Bảo vệ trẻ em gái trong xã hội hiện đại

(Baohatinh.vn) - Hiện nay, nhận thức của hội viên hội phụ nữ, gia đình và cộng đồng về bình đẳng giới, quyền của phụ nữ, trẻ em đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, những nguy cơ đối với phụ nữ nói chung và trẻ em gái nói riêng luôn tiềm ẩn và cần sự chung tay, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của toàn xã hội.

Tiềm ẩn những nguy cơ

Trong xã hội hiện đại, có rất nhiều nguy cơ đối với trẻ em gái nói riêng nhưng nguy cơ lớn nhất vẫn là xâm hại tình dục. Đã có biết bao câu chuyện xâm hại tình dục đau đớn, xót xa mà nạn nhân là trẻ em gái ở nhiều độ tuổi.

Một nữ học sinh lớp 5 đang học bán trú tại Sa Pa (Lào Cai) bỗng nhiên bỏ về nhà và kiên quyết không đi học tiếp, nguyên nhân được xác minh là do thầy giáo thường xuyên giở trò đồi bại.

Trẻ em gái là đối tượng có nguy cơ bị xâm hại, cần được xã hội bảo vệ (Ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Đau lòng hơn, có những bé gái bị hãm hiếp và mang thai nhưng các em cũng không hề hay biết, cho đến khi cái thai lớn, gia đình mới phát hiện. Đó là trường hợp của em N.T.T.C (SN 1999 - Cẩm Xuyên) bị cụ ông 71 tuổi - là hàng xóm của gia đình hiếp dâm. Khi phát hiện ra, thai đã 23 tuần tuổi. Ðể tránh những điều tiếng không hay và đảm bảo sức khỏe cho cả 2 mẹ con, em C. phải bỏ học giữa chừng.

Đó chỉ là một vài trong số hàng nghìn vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra thời gian qua. Số liệu của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong 5 năm (2011-2015), có tới 5.300 vụ xâm hại tình dục/8.200 vụ xâm hại trẻ em nói chung (chiếm 65%). Số vụ xâm hại tăng từng năm khiến các bậc cha mẹ phải giật mình. Qua nghiên cứu, 90% kẻ xâm hại tình dục trẻ em là người gần gũi, quen biết…

Thực tế, những vụ trẻ em bị xâm hại tình dục đều để lại hậu quả rất nặng nề. Người bị hại không chỉ bị tổn thương về thể chất mà còn luôn sống trong sợ hãi và sự ám ảnh, đặc biệt là các em gái nhỏ tuổi.

Một nguy cơ cũng nghiêm trọng không kém đó là nạn bạo lực cả thể chất lẫn tinh thần trong gia đình mà trẻ em gái đang phải gánh chịu. Với những gia đình còn mang nặng tư tưởng trọng nam, khinh nữ, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì việc áp đặt mọi suy nghĩ, hành động cực đoan, độc đoán lên trẻ em gái vẫn rất phổ biến. Phải sống trong một môi trường mà tình trạng bạo lực diễn ra thường xuyên với những người như mẹ, chị em gái và với cả bản thân mình, các bé gái sẽ có xu hướng trầm cảm; tuổi thơ bị tổn thương tâm lý thì khi lớn lên các em rất khó hòa nhập cộng đồng.

Với sự phát triển của xã hội hiện đại, nhu cầu về dinh dưỡng của trẻ em được đáp ứng đầy đủ nên thể chất phát triển khỏe mạnh hơn nhưng cũng tiềm ẩn một nguy cơ là chứng dậy thì sớm, đặc biệt là với bé gái. Trẻ phát triển sớm về thể chất, cộng với việc mạng internet phủ sóng rộng rãi là điều kiện tiếp cận với những nguồn thông tin có tính nhạy cảm đã kích thích sự tò mò ở trẻ và các em gái rất dễ trở thành con mồi cho những đối tượng xấu.

Bảo vệ “những mầm xanh”

Bằng sự vào cuộc mạnh mẽ, nỗ lực của các ban, ngành liên quan, hiện nay, các vấn đề xã hội về phụ nữ, trẻ em đã được triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương. Công tác tuyên truyền, giáo dục đi vào trọng tâm với những phương thức hấp dẫn, lôi cuốn; nhận thức về vai trò, trách nhiệm của gia đình, cá nhân, cộng đồng, nhất là các cấp, ngành được nâng cao.

Bảo vệ trẻ em gái – những mầm xanh tương lai, trước hết phải là trách nhiệm của những người thân trong gia đình. Gia đình luôn là nhân tố quan trọng trong việc giáo dục, bảo vệ trẻ. Cần quan tâm chăm sóc nhiều hơn đến trẻ em gái, đặc biệt là lứa tuổi dậy thì, trong đó, người mẹ đóng vai trò rất quan trọng.

Cùng với nỗ lực của gia đình, rất cần sự chung tay từ phía nhà trường và các tổ chức xã hội. Ngoài việc tạo môi trường phát triển lành mạnh, bình đẳng, cần nhiều hơn nữa các lớp tập huấn kỹ năng sống cho trẻ em gái vị thành niên, trẻ em gái có nguy cơ bị lạm dụng tình dục cao, giúp các em biết cách tự bảo vệ, ứng phó với những nguy cơ trong cuộc sống hàng ngày...

Đảm bảo cho các bé gái một tuổi thơ trong sáng, an toàn sẽ là tiền đề để các em trở thành những người phụ nữ “giữ lửa” cho mỗi gia đình trong tương lai.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói