Bắt đầu giảm giá các dịch vụ thiết yếu

Bộ Công thương vừa trình Chính phủ phương án giảm giá điện trong 3 tháng cho các đối tượng khách hàng. Trong khi đó, các nhà mạng cũng lên phương án giảm giá cước viễn thông, tăng dung lượng cho người dùng trong mùa dịch Covid-19.

Bắt đầu giảm giá các dịch vụ thiết yếu

Nhà mạng MobiFone lắp đặt các trạm phát sóng thử nghiệm 5G tại TP.HCM - Ảnh: T.Sơn

Theo đề xuất của Bộ Công thương, giá điện có thể được giảm tối đa trong ba tháng 4, 5 và 6 với mức 10% cho các đối tượng khách hàng sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh. Tổng gói hỗ trợ nếu được thông qua sẽ lên tới gần 11.000 tỉ đồng.

Theo đó, đối với khách hàng sản xuất và kinh doanh, Bộ Công thương đề xuất giảm giá điện ở tất cả các khung giá: cao điểm, bình thường và thấp điểm so với biểu giá tại quyết định 648. Trong đó, khách hàng sản xuất sẽ được hỗ trợ cho 3 tháng là 5.117,82 tỉ đồng và 986,19 tỉ đồng cho khách hàng kinh doanh.

Giảm cho mọi đối tượng, mức cao nhất 10%

Bộ Công thương cho rằng ưu điểm của phương án này là tất cả các khách hàng sản xuất bao gồm doanh nghiệp lớn chạy 3 ca hay doanh nghiệp nhỏ chạy 1 ca cũng đều được hỗ trợ tiền điện.

Việc duy trì giá giờ cao - thấp điểm cũng sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm điện vào giờ cao điểm, khuyến khích sử dụng điện vào giờ bình thường và thấp điểm. Như vậy, tổng số tiền hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh sẽ là 6.104 tỉ đồng, tương ứng với doanh thu của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) là 6.104 tỉ đồng.

Đối với khách hàng du lịch hiện nay đang thuộc nhóm đối tượng “kinh doanh dịch vụ”, với tỉ trọng sản lượng điện ước chiếm khoảng 1,53 - 1,8% tổng sản lượng điện thương phẩm.

Do đó, với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, Bộ Công thương đề xuất giảm giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá áp cho khách hàng kinh doanh dịch vụ xuống bằng áp giá cho hộ sản xuất và áp dụng từ tháng 4-2020. Số tiền hỗ trợ 1.840 tỉ đồng.

Đáng chú ý trong đề xuất này, Bộ Công thương cũng kiến nghị giảm giá điện cho người dân (khách hàng sinh hoạt). Theo đó, bộ này đề xuất giảm giá 10% đối với các khách hàng sử dụng bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4.

Đối tượng này chủ yếu là người lao động, công chức, viên chức, công nhân bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19. Với bậc thang cao trên 300 kWh, bộ đề xuất giữ nguyên vì các khách hàng tiêu thụ ở bậc này là những người có thu nhập cao, ít chịu ảnh hưởng bởi dịch. Số tiền hỗ trợ cho khách hàng sinh hoạt sẽ được hưởng là 2.930 tỉ đồng.

Ngoài ra, trước đó EVN cũng đề xuất hỗ trợ miễn giảm tiền điện trực tiếp cho các cơ sở phục vụ chống dịch COVID-19, với tổng số tiền ước tính khoảng 100 tỉ đồng.

Cụ thể như miễn tiền điện cho khách hàng sử dụng điện là cơ sở cách ly, khám chữa bệnh tập trung chỉ liên quan đến dịch COVID-19.

Giảm 20% giá bán điện cho cơ sở khám, chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19 và giảm 20% giá bán điện cho các khách sạn được sử dụng để cách ly.

Như vậy, tổng số tiền điện dự kiến sẽ giảm, miễn cho các đối tượng nêu trên là 10.974 tỉ đồng.

Bắt đầu giảm giá các dịch vụ thiết yếu

Chị Nguyễn Khắc Thu Hoài (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) làm việc tại nhà trong đợt cách ly toàn thành phố để phòng dịch COVID-19 - Ảnh: N.THỊNH

Ai sẽ được ưu đãi giá cước?

