Bộ Chính trị ban hành Quy định mới về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

bo chinh tri ban hanh quy dinh moi ve xu ly ky luat dang vien vi pham

Đảng viên bôi nhọ lãnh đạo đảng, nhà nước sẽ bị khai trừ. Ảnh: VGP

Theo TTXVN, Quy định gồm 5 chương 37 điều thay thế Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. So với Quy định 181-QĐ/TW, Quy định 102-QĐ/TW tăng hơn 1 điều.

Quy định này quy định nội dung vi phạm và hình thức kỷ luật đối với đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nghị quyết, quy định của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị.

Trường hợp đảng viên vi phạm những nội dung chưa có trong Quy định này thì căn cứ vào quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và vận dụng Quy định này để xử lý kỷ luật cho phù hợp.

Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và những nội dung nêu trong Quy định này.

Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng

Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời. Việc thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm phải thực hiện đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Điều lệ Đảng, quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Quy định nêu rõ: Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu phê bình và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra, mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.

Trong xử lý kỷ luật, phải kết hợp xem xét kết quả tự phê bình và phê bình với kết quả thẩm tra, xác minh của tổ chức đảng để bảo đảm kết luận dân chủ, khách quan, trung thực, đầy đủ, chính xác.

Cần làm rõ nguyên nhân, phân biệt sai lầm, khuyết điểm của đảng viên do trình độ, năng lực hoặc động cơ vì lợi ích chung hay vì lợi ích cá nhân, cục bộ mà cố ý làm trái; vi phạm nhất thời hay có hệ thống; đã được giáo dục, nhắc nhở, ngăn chặn nhưng vẫn làm trái; ý thức tự phê bình và phê bình kém, không tự giác nhận lỗi, không bồi hoàn vật chất đầy đủ, kịp thời; có hành vi đối phó, gây khó khăn, trở ngại cho việc kiểm tra; phân biệt đảng viên khởi xướng, tổ chức, quyết định với đảng viên bị xúi giục, lôi kéo, đồng tình làm sai.

Đối với đảng viên chính thức hình thức kỷ luật bao gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Đảng viên dự bị hình thức kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo. Đảng viên vi phạm đến mức khai trừ thì phải khai trừ, không áp dụng hình thức xoá tên; cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không cho thôi giữ chức; đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, không đủ tư cách thì xoá tên trong danh sách đảng viên.

Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ"; bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị xử phạt bằng hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp.

Kỷ luật đảng không thay thế các hình thức kỷ luật khác

Theo Quy định, kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị ngay các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể.

Khi các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội đình chỉ công tác, khởi tố bị can hoặc thi hành kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó biết. Chậm nhất là 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức đảng quản lý đảng viên phải xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng.

Một nội dung vi phạm chỉ bị xử lý kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trong thời điểm kiểm tra, xem xét xử lý vụ việc, nếu đảng viên có từ hai nội dung vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận từng nội dung vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật; không tách riêng từng nội dung vi phạm của đảng viên để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau. Trong cùng một vụ việc có nhiều đảng viên vi phạm thì mỗi đảng viên đều phải bị xử lý kỷ luật về nội dung vi phạm của mình.

Tổ chức đảng có thẩm quyền khi thi hành kỷ luật oan, sai đối với đảng viên phải chủ động thay đổi hoặc huỷ bỏ quyết định đó; nếu tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật đối với đảng viên mà tổ chức đảng đó có vi phạm trong việc xem xét, xử lý kỷ luật đến mức phải kỷ luật thì cấp uỷ hoặc ban thường vụ cấp uỷ cấp trên xem xét, quyết định.

Sau một năm, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật (trừ quyết định kỷ luật khai trừ), nếu đảng viên không khiếu nại, không tái phạm hoặc không có vi phạm mới đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên hết hiệu lực. Không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước đối với đảng viên đang được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật.

Quy định rõ hình thức kỷ luật đối với 3 loại vi phạm

Quy định đã nêu rõ các hình thức kỷ luật cụ thể đối với từng loại vi phạm: Về chính trị và nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng; về chính sách, pháp luật của Nhà nước; về chế độ trách nhiệm, đạo đức lối sống, tín ngưỡng và tôn giáo; đối với từng trường hợp vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng, gây hậu quả nghiêm trọng và gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Các vi phạm về chính trị và nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng gồm: Vi phạm về quan điểm chính trị và chính trị nội bộ; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; vi phạm các quy định về bầu cử; vi phạm về tuyên truyền, phát ngôn; vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ; vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước.

