Bi kịch phía sau món cà phê đắt nhất hành tinh

Cà phê chồn hay còn gọi là Kopi Luwak là loại cà phê đặc biệt hiếm và có giá đắt nhất thế giới. Loại cà phê này được sản xuất từ hạt cà phê do loài cầy hương ăn quả thải ra. Enzyme trong đường tiêu hóa của chúng làm thay đổi cấu trúc protein ở hạt cà phê, giảm bớt vị chua và giúp tách cà phê thơm ngon hơn. Một cốc cà phê chồn có thể được bán với giá 80 USD ở Mỹ.

bi kich phia sau mon ca phe dat nhat hanh tinh

Cầy hương hoang dã bị nhốt trong cũi để lấy phân. Ảnh: Blogspot.

Sinh sống ở Đông Nam Á và vùng châu Phi cận sa mạc Sahara, cầy hương có đuôi dài giống đuôi khỉ với những vạch sọc trên mặt và thân. Chúng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn, chuyên ăn côn trùng và bò sát nhỏ cùng với những loại quả như cà phê và xoài.

Lúc đầu, nghề buôn cà phê chồn mang lại nhiều lợi ích cho cầy hương. Ở Indonesia, cầy vòi hương chuyên ăn quả trong các trang trại nên thường bị coi là loài vật gây hại. Sự phát triển của ngành công nghiệp cà phê thúc đẩy người dân địa phương bảo vệ cầy hương.

Tuy nhiên khi cà phê chồn trở nên thịnh hành, nhiều con cầy hương hoang dã bị bắt nhốt vào cũi trong các đồn điền, phần để phục vụ sản xuất cà phê, phần để thu hút khách du lịch.

Các chuyên gia tại Tổ nghiên cứu Bảo tồn Động vật hoang dã thuộc Đại học Oxford phối hợp với Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới ở London, Anh, đánh giá điều kiện sống của gần 50 con cầy hương hoang dã bị nhốt trong cũi từ 16 đồn điền tại Bali, Indonesia. Kết quả nghiên cứu công bố hôm 28/4 trên tạp chí Animal Welfare cho thấy bức tranh ảm đạm về cuộc sống của nhiều con cầy hương.

Các đồn điền trên đều không đáp ứng những yêu cầu cơ bản về quyền động vật như kích thước, điều kiện vệ sinh và khả năng hoạt động bình thường của cầy hương nhốt trong cũi. "Một số cũi chỉ nhỏ như chuồng thỏ. Bên trong cũi là nước tiểu và phân ở khắp mọi nơi", Neil D’Cruze, một thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Một số con cầy hương rất gầy, chỉ được cho ăn duy nhất quả cà phê. Một số con khác bị béo phì do không được tự do chạy nhảy.

Theo D’Cruze, điều đáng ngại nhất là thiết kế sàn cũi bằng lưới mắt cáo mà những con cầy hương phải tiếp xúc suốt cả ngày. "Nếu bạn đứng trên lưới mắt cáo trong thời gian dài, bạn sẽ bị đau chân và trầy da. Những con cầy hương không có chỗ trú thân nào khác. Lưới mắt cáo thường xuyên gây đau đớn và khó chịu cho chúng", D’Cruze nói.

Ngoài ra, nhiều con cầy hương không được dùng nước sạch và không cơ hội tương tác với đồng loại. Loại động vật hoạt động về đêm này cũng bị ảnh hưởng từ tiếng ồn đến từ xe cộ lưu thông và khách tham quan.

Theo các chuyên gia, điều khiến cà phê chồn trở nên đặc biệt là cầy hương hoang dã tự lựa chọn những quả cà phê tốt nhất để ăn. Việc nhốt cầy hương trong cũi và cho chúng ăn quả cà phê già sẽ dẫn đến sản phẩm kém chất lượng.

Theo VNE

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Trước những vấn đề cấp thiết đang hiện hữu, các nhà khoa học từng nhận giải VinFuture dự đoán những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, an ninh năng lượng hay sức khỏe toàn cầu… sẽ là những ứng cử viên tiềm năng cho Giải thưởng VinFuture 2024 danh giá.
Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Sau video robot nhỏ thuyết phục "đồng đội" bỏ việc, nhiều người lo ngại viễn cảnh robot tích hợp AI có thể nổi loạn và tự ra quyết định.
Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture” hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.
Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.