Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp khi có dịch

Trước những tác động của dịch cùng những khó khăn về kinh tế-xã hội, chỉ từ 25/5/2020 đến 24/5/2021, toàn quốc phát hiện hơn 5.400 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.

Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp khi có dịch

Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Thời gian gần đây, do tác động của việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo phương thức truyền thống giảm, song tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng không gian mạng để hoạt động có diễn biến phức tạp.

Giãn cách xã hội, lừa đảo trên không gian mạng gia tăng

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm 2015-2019, toàn quốc đã khởi tố 10.360 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với 11.410 bị can, chiếm đoạt số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Con số này tương đương với khoảng hơn 2.000 vụ án/năm.

Tuy nhiên, trước những tác động của dịch COVID-19 cùng những khó khăn về kinh tế-xã hội, chỉ từ 25/5/2020 đến 24/5/2021, toàn quốc đã phát hiện hơn 5.400 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Những con số này cho thấy tình hình phức tạp của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Các thủ đoạn lừa đảo truyền thống thường được các đối tượng thực hiện như giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, người nhà lãnh đạo cấp cao để lừa xin việc làm, “chạy chức,” “chạy án,” xin dự án, vay vốn tổ chức, cá nhân nước ngoài; kêu gọi đầu tư, tài trợ vào các công ty, dự án, chương trình, các quỹ, lừa làm các thủ tục đưa người đi du lịch, du học hoặc đi làm việc ở nước ngoài; làm giả cổ vật, đá quý, kim loại quý, cây cảnh, lan đột biến... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài các thủ đoạn lừa đảo truyền thống, trong bối cảnh dịch, các đối tượng đã lợi dụng không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với phương thức tinh vi, đa dạng về cách tiếp cận nạn nhân; nhiều vụ có số lượng lớn bị hại tham gia tại nhiều địa phương trên cả nước.

Các thủ đoạn điển hình như sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, sau đó giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, thuế... yêu cầu bị hại nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt... vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt; giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án, vụ việc đang giải quyết, đe dọa, yêu cầu bị hại chuyển tiền hoặc khai thác thông tin tài khoản ngân hàng của bị hại, từ đó đăng nhập vào tài khoản của bị hại, chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt; chiếm quyền quản trị (hack) hoặc giả lập các tài khoản mạng xã hội của người dân rồi nhắn tin, lừa gạt người thân quen của chủ tài khoản chuyển tiền sau đó chiếm đoạt.

Bên cạnh đó, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng không gian mạng để tạo lập các website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng “mồi nhử” là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư, kinh doanh tiền ảo , ngoại hối (Forex), sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option)... theo mô hình đa cấp, sau đó can thiệp vào hệ thống kỹ thuật làm cho nhà đầu tư thua lỗ hoặc đánh sập để chiếm đoạt tài sản.

Hay phương thức khác, các đối tượng lợi dụng việc mua bán hàng hóa trên các website bán hàng trực tuyến, trên mạng xã hội, nhất là mua bán các mặt hàng như khẩu trang, thiết bị y tế trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn ra... để lừa đảo chiếm đoạt tiền của đối tác mua, bán hàng hoặc giả danh nhân viên y tế mời gọi người dân mua thuốc phòng dịch hoặc cung cấp dịch vụ xét nghiệm, tiêm vaccine, cung ứng vật tư phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu người dân đóng tiền rồi chiếm đoạt; hoặc thủ đoạn đăng thông tin giả mạo về các hoàn cảnh khó khăn để vận động quyên góp từ thiện và chiếm đoạt số tiền huy động được.

Ví dụ về lừa đảo từ thiện, vừa qua, vào ngày 18/4/2021, Công an tỉnh Hà Nam triệt phá chuyên án, bắt Trần Văn Lâm (sinh năm 1998, trú tại Đồng Hóa, Kim Bảng, Hà Nam), thu giữ 11 điện thoại, 2 bộ máy vi tính, 3 thẻ ngân hàng, 9 sim điện thoại.

Đối tượng lên mạng Internet tìm kiếm và sao chép các bài viết liên quan đến các trường hợp trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thương tâm rồi chỉnh sửa mục thông tin tài khoản người nhận thành tài khoản ngân hàng của đối tượng. Sau đó, đối tượng sử dụng các tài khoản mạng xã hội Facebook khác nhau chia sẻ nội dung bài viết để kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ, và chiếm đoạt số tiền do các nhà hảo tâm chuyển đến. Từ năm 2019 đến tháng 4/2021, đối tượng đã chiếm đoạt số tiền của hơn 1.000 bị hại với số tiền trên 6 tỷ đồng.

Về lừa đảo bán hàng trên mạng, ngày 2/4/2021, Công an tỉnh Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp Công an, Công an các địa phương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Gia Lai, Bắc Giang triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản do đối tượng Lê Huy Nhật (sinh năm 1993, trú tại Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) và Nguyễn Hữu Hiếu (sinh năm 1993, trú tại Việt Hùng, Vũ Thư, Thái Bình) cầm đầu, đã đồng loạt bắt giữ 12 đối tượng và triệu tập 80 đối tượng liên quan, thu giữ 2,6 tỷ đồng, 79 máy tính xách tay, 187 điện thoại di động, 30 thùng (2 tấn) hàng hóa cùng nhiều tài sản, đồ vật khác.

Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp khi có dịch

Đối tượng Nguyễn Minh Vũ Chiếm (Thừa Thiên - Huế) chiếm đoạt tài khoản Facebook, giả danh người thân để lừa đảo chuyển tiền. (Nguồn: cand.com.vn)

Các đối tượng lập các trang fanpage bán hàng online rồi thuê chạy quảng cáo, tăng lượt tương tác, tăng view trên mạng xã hội Facebook để tuyển cộng tác viên bán hàng. Sau khi cộng tác viên đăng bài, các đối tượng sẽ sử dụng sim rác, tài khoản Facebook ảo đăng ký mua hàng, đặt hàng để cho cộng tác viên đặt mua hàng tại trang fanpage của các đối tượng.

Sau khi nhận được hàng, các cộng tác viên liên hệ với khách đã đặt mua trước đó thì không liên lạc được do các đối tượng đã xóa dấu vết. Vì vậy, các cộng tác viên sẽ mua và giữ một số lượng hàng đã thanh toán tiền cho các đối tượng, nhưng có giá chênh lệch rất lớn và không sử dụng được do hàng kém chất lượng. Bằng thủ đoạn trên, các đối tượng đã lừa hàng chục nghìn người trên cả nước, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của các bị hại.

Xử lý nghiêm các vụ án liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Về nguyên nhân, theo Bộ Công an, những tác động của tình hình kinh tế, xã hội đến đời sống nhân dân, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp kéo theo các vấn đề về an sinh xã hội là một trong các nguyên nhân làm gia tăng tội phạm và phức tạp về an ninh trật tự, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nguyên nhân quan trọng khác là một bộ phận quần chúng nhân dân nhẹ dạ, cả tin, hám lợi, mất cảnh giác để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, các quy định pháp luật trên một số lĩnh vực có liên quan còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Công tác quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, không gian mạng, đất đai, công chứng... còn tồn tại sơ hở, thiếu sót. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội còn chưa đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Cấp ủy, người đứng đầu một số địa phương còn chưa quyết liệt trong chỉ đạo phòng ngừa, xử lý các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một số văn bản hướng dẫn thực hiện chậm được ban hành để thống nhất thực hiện, như hướng dẫn về “nơi xảy ra tội phạm,” “nơi phát hiện tội phạm” để xác định thẩm quyền điều tra đối với các vụ án, vụ việc mà đối tượng phạm tội chiếm đoạt tiền của bị hại thông qua dịch vụ chuyển tiền nhanh E-banking, ví điện tử...

Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp khi có dịch

Ảnh minh họa. (Nguồn: 123rf.com)

Hành lang pháp lý quy định về tiền “ảo,” tiền kỹ thuật số và các hình thức giao dịch liên quan tiền “ảo,” tiền kỹ thuật số chưa được ban hành. Các quy định về dịch vụ mạng Internet, mạng viễn thông, dịch vụ ngân hàng tạo thuận lợi cho nhân dân đăng ký, sử dụng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhưng cũng là điều kiện để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hoạt động và đối phó với sự phát hiện, đấu tranh của cơ quan chức năng.

Trên không gian mạng, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản hầu hết đều có sự hiểu biết về công nghệ thông tin, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng đa dạng và chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch để thực hiện hành vi phạm tội, thường xuyên thay đối thông tin cá nhân, số điện thoại, sử dụng tài khoản “ảo,” thay đổi địa bàn hoạt động gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, đấu tranh. Trong khi, nhận thức nói chung và sự am hiểu về công nghệ nói riêng của người dân còn hạn chế, nhất là tầng lớp người trung và cao tuổi, hưu trí, người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Không gian mạng là “không biên giới” và có tính ẩn danh cao, liên quan đến sự quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước dẫn đến công tác xác định, truy nguyên đối tượng rất khó khăn, nhất là trường hợp liên quan đến dữ liệu, tài khoản cá nhân đăng ký trên các mạng xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài chưa có văn phòng đại diện ở Việt Nam.

Trước thực trạng trên, Bộ Công an ban hành kế hoạch, tổ chức triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó có đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc vận hành có hiệu quả đường dây nóng, tiếp nhận đầy đủ, phân loại giải quyết kịp thời, đúng pháp luật 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; làm tốt công tác nắm tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, thu thập tài liệu, chứng cứ, điều tra khám phá nhanh, xử lý nghiêm các vụ án liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo với những thủ đoạn tinh vi, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Theo Xuân Tùng/Vietnam+

Đọc thêm

Đội trưởng CSGT lý giải nguyên nhân tai nạn giao thông tại các điểm giao cắt tăng, cách phòng tránh

Đội trưởng CSGT lý giải nguyên nhân tai nạn giao thông tại các điểm giao cắt tăng, cách phòng tránh

Thời gian gần đây, số vụ TNGT tại các điểm giao cắt ngã 3, ngã 4 tăng. Nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn đến từ ý thức tham gia giao thông của người dân. Trung tá Dương Thị Hồng Ngân - Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an TP Hà Tĩnh hướng dẫn người dân khi tham gia qua các điểm giao cắt này.
Kết buồn của kẻ gieo “cái chết trắng”

Kết buồn của kẻ gieo “cái chết trắng”

Kiếm lời từ việc bán ma túy, Phan Văn Quốc (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) đã phải nhận bản án đắt giá. Đó cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai đang xem thường pháp luật.
Liều lĩnh phạm tội, sợ hãi khi ra tòa

Liều lĩnh phạm tội, sợ hãi khi ra tòa

Từng nhiều lần bị xét xử về tội trộm cắp tài sản nhưng sau mỗi lần “sa chân” Nguyễn Văn Công (trú thôn Đông Nam Lộ, xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) lại tiếp tục “dính” án.