhiều.

Phong tình hết tấc yêu đương,

Lại truyền đem dán phấn tường một bên.

Còn thừa hai cánh hoa tiên,

Chắt chiu sinh đã nong liền vào bao.

Hay:

Trong duyên gặp gỡ với duyên,

Trong tình vẹn vẽ đôi bên mới tình.

Hoặc:

Trăm năm chùng vụng tấm nguyền,

Vừng soi đã hổ với trên đỉnh đầu.

Thề lòng đợi bến Hà Châu,

Đợi nhau nghĩa bộc ca dâu ru mà!

Với những ngôn từ được trau chuốt, mỹ lệ, súc tích, uyển chuyển, giàu tính tạo hình và khá gần gũi với lời ăn tiếng nói của dân gian, Nguyễn Huy Tự đã làm cho tình yêu lứa đôi thêm lãng mạn, đằm thắm.

Chung tình trước một ai đâu,

Còn dan díu lắm còn âu yếm nhiều.

... Trong duyên gặp gỡ với duyên,

Trong tình vẹn vẻ đôi bên mới tình.

Về mặt nghệ thuật, mặc dù phải kế thừa, sử dụng cốt truyện của Trung Quốc nhưng ông đã biến Đệ bát tài tử Hoa tiên ký thành Hoa tiên với màu sắc, dấu ấn hoàn toàn Việt Nam. Thế giới nghệ thuật trong Hoa tiên có khung cảnh thật lãng mạn, thiên nhiên đầy ánh trăng mơ mộng và huyền ảo. Tịnh Tĩnh Trai (Trung Quốc) đã coi Hoa tiên “khởi bằng gió trăng, kết bằng gió trăng mà trong khoảng giữa không có điểm xuyết nào thoát ra ngoài hai chữ gió trăng”[2]:

Gác rèm câu nguyệt xiên xiên,

Này hôm ả Chức chàng Khiên họp vầy...

... Gió thanh hây hẩy gác vàng,

Thảnh thơi chèo Phó nhẹ nhàng gánh Y...

Hoa tiên là một bản tình ca đẹp, một câu chuyện tình yêu diễm lệ. Hoa tiên giống như một người đẹp dịu dàng, kín đáo và khó “nắm bắt”, nhưng khi đã “nắm bắt”, cảm nhận được thì sẽ làm cho người đọc say đắm, đam mê.

Ngày nay, nhìn lại hành trình kiến tạo văn hóa, văn học của dân tộc, chúng ta càng khâm phục các thế hệ đi trước. Với Nguyễn Huy Tự, từ một ca bản của Trung Quốc, ông đã biến nó thành một tác phẩm mang màu sắc hoàn toàn Việt Nam, phù hợp với tâm tư, tình cảm, bản sắc con người Việt Nam. Đây cũng chính là sự thể hiện cái phông văn hóa, tầm cao văn hóa trong con người Nguyễn Huy Tự cũng như chính tác phẩm Hoa tiên.

[1]. Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiện (1978), Truyện Hoa tiên, (Đào Duy Anh khảo đính, chú thích và giới thiệu), Nxb Văn học, Hà Nội, tr.9.

[2]. Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiện (1961), Truyện Hoa tiên, (Lại Ngọc Cang khảo đính và giới thiệu), Nxb Văn hóa, Hà Nội, tr.10.

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Đọc thêm

Podcast truyện ngắn: Nhật ký của một hạt mưa

Podcast truyện ngắn: Nhật ký của một hạt mưa

“Nhật ký của một hạt mưa” của tác giả Anh Đức kể về một thế giới đầy màu sắc qua góc nhìn nhân hóa của hạt mưa với những thông điệp sâu sắc về cuộc sống, tình bạn và sự sẻ chia.
Nỗ lực trao truyền ví, giặm cho thế hệ trẻ

Nỗ lực trao truyền ví, giặm cho thế hệ trẻ

Giữa guồng quay của cuộc sống, có những lớp nghệ nhân ở Hà Tĩnh vẫn thầm lặng cống hiến, gìn giữ tinh hoa nghệ thuật truyền thống. Với họ, đó không chỉ là lòng nhiệt huyết, niềm đam mê mà còn là sứ mệnh giữ lửa, trao truyền các giá trị của di sản quê hương.
"Rệu rã" di tích gần 400 tuổi

"Rệu rã" di tích gần 400 tuổi

Chùa Tịnh Lâm (phường Hà Huy Tập, tỉnh Hà Tĩnh) được xây dựng từ thế kỷ thứ XVII, nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
Ươm mầm dân ca ví, giặm

Ươm mầm dân ca ví, giặm

Phát huy vai trò là những hạt nhân trong bảo tồn, gìn giữ di sản, nhiều nghệ nhân trên địa bàn Hà Tĩnh đã tình nguyện tham gia, mở các lớp học miễn phí để truyền dạy dân ca cho các em học sinh.
Podcast bút ký: Làng thợ bạc Nam Trị

Podcast bút ký: Làng thợ bạc Nam Trị

Nâng chén trà miệng bít bạc của các nghệ nhân Nam Trị, tôi lâng lâng nghĩ về quá khứ, nghĩ đến tương lai của cái nghề vàng, nghề bạc. Cái nghề mà ông cha đã một thời đeo đuổi!
Podcast truyện ngắn: Chiếc xe đạp

Podcast truyện ngắn: Chiếc xe đạp

Mỗi người sinh ra đều có một hoàn cảnh riêng, không ai giống ai. Bởi vậy, hãy luôn cùng nhau cố gắng trong mọi hoàn cảnh, để mỗi ngày cảm nhận cuộc sống tươi đẹp hơn.
Podcast truyện ngắn: Lênh đênh đời thúng

Podcast truyện ngắn: Lênh đênh đời thúng

Một già, một trẻ, nương tựa vào nhau mà sống. Bên nhau qua từng mùa biển động. Ngoại không còn đủ sức để vươn ra xa bờ, chỉ còn trông cậy vào chiếc thúng chòng chành...
Podcast tản văn: Rộn ràng tiếng vỗ cánh chim non

Podcast tản văn: Rộn ràng tiếng vỗ cánh chim non

Mùa hè mang theo bao điều kỳ diệu trong khu vườn nhỏ của tuổi thơ. Nếu quan sát kỹ ta sẽ thấy sự biến chuyển của muôn loài, và sẽ thấy khu vườn tuổi thơ không chỉ có cây xanh và hoa trái, mà còn là nơi chắp cánh cho những ước mơ đầu đời được bay xa.
Đưa dân ca ví, giặm “chạm” đến thế hệ Alpha

Đưa dân ca ví, giặm “chạm” đến thế hệ Alpha

Không còn là những lời ru xưa vang vọng trong ký ức, những lớp học dân ca của CLB Dân ca ví, giặm trẻ Hà Tĩnh đã được “làm mới” và trở thành sân chơi sáng tạo, giúp các em nhỏ thêm tự tin, gắn kết và yêu văn hóa truyền thống.