Ngày 7/12, trung tướng Tô Ân Xô (Chánh văn phòng Bộ Công an) thông tin về việc nhiều người dân bị kẻ mạo danh cán bộ công an, VKS, tòa án hay người quen của lãnh đạo cấp cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tướng Xô nhấn mạnh tội phạm dùng nhiều cách thức khi gây án, đặc biệt là sử dụng công nghệ cao. Trong 4 hình thức lừa đảo được chỉ ra, thủ đoạn giả danh người có chức vụ, quyền hạn đang phổ biến.
Theo người phát ngôn, nhiều trường hợp giả là người quen của lãnh đạo cấp cao hay các cơ quan trọng yếu. Chúng cung cấp ảnh, video (đã được cắt ghép) của bản thân với lãnh đạo để tạo niềm tin rồi hứa hẹn chạy án, xin việc, xin dự án… rồi chiếm đoạt tiền.
Thứ hai, tội phạm dùng dịch vụ giả mạo số điện thoại của cơ quan công an, VKS hay tòa án để gây sức ép. Sau đó, kẻ gian yêu cầu người dân chuyển tiền.
Ba là hình thức đóng giả nhân viên bưu điện, điện lực thông báo nhận bưu phẩm, báo nợ cước viễn thông, nợ tiền điện hoặc giả cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, tố cáo gây tai nạn để khai thác thông tin cá nhân.
Dựa trên thông tin có được, kẻ gian làm giả lệnh bắt, khởi tố để đe dọa nạn nhân. Có kẻ còn đề nghị người dân lập tài khoản ngân hàng, chuyển tiền vào đó rồi cung cấp mật khẩu, mã OTP cho chúng.
Nhiều tội phạm giả mạo lệnh bắt của VKSND Tối cao để gửi cho nạn nhân. Ảnh: Hải Nam.
Một hình thức lừa đảo khác là giả mạo nhân viên ngân hàng, lừa bị hại vay vốn, mở thẻ tín dụng qua các website; gửi văn bản giả xác nhận phê duyệt khoản vay, yêu cầu nạn nhân nộp phí hoặc trả góp. Tội phạm còn mạo danh nhân viên trung tâm mua sắm, đài truyền hình hay công ty xổ số thông báo trúng thưởng. Sau đó, họ yêu cầu người dân chuyển trước một khoản tiền đóng thuế để nhận thưởng rồi chiếm đoạt.
Để không “sập bẫy” các chiêu thức lừa đảo, trung tướng Tô Ân Xô đưa ra 3 khuyến cáo để người dân tránh bị mất mát tài sản hoặc vướng lao lý.
Thứ nhất, người dân cảnh giác với các cuộc gọi của người tự xưng cán bộ cơ quan tố tụng. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà cho bất kỳ người lạ nào, không chuyển tiền vào các tài khoản do người không quen biết cung cấp.
Bộ Công an khẳng định khi làm việc, lực lượng công an, VKS hay tòa án sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập và làm việc trực tiếp tại trụ sở, không làm việc qua mạng hay điện thoại.
Thứ hai, mọi người cần thường xuyên kiểm tra, cập nhật tính năng bảo mật tài khoản ngân hàng, mạng xã hội. Không cho mượn, thuê giấy tờ cá nhân, không nhận tiền chuyển khoản qua ngân hàng của người không quen biết hoặc không giúp họ chuyển tiền.
Cuối cùng, Bộ Công an cảnh báo đối với các vụ án lừa đảo qua mạng, nhất là chuyển tiền qua Internet banking, khả năng thu hồi tài sản bị chiếm đoạt rất khó khăn. Do đó, người dân nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tàn sản nên thông báo công an sở tại để được hướng dẫn.