Các vi phạm về chính sách, pháp luật của Nhà nước gồm: Vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm; vi phạm hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; vi phạm về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo; về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; vi phạm các quy định trong đầu tư, xây dựng; trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; trong quản lý, sử dụng các loại quỹ hỗ trợ, tài trợ, nhân đạo, từ thiện; trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội; vi phạm quy định về đất đai, nhà ở; về quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ; về lập hội và hoạt động của hội; biểu tình, tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự; vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình; về kết hôn với người nước ngoài; về quan hệ với tổ chức, cá nhân người nước ngoài; về chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình; về đạo đức nghề nghiệp trong ngành Y tế.

Các vi phạm về chế độ trách nhiệm, đạo đức lối sống, tín ngưỡng và tôn giáo gồm vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ; về tệ nạn xã hội; về bạo lực gia đình; về đạo đức, nếp sống văn minh; về tín ngưỡng, tôn giáo.

Những trường hợp vi phạm được xem xét giảm nhẹ mức kỷ luật khi có một hoặc một số tình tiết như sau: Chủ động báo cáo vi phạm của mình với tổ chức, tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm trước khi bị phát hiện; chủ động báo cáo, cung cấp thông tin, phản ánh đầy đủ, trung thực về những người cùng vi phạm; chủ động khắc phục hậu quả vi phạm và tích cực tham gia ngăn chặn hành vi vi phạm; tự giác bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra; vi phạm do nguyên nhân khách quan hoặc do bị ép buộc nhưng đã chủ động báo cáo với tổ chức; vi phạm do phải thực hiện chủ trương, quyết định, mệnh lệnh sai trái của cấp trên.

Những trường hợp vi phạm phải xem xét tăng nặng mức kỷ luật khi có một hoặc một số tình tiết sau: Đã được tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giáo dục, nhắc nhở mà không sửa chữa; quanh co, che giấu hoặc không tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm; bao che cho người cùng vi phạm; trù dập, trả thù người đấu tranh, tố cáo vi phạm hoặc người cung cấp chứng cứ vi phạm; cung cấp thông tin, báo cáo sai sự thật; ngăn cản người khác cung cấp chứng cứ vi phạm; sửa chữa, tiêu hủy chứng cứ, lập hồ sơ, chứng cứ giả; đối phó, cản trở, gây khó khăn, trở ngại trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ vi phạm; vi phạm do lợi dụng tình trạng khẩn cấp, thiên tai, thực hiện chính sách xã hội và an ninh, quốc phòng; vi phạm gây thiệt hại về vật chất phải bồi hoàn nhưng không bồi hoàn, không khắc phục hậu quả; vi phạm nhiều lần, có hệ thống, bị xử lý kỷ luật nhiều lần; vi phạm có tổ chức; là người chủ mưu, khởi xướng hành vi vi phạm; ép buộc, vận động, tổ chức, tiếp tay cho người khác cùng vi phạm; ép buộc, hướng dẫn hoặc tạo điều kiện cho người khác tạo lập tài liệu, hồ sơ, chứng cứ giả; che giấu, sửa chữa, tiêu hủy chứng cứ, hồ sơ, tài liệu.

Theo VGP

Đọc thêm

Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Sau gần 35 năm tái lập tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục cùng cả nước thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Những thành tựu đạt được của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh nhà tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa cùng sức mạnh của con người Hà Tĩnh.
Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Cuối tháng 3/1930, tại bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc, Can Lộc) diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh. Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa quyết định, mở ra bước phát triển mới với những thắng lợi to lớn của phong trào cách mạng tỉnh nhà.
Thiêng liêng lời tuyên thệ nơi đảo xa

Thiêng liêng lời tuyên thệ nơi đảo xa

Đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ, không có gì ý nghĩa hơn khi được làm lễ kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trường Sa - nơi tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc.
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng ta không ngừng đưa ra những quyết sách phù hợp, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
[Tổng Bí thư các thời kỳ] Chủ tịch Hồ Chí Minh

[Tổng Bí thư các thời kỳ] Chủ tịch Hồ Chí Minh

Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tổ chức, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam là vô cùng to lớn. Song, vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là Người đã xây dựng và rèn luyện Đảng ta thành một đảng kiên cường, giàu bản lĩnh và kinh nghiệm trong lãnh đạo cách mạng cũng như xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Những mốc son chói lọi và bài học kinh nghiệm trên chặng đường 95 năm của Đảng

Những mốc son chói lọi và bài học kinh nghiệm trên chặng đường 95 năm của Đảng

Sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành chính quyền, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Những mốc son chói lọi có ý nghĩa lịch sử đã khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.