Ngày 2-4, ông Trần Duy Hải, phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), cho biết 4 nhà mạng là Viettel, MobiFone, VNPT và Vietnamobile sẽ tặng 50% data cho tất cả gói cước di động hỗ trợ khách hàng chống dịch Covid-19.

Cùng với các nhà mạng di động, các nhà cung cấp dịch vụ Internet gồm: CMC, Viettel, FPT cũng đã cam kết nâng dung lượng từ 1,5 lên 2 lần mà không tăng giá cước.

Về giảm cước viễn thông 20% cho các đối tượng an sinh xã hội, ông Tô Dũng Thái - phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) - cho biết sẽ có 4 đối tượng được hỗ trợ từ các dịch vụ viễn thông của nhà mạng (người có công với cách mạng; các đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế, hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương, lao động mất việc làm...).

Theo ông Thái, tất cả khách hàng thuộc các đối tượng an sinh xã hội trên sẽ được VNPT giảm 20% cước đối với các dịch vụ mà VNPT đang cung cấp như băng rộng cố định (Internet cáp quang), MyTV, điện thoại di động...

Trong khi đó, ông Bùi Sơn Nam - phó tổng giám đốc MobiFone - cho biết hiện các nhà mạng đang họp thống nhất để ra cùng chính sách. Đối tượng được hưởng giảm 20% sẽ theo danh sách của Chính phủ, khi có danh sách - tức chỉ cần có “cốt vé” là nhà mạng sẽ ngay lập tức hỗ trợ theo đúng cam kết mà Bộ TT-TT công bố.

Ngoài việc giảm 20% giá cước cho các đối tượng, các nhà mạng cũng cam kết sẽ thực hiện nâng tốc độ Internet lên thêm 50%, tăng dung lượng sử dụng data của tất cả các gói cước hiện hành lên 50% nhưng không tăng giá.

Thay lời khích lệ đến đội ngũ phòng chống dịch đang ngày đêm làm việc tại các tuyến đầu trên cả nước, cũng như động viên tinh thần người dân tại các khu cách ly, từ ngày 1-4, nhà mạng VinaPhone áp dụng gói cước 0 đồng cho tất cả thuê bao thuộc 2 nhóm này.

Theo đó, các thuê bao sẽ có mỗi tháng 1.500 phút gọi nội mạng, 50 phút gọi ngoại mạng và 60 GB data tốc độ cao (2 GB/ngày). Riêng khu vực làm việc của nhân viên y tế, VinaPhone cung cấp miễn phí thêm Internet tốc độ 50 Mbps và truyền hình MyTV Net. Chương trình được áp dụng đến khi VN công bố hết dịch.

Đối với người dùng cuối, VinaPhone cho biết đang bổ sung 18% tổng số trạm và 35% dung lượng mạng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời gian tới. VNPT - đơn vị chủ quản của VinaPhone - cũng tăng gấp đôi tốc độ đường truyền Internet mà giá không đổi cho gói cước Home Combo: từ 50 Mbps lên 100 Mbps và có thể nâng thêm đến 150 Mbps.

Ông Tào Đức Thắng, phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - viễn thông quân đội (Viettel), cho biết về việc tăng tốc độ Internet (chủ yếu là cố định - Internet cáp quang) thì nhà mạng sẽ tăng từ 1,5 - 2 lần. Đối với băng rộng di động (3G, 4G) cùng việc lắp thêm nhiều trạm, các mạng cũng thống nhất nâng gấp rưỡi (50%) dung lượng cho các gói cước mà khách hàng đang sử dụng.

Thời gian hỗ trợ người dùng thụ hưởng các chính sách trên, các nhà mạng thực hiện trong 3 tháng gồm tháng 4, 5 và 6 theo thời gian công bố dịch của Nhà nước và sẽ hỗ trợ đến khi nào Chính phủ công bố hết dịch mới dừng.

Theo Tuổi trẻ

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Mặc dù bức tranh lạm phát vẫn chưa rõ ràng và nhu cầu về đồ trang sức vàng có thể suy yếu ở một số khu vực, nhưng triển vọng chung về giá vàng thế giới trong năm tới là tích cực, theo các nhà phân tích của Tập đoàn Heraeus Precious Metals.
Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng, dầu tiếp tục biến động trái chiều trong phiên điều hành theo chu kỳ của Liên Bộ Tài chính – Công Thương.