Theo Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Viết Trường, hoạt động BCV, công tác tuyên truyền miệng là một kênh đặc thù và rất quan trọng nhằm truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phổ biến, giáo dục, quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền về kết quả trên các lĩnh vực của đất nước, của tỉnh; định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước các vấn đề thời sự quan trọng...
Hương Sơn tổ chức cuộc thi báo cáo viên giỏi để đánh giá chất lượng, năng lực và có kế hoạch bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên. |
Trong một lần về công tác ở huyện Hương Sơn, tôi nghe Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nguyễn Văn Thành tâm sự: Cần phải quan tâm đến hoạt động của đội ngũ BCV, vì chính họ đã góp phần đưa tiếng nói của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân. Năm 2013, Huyện ủy Hương Sơn tổ chức cuộc thi BCV giỏi, nhằm đánh giá đúng chất lượng đội ngũ và có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, giúp họ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tại cuộc thi, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thịnh - Nguyễn Hữu Đông đạt giải nhất; Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Phố Châu - Trần Thị Sâm đạt giải nhì...
Tình cờ cuối tháng 2/2014, tôi đến thị trấn Phố Châu đúng vào ngày cán bộ, đảng viên toàn đảng bộ đang nghe Phó Bí thư Đảng ủy Trần Thị Sâm quán triệt, triển khai Nghị quyết (NQ) T.Ư 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Bằng năng lực của mình cộng với sự chuẩn bị công phu, chu đáo, chị đã quán triệt các quan điểm chỉ đạo, định hướng và chủ trương phát triển GD-ĐT của Đảng ta. Người nghe nắm vững NQ của T.Ư, bởi BCV liên hệ sâu sắc với thực tế; hiểu rõ các quan điểm đó phải được địa phương tiếp tục cụ thể hóa, tạo điều kiện để GD-ĐT phát triển.
Khác với BCV cấp huyện Trần Thị Sâm, anh Nguyễn Đình Thành - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tiến Lộc (Can Lộc) là BCV của Đảng bộ xã nên “tác chiến” chủ yếu tại các chi bộ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Để hoàn thành trách nhiệm của mình, ngoài việc tham gia đầy đủ các cuộc họp ở huyện, anh dành nhiều thời gian tìm hiểu thêm thông tin, thời sự, chính sách mới, thường xuyên theo dõi báo chí, xem truyền hình. Anh tham gia nhiều cuộc sinh hoạt của các tổ chức quần chúng, đặc biệt là tổ chức thanh niên, nói chuyện thời sự, chính sách, giáo dục truyền thống dân tộc, truyền thống quê hương cho lớp trẻ.
Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hương Khê - Trần Quốc Bảo cũng là một trong những BCV cấp tỉnh nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao trước công việc. Vì vậy, ở Hương Khê, những năm gần đây, cấp ủy giữ nghiêm kỷ luật truyền đạt NQ của Trung ương và của tỉnh. Khi truyền đạt, BCV đem đến cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những quan điểm chính thống và tinh thần cơ bản của NQ, tuyệt đối không đưa quan điểm cá nhân khác với tinh thần NQ hay những vấn đề thiếu căn cứ, những lời bình luận không có cơ sở tin cậy v.v...
Sâu sát cơ sở nên BCV Trần Quốc Bảo cùng với BCV của huyện thực hiện thường xuyên phương châm thông tin hai chiều, tăng cường đối thoại với người nghe, góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra để tạo sự đồng thuận trước mỗi chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước.
Đó là 3 trong số hàng trăm BCV từ tỉnh đến cơ sở hoạt động có hiệu quả, góp phần tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Và cũng chính đội ngũ BCV góp phần đấu tranh chống những biểu hiện sai trái về tư tưởng và những hành vi nói, viết và làm trái với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Hiệu quả hoạt động của đội ngũ BCV ở tỉnh ta chỉ là bước đầu, vẫn còn một số hạn chế, rõ nhất là hoạt động tuyên truyền chưa phủ khắp các tầng lớp dân cư, tình trạng cơ sở “đói” thông tin vẫn còn. Phương thức hoạt động còn nặng tuyên truyền một chiều từ trên xuống. Tình hình đó đòi hỏi các cấp ủy tiếp tục rà soát lại đội ngũ BCV, chú trọng bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, làm cầu nối thông tin giữa Đảng với dân.